Xóm Gò: Một mùa mưa, một mùa nắng

KHÁNH LY| 06/09/2012 05:39

Chỉ cách khu đô thị hào nhoáng nhất, nhì cả nước Phú Mỹ Hưng chừng 5 cây số nhưng dường như xóm Gò đã bị thời gian lãng quên, bao năm sống như một ốc đảo cơ cực giữa nhịp sống đô thị hối hả.

Xóm Gò: Một mùa mưa, một mùa nắng

Chỉ cách khu đô thị hào nhoáng nhất, nhì cả nước Phú Mỹ Hưng chừng 5 cây số nhưng dường như xóm Gò đã bị thời gian lãng quên, bao năm sống như một ốc đảo cơ cực giữa nhịp sống đô thị hối hả.

Chúng tôi tìm đến xóm Gò (ấp 1, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) vào một ngày nắng gắt. Cửa ngõ ra vào cách trở một bến đò, một con đường đất sâu hun hút, cỏ mọc cao.

Không rõ bến đò tồn tại bao lâu, hỏi những người sống lâu năm ở đây đều chỉ nhận được những câu trả lời: “Lâu lắm, mấy chục năm chứ chẳng chơi”.

Cả xóm hơn trăm nóc nhà phụ thuộc vào ông Bảy chèo đò, da đen bóng, “kiếm đủ vài chục ngàn là ổng đi nhậu say quắc cần câu, bỏ chèo, bỏ bến, mặc cho khách sang sông sốt ruột chờ”. Cách khu đô thị hiện đại nhất, nhì cả nước không bao xa, nhưng dường như cái xóm heo hút này đã bị lãng quên từ thủa nào.

Con đường của xóm có cái tên cũng rất “hoàn cảnh” là Xương Cá 1 và Xương Cá 2, cả hai nhão nhoẹt, bùn lầy vào mùa mưa. Tội nghiệp đám con nít đi học, mùa nắng ráo còn đỡ, đến mùa mưa, đường lầy lội, sình văng lên tới cổ, chúng thay phiên nhau “chụp ếch”, nhiều hôm đường trơn chỉ có nước con ngồi trên xe và bố vừa dắt vừa đẩy, hì hục qua sông.

Kế sinh nhai duy nhất của người dân xóm Gò là làm bồn bồn đem bỏ mối ngoài chợ. Làm bồn bồn, nhìn nhẹ nhàng nhưng tính ra cũng mất cả ngày, phải dậy thiệt sớm để nhổ bồn bồn từ dưới đồng, rồi tước tới chiều để đem đi cân, lúc có giá thì ngày cũng kiếm được bốn, năm chục ngàn đồng.

Dạo quanh xóm chỉ thấy phụ nữ và con nít, nghe nói đàn ông đi làm hồ, làm công nhân hết... Đất nhiễm mặn, trồng lúa không được, chỉ có bồn bồn là trụ được, vươn cao, nuôi cái xóm Gò này leo lắt.

Bà Huỳnh Thị Nhị năm nay 60 tuổi và đã theo nghề nhổ bồn bồn này từ thuở con bà mới biết bò, giờ bà đã có cháu. Bà thường nhổ bồn bồn giữa trưa đứng bóng.

“Nước như ai nấu, đồng không mông quạnh nóng lắm, cô không quen, xuống đây say nắng chết!”, vừa nói chuyện tay bà vừa thoăn thoắt nhổ bồn bồn, cắt lá, giũ nước, cái công việc gắn bó và nuôi cả gia đình bà. Mỗi ngày bà ráng nhổ chừng 10 ký về rồi cả nhà xúm vô gọt tỉa, chiều cô con dâu chèo ghe đem ra chợ bán lấy tiền đi chợ.

Nhà ở xóm Gò toàn những căn tạm bợ, khá giả lắm cũng chỉ xây tường phía trước, hai bên vách áp lá dừa nước. Người trong xóm ít giao lưu với bên ngoài, ít đi chợ búa, lên thành phố còn ít hơn, họ sống yên ổn trong vùng đất nổi lên giữa những con kênh bao bọc.

Mang tiếng là công dân thành phố nhưng cuộc sống ở đây giống một xóm miệt vườn miền Tây, không có người chèo đò thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Giữa trưa nắng, không khí đặc quánh lại, thấp thoáng những ngôi nhà bỏ hoang lâu năm, tiếng chim quốc thả giữa đồng vắng nghe càng ảo não, nghe được cả tiếng cá đớp mồi trong những con rạch chằng chịt khắp xóm.

“Mấy ông ở trển hứa hẹn hoài, kêu năm nay nhứt định sẽ xây cầu trước mùa tụi nhỏ vô năm học nhưng tụi tui ngóng gãy cổ chưa thấy động tĩnh chi trơn”, chị Linh, nhà ở Xương Cá 1, than vãn.

Niềm mong mỏi suốt chục năm trời của người dân xóm Gò về một cây cầu nối hai bờ kênh Cống Lớn vẫn hoài là mơ ước. Con kênh nhỏ xíu, lội vài chục bước chân là qua, mấy chục năm nay làm khổ người dân xóm Gò, trẻ con đi học, đi thi nhiều phen dở khóc dở cười vì chú Bảy Cu đi nhậu xỉn.

Có nhóm học sinh đến bữa đi thi chỉ biết đứng khóc nhìn dòng nước ròng vì bác lái đò nổi hứng mất tích. “Trạm y tế xã cách xóm gần 7 cây số, đêm hôm mà đau ốm, ra tới trạm chắc... chết. Năm ngoái có bà bầu trở dạ, đứng bên này sông réo hoài mà ông chèo đò đi nhậu, bí quá, anh chồng phải mượn thau nhôm cỡ lớn để vợ ngồi lên rồi bơi đẩy vợ qua bờ đi vượt cạn...”, chị Linh kể.

Nhịp sống công nghiệp chưa bén mảng tới cái xóm Gò hiu quạnh này nhưng người dân hiền lành nơi đây lại đang lãnh hậu quả của cái gọi là chất thải công nghiệp. Cách xóm Gò không xa, ngăn bởi con kênh Cống Lớn là khu công nghiệp xử lý rác thải Đa Phước vốn bị báo chí tố cáo ì xèo về việc đưa rác thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Trong một năm trở lại đây, dòng kênh trở nên nặng mùi vào buổi chiều nước ròng, mùi hôi thối bốc lên và nước chuyển màu vàng lạ. Nhà bà Huỳnh Thị Nhị và bốn hộ dân có mặt tiền hướng ra dòng kênh, ngày xưa gió thổi lồng lộng mát rượi thì bây giờ hứng trọn mùi hôi thối. Giờ cao điểm, “bên kia” xả lén thì bên này chỉ biết đóng cửa cài then, giăng mùng đi ngủ sớm.

Bao lần hội họp kiến nghị nhưng người ta vẫn cứ xả, nước vẫn ô nhiễm, con kênh vẫn bốc mùi ngày một nặng hơn. “Giờ này còn đỡ chứ khoảng chiều là ruồi bâu đầy, mùi nghe không quen buồn ói muốn chết. Làm quyết liệt với bên nhà máy họ bồi thường được vài ba trăm ngàn, chẳng ai quan tâm những thiệt hại không đong đo được tới sức khỏe”, chị con dâu bà Nhị chỉ vào ngôi nhà mình nói như muốn khóc.

Ít chữ, ai biết độc hại ra sao, chỉ thấy dọc các con kênh những cá rô, cá trắm phơi bụng nổi lềnh bềnh trên mặt nước đóng một lớp váng vàng khè.

Lời hứa nóng hổi nhất là xây cầu và công trình đê bao quanh đảo để ngăn thủy triều ước tính kinh phí hơn 4 tỷ đồng vẫn đang trong quá trình xin vận động từ các nhà hảo tâm, nhưng có vẻ người dân xóm Gò vẫn đợi tin từ xa ngái. Và chừng nào cây cầu vẫn chưa được xây lên, người dân xóm Gò vẫn cam chịu sống như những người dân bị quên lãng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xóm Gò: Một mùa mưa, một mùa nắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO