200 năm vườn bia Đức

P. DŨNG NGUYỄN| 10/05/2012 05:06

Biergarten” là một trong những từ tiếng Đức phổ biến nhất thế giới vì nhắc đến từ này là gợi lên những giờ phút thưởng thức bia tươi mát lạnh ngoài trời, dưới bóng cây cao rợp bóng mát cùng người thân, bè bạn, đồng nghiệp.

200 năm vườn bia Đức

Có thể nói, một trong những hình ảnh đầu tiên gợi lên khi nhắc đến nước Đức là hình vại bia to sủi bọt thật hấp dẫn. Và “Biergarten” là một trong những từ tiếng Đức phổ biến nhất thế giới vì nhắc đến từ này là gợi lên những giờ phút thưởng thức bia tươi mát lạnh ngoài trời, dưới bóng cây cao rợp bóng mát cùng người thân, bè bạn, đồng nghiệp.

Đọc E-paper

Oktoberfest trong lều bia khổng lồ

Năm 2012, lối hưởng thụ bia kiểu Đức này tròn 2 thế kỷ tuổi đời, cũng là dịp tạo nên niềm vui cho hằng chục triệu người mỗi khi đi du lịch Berlin, Cologne, Frankfurt, Dusseldorf và nhất là Munich, thành phố lừng danh thế giới với những Oktoberfest, tức lễ hội bia thường diễn ra trong 16 ngày, từ tuần thứ ba của tháng 9 đến hết tuần thứ nhất của tháng 10 hằng năm. Munich mừng sinh nhật thứ 200 của Biergarten từ tháng 4-10/2012.

Vườn bia Đức ngày nay có nguồn gốc từ việc Vua Ludwig I vào năm 1812 cho phép các nhà sản xuất bia được bán sản phẩm của họ cho công chúng tiêu thụ ngay ở sân vườn phía ngoài lò bia, còn khách hàng thì được phép mang chính thực phẩm của mình làm ra đến đó ăn nhậu.

Thời ấy, bia được cất trong những thùng gỗ to, chất trong hầm phía trên có phủ lớp đá sỏi và chung quanh trồng cây xanh cao to phủ bóng mát. Làm như thế để bia được “lát-xê” một cách tự nhiên vì ngày xửa ngày xưa làm gì có đá lạnh.

Theo dòng thời gian, cách uống bia trong “biergarten” đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ và Nhật. Nhưng hình như chỉ có Bỉ mới đáng được xem là “đối thủ” nặng ký của Đức về sự đa dạng của bia và chất lượng lượng của bia.

Hiện nay, Đức có hơn 1.270 lò sản xuất ra hơn 5.000 nhãn bia khác nhau. Đức là nơi tập trung 80% các lò bia ở toàn châu Âu và 40% các lò bia toàn thế giới. Sản lượng bia Đức ư? Cỡ khoảng 10% tổng lượng bia toàn cầu, cho nên người Đức xếp hạng nhì thế giới về tiêu thụ bia, trung bình 130 lít/người mỗi năm, chỉ sau người Séc với 160 lít/người mỗi năm.

Năm 2012 vườn bia Đức mừng sinh nhật thứ 200

Nói về địa lý và lịch sử bia Đức thì những lò bia lớn nhất là ở thành phố Dortmund phương Bắc; Cologne là thành phố có nhiều lò bia nhất còn Bavaria là bang có nhiều lò bia cùng với truyền thống sản xuất và hưởng thụ bia nhất. Có nghĩa là cư dân bang này chính là những người Đức uống nhiều bia nhất và họ quen nói với nhau rằng, “Mọi con đường bia đều dẫn đến Munich”.

Đúng vậy, Munich, thủ phủ bang Bavaria cũng chính là “Thủ đô bia”, nơi có 14 lều bia vĩ đại (lớn nhất là lều Schottenhamel có sức chứa 10.000 người) và hàng trăm vườn bia và Oktoberfest, lễ hội uống bia lớn nổi tiếng nhất thế giới. Thậm chí trong sân bay quốc tế Munich còn có cả lò bia và vườn bia AirBrau Biergarten cho hành khách cụng ly trước giờ cất cánh.

Và để cho công bằng, đúng đắn, cần nói rõ rằng bia không phải là thức uống có men đã được chế ra tại Đức trước nhất. Bia, hoặc thức uống tương tự như bia, đã lần đầu xuất hiện vào thiên niên kỷ thứ 6 trước công nguyên tại Ai Cập, Babilone, Peru, Syria và Trung Quốc.

Người ta kể rằng, người Ai Cập truyền cho người Hy Lạp cách làm bia để rồi từ đảo quốc giữa Địa Trung Hải này, bia đã dần lan chinh phục đế quốc La Mã ở châu Âu, chiếm cả cuộc sống của những bộ tộc phương Bắc kể từ năm 55 trước công nguyên.

Sau đó, trong thời Kytô giáo lan tỏa khắp châu Âu, việc sản xuất bia nở rộ vì các tu viện chính là những tổ chức đầu tiên được phép sản xuất và kinh doanh bia mà không phải nộp thuế.

Dù ở Bỉ, Pháp hay Đức, các tu sĩ Kytô giáo sản xuất bia rất bài bản, như thi hành một nhiệm vụ quan trọng là cung cấp thức ăn, thức uống và chỗ nghỉ đêm cho khách lữ hành và tín hữu hành hương.

Vụi hội bia Oktoberfest tại Munich

Do bia là thức uống chứ không là thức ăn nên các tu sĩ còn được phép uống bia trong mùa chay kiêng kéo dài 40 ngày đêm trước lễ Phục sinh cùng các ngày ăn chay kiêng thịt khác trong năm. Vì thế, bia sản xuất bởi các tu viện luôn là những loại bia rất thơm ngon, chất lượng số một.

Bia của các dòng tu đã góp phần tạo cho Bavaria sự nổi tiếng về bia. Trong lịch sử bia ở Bavaria có 4 cột mốc thời gian quan trọng. Đầu thế kỷ XV, Hoàng đế Sigismund (1410-1437) thu hồi tình trạng “miễn thuế” của các tu viện và cấm các tu sĩ không được bán bia để tăng doanh thu cho dòng tu, tu viện.

Một thế kỷ trôi qua, đến năm 1516, William IV, Công tước Xứ Bavaria ban hành luật tinh khiết Reinheitsgebot (đã trở thành một đạo luật của CHLB Đức vào năm 1987) ấn định chỉ được dùng nước, lúa mạch (barley) và cây hoa bia (hop) để sản xuất bia (men được thêm vào sau khi ông Louis Pasteur tìm ra nó vào năm 1857) với duy nhất một ngoại lệ: loại bia weiss (hoặc weizenbier) được phép làm với lúa mì.

Cột mốc thời gian quan trọng thứ ba là năm 1803, khi các lò bia của các tu viện được bán cho các cá nhân, tổ chức tư nhân. Và mốc thời gian thứ tư: ngày 12/10/1810, diễn ra lễ thành hôn của Hoàng tử Ludwig xứ Bavaria (sau này là Vua Ludwig I) với Công chúa Therese xứ Saxony-Hildburghausen.

Năm ngày sau sự kiện này, Đội Cảnh vệ Quốc gia đã tổ chức cuộc đua ngựa để dân thường có cơ hội vui chơi mừng đám cưới lớn của hoàng tử. Năm 1819, liên hoan tháng 10 Oktoberfest ra đời cũng để kỷ niệm sự kiện ấy và rồi trở thành lễ hội bia thường niên ở Đức.

Một biergarten ở Munich

Gần đây, mỗi năm Oktoberfest thu hút không dưới 6 triệu khách, gồm 70% là cư dân bang Bavaraia, 15% là khách đến từ các thành phố Đức khác và 15% là du khách nước ngoài. Từ khi khai sinh đến nay, Oktoberfest đã lỗi hẹn 24 lần vì chiến tranh, bệnh dịch, tai ương thiên nhiên gây mất mùa...

Nếu đến Munich trong mùa Hè 2012, bạn nhớ thu xếp thời gian ghé vào Bảo tàng Bia và Oktoberfest (info.@ bier-und-oktoberfestmuseum.de, giá vé 4 euro) ở số 2 đường Sternecker, cách quảng trường lớn Marienplatz khoảng 2 dãy phố.

Mở cửa đón khách tham quan từ gần cuối năm 2005, bảo tàng này nằm trong tòa nhà 6 tầng lâu đời nhất Munich, xây dựng năm 1340. Có lẽ vật trưng bày giá trị nhất của bảo tàng này là bộ sưu tập những chai bia, ly bia đủ mọi hình dáng, kích thước, vật liệu từng được sản xuất hồi đầu những năm 1860.

Hình ảnh, tư liệu cổ trưng bày cho biết trước đây Munich có hơn 100 lò bia và lò bia lâu đời nhất là Weisenstephan, thuộc tu viện của các tu sĩ dòng Benedictine (nay là Đại học Công nghệ Munich). Nay chỉ còn 6 lò, gồm Augustiner (ra đời năm 1328); Hofbrau Munchen; Lowenbrau; Paulaner; Hacker-Pschorr và Spaten.

Ngoài ra số tu viện sản xuất bia ở toàn nước Đức ngày nay cũng chỉ còn 11, được biết đến nhiều nhất là Benedictine Rococo “Kloisters Andechs, thành lập năm 1455 ở quận Starnberg, bang Bavaraia thượng, cách Munich khoảng một giờ đi xe.

Không có vườn bia trong Bảo tàng bia và Oktoberfest nhưng có không gian đủ cho hơn 100 khách thưởng thức các loại bia Augustiner, Paulaner... cùng với pretzel và pho mát hoặc măng tây, xúc xích, giò heo...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
200 năm vườn bia Đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO