Xử lý dự án "xấu": Không thể dùng tiền ngân sách để trả nợ thua lỗ

HẢI VÂN thực hiện| 14/07/2017 01:02

Không chỉ xử lý 12 dự án gây lỗ lớn của Bộ Công Thương mà với những dự án "xấu" khác, cần kiên quyết, dù "đau đớn" về tài chính và cán bộ”.

Xử lý dự án

GS-TSKH. Nguyễn Quang Thái - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam cho rằng: "Không chỉ xử lý 12 dự án gây lỗ lớn của Bộ Công thương mà với những dự án "xấu" khác, cần kiên quyết, dù "đau đớn" về tài chính và cán bộ”. 

Đọc E-paper

* Xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án gây thua lỗ, thất thoát lớn thuộc ngành công thương một lần nữa được nhắc đến, ông nhận định thế nào về vấn đề này?


- Chỉ khi siết chặt quản lý, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, Bộ Công thương mới khẳng định có 12 dự án thua lỗ lớn và một số dự án "xấu" khác. Tính đến tháng 2/2017, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án trên là 43.673,63 tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63.610,96 tỷ đồng (tăng 45,65%), tương đương 3 tỷ USD, trong đó 3/4 là vốn vay.

Nhà máy Đạm Ninh Bình lỗ lũy kế tới 3.058 tỷ đồng, nhưng Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vẫn đề nghị Chính phủ đứng ra trả thay cho Đạm Ninh Bình khoản nợ 125 triệu USD vay từ Ngân hàng China Eximbank của Trung Quốc. Tôi cho đề nghị này là không nghiêm túc, trái với chủ trương của Trung ương và Quốc hội.

Những dự án này đã gây tổn hại rất lớn cho nền kinh tế, chưa kể Chính phủ có thể phải gánh thêm món nợ hàng trăm nghìn tỷ đồng trong bối cảnh nợ công tăng cao và để có tiền trả nợ, nguồn lực có hạn sẽ bị rút đi từ các hoạt động quan trọng hơn, như đầu tư phát triển. Do đó, phải xử lý nghiêm và dứt điểm 12 dự án trên, nếu không sẽ gây tác hại lâu dài đến nền kinh tế.

* Từ 12 dự án này có thể thấy "lỗ hổng" trong phê duyệt các dự án kinh tế lớn?

- Rõ ràng có sai lầm ngay từ ý tưởng dự án, thông qua chủ trương, xây dựng các báo cáo khả thi, đánh giá hiệu quả kinh tế, tài chính và tác động môi trường, thậm chí cả phương án vay vốn, vốn đối ứng, triển khai tái định cư, xây dựng công trình, mua sắm thiết bị..., và nhà máy được xây dựng không đảm bảo năng lực cạnh tranh, tạo ra sản phẩm có chất lượng thấp. Vì vậy, khi xử lý cần kiểm tra từng chi tiết về lãng phí, tham nhũng, hay năng lực non kém của đội ngũ cán bộ... Tất cả đều phải được xem xét kỹ lưỡng.

* Nhưng đâu mới là điểm mấu chốt cần lưu ý khi xử lý các dự án này?

- Ở đây ít nhất có hai khía cạnh. Về mặt tài chính, cần xử lý để giảm dần thua lỗ và bớt gánh nặng cho nền kinh tế, nhất là giảm nợ và tăng hiệu quả. Nếu không sẽ phải "xóa" dự án thua lỗ không xử lý được, vì trên nguyên tắc không thể dùng tiền ngân sách để trả nợ thua lỗ.

Về mặt trách nhiệm, cần phân biệt rõ trách nhiệm trong cả quá trình từ chuẩn bị đến triển khai dự án và đi vào sản xuất, kinh doanh.

* Theo ông, khắc phục tối đa thiệt hại từ 12 dự án bằng cách nào?

- Cần phân tích cụ thể mới làm rõ sai lầm nào có thể khắc phục được, thất thoát nào có thể thu hồi... Theo tôi, dù "đau" cũng phải xử lý nghiêm và khẩn trương cả về mặt tài chính lẫn trách nhiệm cũng như các hậu quả về kinh tế, xã hội và môi trường. Đó cũng là giải pháp tốt nhất để nền kinh tế được cơ cấu lại.

* Cám ơn ông.

Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc xử lý 12 dự án thua lỗ

Thứ nhất, tôn trọng nguyên tắc thị trường, tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự cứu lấy mình của doanh nghiệp, Nhà nước không cấp thêm vốn.

Thứ hai, kiên quyết xử lý sớm tranh chấp và bất đồng phát sinh với các nhà thầu; tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng ưu tiên bán, thoái vốn cho các nhà đầu tư ngoài nhà nước; kiên quyết phá sản, giải thể với dự án không có khả năng khắc phục, thu hồi tối đa tài sản nhà nước, hạn chế tối đa thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Thứ ba, xử lý theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính công khai minh bạch, tăng trách nhiệm người đứng đầu trong xử lý các dự án, doanh nghiệp, quan tâm đảm bảo quyền lợi người lao động, an sinh xã hội, quốc phòng, lưu ý khâu định giá tài sản.
Thứ tư, thanh tra kiểm toán, làm rõ sai phạm ở từng dự án, sớm hoàn thiện thủ tục tố tụng, không để tái diễn khuyết điểm quản lý, điều hành trong các dự án.

Bộ Công Thương năm 2017 phải hoàn thành phương án xử lý 12 dự án thua lỗ này, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai; năm 2018 xử lý căn bản tồn tại, yếu kém; năm 2020 hoàn thành việc xử lý.

 >Giảm nợ công: Cần một quyết tâm chính trị rất cao

>Muốn giảm nợ công, phải giảm chi ngân sách

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xử lý dự án "xấu": Không thể dùng tiền ngân sách để trả nợ thua lỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO