Xứ Đoài có hơn một làng cổ

DIỆP BĂNG| 08/07/2016 06:23

Cứ tưởng vùng đất Sơn Tây cũ, nay là Hà Nội chỉ có một ngôi làng cổ Đường Lâm. Nhưng mảnh đất này vẫn có một ngôi làng cổ khác mà ít người biết đến. Đó là làng Cốc Thôn, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì.

Xứ Đoài có hơn một làng cổ

Cứ tưởng vùng đất Sơn Tây cũ (nay là Hà Nội) chỉ có một ngôi làng cổ Đường Lâm. Nhưng mảnh đất này vẫn có một ngôi làng cổ khác mà ít người biết đến, đó là làng Cốc Thôn, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì. Điều đáng quý ở đây còn là ý thức bảo tồn và duy trì không gian sống trong các căn nhà cổ của người dân.  

Đọc E-paper

1. Cách làng cổ Đường Lâm chỉ hơn 1 kilomet đường chim bay đang tồn tại một làng cổ khác cũng đặc biệt không kém. Khi đi tìm hiểu, chúng tôi còn biết được thông tin một số người ở làng Đường Lâm đã sang Cốc Thôn để mua lại xác nhà cổ về phục dựng.

Cũng như nhiều làng quê vùng Đồng bằng Bắc bộ khác, làng Cốc Thôn nằm trong khung cảnh thanh bình của đồng lúa, lũy tre. Cứ mỗi khi chúng tôi đâm xe vào một con ngõ thì những bức tường được xây bằng đá ong lại hiện ra. Có những bức tường đã bong lở hết phần vôi vữa, để lộ ra hình hài những tảng đá ong xếp chồng lên nhau, khá lớn so với những loại gạch xây dựng thông thường.

"Đá ong thường dùng để xây móng nhà, nhiều hộ còn dùng để xây tường nhà, tường vây", ông Nguyễn Văn Liên - chủ nhân của một ngôi nhà gần 200 năm tuổi cho chúng tôi biết.

Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Liên 5 gian nhưng tương đối thấp với vườn tược, giếng nước đúng kiểu ngày xưa. Điều đặc biệt ở ngôi nhà này là tường được xây bằng đá ong kết hợp với gạch. Những tảng đá ong xù xì, lỗ chỗ được người xưa đẽo gọt vuông vắn kết hợp với gạch to bản, xếp chồng lên nhau dày đến 30 centimet, rất bền chắc, tất cả đều không trát vữa nên tạo ra nét khác biệt ưa nhìn.

Chúng tôi được biết, đá ong là một "đặc sản" của Xứ Đoài này. Vùng Thạch Thất, Sơn Tây và một phần Ba Vì là nơi tập trung nhiều đá ong nhất, có thể đào được đá ong ở bất cứ nơi nào, từ ngoài đồng cho đến chân núi, dưới vườn nhà. Nhờ đặc tính bền, nhẹ lại sẵn có nên rất nhiều gia đình ở Cốc Thôn xưa đã dùng đá ong để xây dựng nhà cửa là vì thế.

Hai ngôi nhà cổ còn nguyên vẹn nhất ở làng Cốc Thôn

Cách nhà ông Nguyễn Văn Liên khoảng 30 mét là căn nhà của cụ Nguyễn Thị Mẫn (85 tuổi) thuộc loại nguyên bản nhất ở Cốc Thôn. Ông Nguyễn Bá Tạo - con trai trưởng bà Mẫn cho biết: "Theo gia phả các cụ nhà tôi ghi lại thì ngôi nhà này được xây dựng từ thời Cảnh Hưng thứ 5. Chín đời gia đình tôi đều sinh sống ở đây".

Ngôi nhà cổ của gia đình cụ Mẫn gồm có 6 gian và 1 dĩ (nửa gian). Gian chính giữa là bàn thờ gia tiên, ở phía trên có một tấm hoành phi sơn son thiếp vàng viết bốn chữ Nôm "Đức hậu lưu quang", khuyên nhủ con cháu phải giữ gìn đạo đức trong sáng. Hai bên là bốn cột áp bốn câu đối.

Ông Tạo tự hào nói rằng mình đã sinh ra và sống suốt 65 năm qua ở chính ngôi nhà này, ngay cả làng Đường Lâm cũng không có căn nhà cổ nào nguyên bản như nhà mình với tường, móng nhà bằng đá ong, vách ngăn giữa các phòng bằng gỗ quý, câu đối và những chạm khắc hoa văn tinh túy trên xà, cột.

Theo ông Tạo thì năm 2012, Viện Khảo cổ học đã khảo sát căn nhà này và kết luận nó khởi thủy là của một vị quan đại thần, bằng chứng là hiện nay bốn góc nhà vẫn có bốn ô được vua cho phép chạm khắc hình long, ly, quy, phụng.

Được sự chỉ dẫn của một người dân, chúng tôi tìm đến nhà bà Đặng Thị Thành nằm sâu trong một con ngõ nhỏ của làng Cốc Thôn, hai bên là những bức tường đá ong cổ kính. Trong ngôi nhà cổ này có ba thế hệ cùng chung sống, bài trí đồ đạc theo lối cổ xưa. Ngôi nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ, lợp ngói mũi, kết cấu vững chắc và đẹp mắt. Đặc biệt, mái hiên còn có các thanh gỗ chạm khắc hoa văn rồng phượng rất tinh xảo.

Bà Thanh bộc bạch: "Tôi đã ở đây 60 năm. Trên trần nhà có khắc những chữ Hán ghi niên đại của ngôi nhà, người dịch mà tôi nhờ cho biết ngôi nhà xây vào đời vua Minh Mạng năm thứ 13, 1833. Tôi đã dùng phấn ghi lại bằng tiếng Việt lên góc nhà để con cháu sau này biết".

Theo những lão làng Cốc Thôn, đời ông cha rồi đến đời mình đều thích ở nhà cổ nên tự nguyện giữ lại. Ông Liên nói: "Mấy đứa con tôi vẫn thích ở căn nhà tổ tiên để lại. Nhà đá ong, gỗ xoan, gỗ mít, mái lợp ngói ta rất mát mẻ vào mùa hè, ấm cúng vào mùa đông, đặc biệt khi có bão giông thì sức chịu đựng của nó tốt hơn nhiều so với nhà xây bằng gạch và vôi vữa thông thường nên chẳng việc gì phải đập bỏ xây lại".

Tuy nhiên, so với "người hàng xóm" Đường Lâm được đầu tư gìn giữ và bảo tồn, quanh năm thu hút khá đông du khách thì những ngôi nhà cổ ở Cốc Thôn lại bị bỏ quên trong một thời gian dài.

2. Người Cốc Thôn nói chung và những người mà chúng tôi đã trò chuyện đều không mong cũng chẳng hy vọng làng mình được công nhận là làng cổ như bên Đường Lâm, như chị Thanh - con gái bà Thành nói: "Vì gia đình không có điều kiện, nên vẫn chưa xây lại, chứ nếu có thì cũng chẳng giữ lại làm gì vì ai cũng muốn nhà cửa khang trang, hiện đại. Cũng chẳng có ai bảo chúng tôi phải giữ lại nhà, trong thôn này có nhiều ngôi nhà còn lâu đời hơn nhà tôi người ta cũng phá bỏ rồi".

Đi quanh ngôi làng Cốc Thôn, chúng tôi còn thấy những bức tường đá ong đứng chơ vơ bên đường, những nền móng nhà cũ cỏ cây um tùm nhưng hình hài của đá ong vẫn trường tồn cùng thời gian.

Theo bà trưởng thôn Cốc Thôn, Cốc Thôn có khoảng 40 ngôi nhà cổ nhưng hiện nay chỉ còn 10 ngôi còn nguyên cổ và tương đối nguyên cổ. Ngôi nhà cổ nhất trong làng là của ông Đặng Văn Chính, có từ cách đây hơn 300 năm, nhưng cũng không còn nguyên vẹn nữa vì gia đình đã phá đi một số chỗ bị xuống cấp để làm lại.

Ngoài nhà cụ Mẫn, bà Thành, trong thôn hiện nay còn nhà ông Đạt, ông Đài, ông Tuệ giữ được kiến trúc gỗ rất đẹp. Do sự tác động của thời gian, thời tiết, những ngôi nhà cổ xuống cấp, hư hại, người dân phải sửa chữa chắp vá hoặc ai có điều kiện thì phá đi xây lại. Chính quyền động viên bà con giữ lại những căn nhà cổ có ý nghĩa lịch sử - văn hóa nhưng cũng chỉ là nói miệng chứ chẳng có sự hỗ trợ nào.

Làng cổ Đường Lâm bên cạnh được công nhận, được xếp hạng di tích, những ngôi nhà cổ được Nhà nước đầu tư bảo tồn còn Cốc Thôn lại chẳng ai biết đến thì có giữ lại cũng chẳng được gì. Chính quyền địa phương đã nhiều lần đề nghị lên các cấp lãnh đạo về vấn đề này nhưng chưa thấy có biện pháp nào giúp dân giữ lại những ngôi nhà cổ, nên việc bảo tồn và giữ gìn những ngôi nhà cổ này đều phụ thuộc vào ý thức của người dân.

Nhưng với cuộc sống ngày càng hiện đại, tiện nghi thì không phải ai cũng nhận thức được giá trị văn hóa và lịch sử của ngôi nhà mà mình đang sống. Nếu Cốc Thôn được công nhận là "làng cổ” để những ngôi nhà có lịch sử hằng mấy trăm năm ở đây sẽ không bị lãng quên, thì lại khác.

>Những ngôi nhà cổ của làng Phú Vinh

>"Vương quốc" Pơmu

>Kỳ bí cổ vật Chăm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xứ Đoài có hơn một làng cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO