Về đón Tết quê nhà

Nguyễn Trọng Chức| 24/01/2020 06:00

Tháng Chạp đi qua gần một nửa. “Tết này cháu có định về quê ăn Tết với chú thím và các em không?”, ông chú nhắc lại câu ấy lần nữa qua điện thoại, giọng đã yếu đi nhiều so với vài năm trước.

Về đón Tết quê nhà

Tôi cũng mong ngóng chẳng kém gì ông. Tai ông cũng nghễnh ngãng rồi, trả lời mấy phen ông mới nghe ra. Làm sao khác được khi mà tuổi ông đã vượt quá bát tuần thượng thọ. Càng gần đất xa trời, ông càng mong ngóng người thân ở xa về quê nhà đón Xuân, ăn Tết cùng ông. Bao nhiêu cái Tết qua đi, cứ hẹn với lòng sẽ thu xếp để về quê đón Tết, ít nhất đôi lần trong đời. Nhưng cứ mãi lỡ hẹn với chính mình. Việc nọ việc kia dắt dây, buông ra chẳng được. Những cuộc gặp vì công việc và không vì công việc kín hết lịch ngày, lịch tuần, lịch tháng. Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi... 

“Cây đào phai trong sân nhà từ đường năm nay sẽ nở rợp hoa đấy cháu. Chú phải tuốt lá sớm vì năm nay đài dự báo sẽ rét đậm. Mấy chậu cúc cũng đầy những nụ... Chú đã có chữ để viết đôi câu đối cho Tết này”, ông chú kể. Nhớ lần về quê sau ngày đất nước thống nhất vài năm, tôi rưng rưng khi bước trên con đường đất dẫn vào làng, nước mắt ứa ra khi chạm tay vào cái cổng làng có ba chữ nho đắp nổi “Làng Thượng Thanh” - do chính tay ông nội tôi viết - sau bao năm tháng vẫn còn nguyên vẹn. Gia đình tôi vào miền Nam năm 1954, vài năm sau đó, định cư trong một xóm lao động ở Sài Gòn. Thuở còn là đứa trẻ chưa tới tuổi đến trường, tôi hay quanh quẩn bên ông nội, được ông cưng chiều. Dù còn bé, đã được nghe ông kể những tích truyện trong mấy pho sách Hán văn ông thường đọc như Tam Quốc Chí, Đông Châu Liệt Quốc, cả chuyện quê nhà miền Bắc. Trong những câu chuyện kể của ông tôi về một vùng đất đầy nỗi hoài nhớ ấy, có chi tiết đã in đậm nét trong trí óc non nớt của tôi: cái cổng “làng ta” có ba chữ đại tự tên làng do chính tay ông viết.

Ký ức về làng, về cái cổng làng cứ ăn sâu trong tâm tưởng đến độ tôi có cảm giác mình từng sống, từng thở trong bầu không khí thấm đẫm sương muối mùa đông, oi nồng mùa hạ và ngày nào mà chẳng đi qua cái cổng “làng ta”, từ đó nhìn sang phía đối diện là mặt đầm Vạc lênh loang sương khói những buổi sáng mùa thu ẩm ướt, xa xa là bóng ngôi giáo đường xam xám của xóm đạo bờ bên kia đầm.

oOo

Có một lần, tôi về quê khi những ngày đầu Xuân đi qua chưa lâu, hương Tết vẫn thoảng trong không gian se lạnh với một chút mưa phùn giăng mắc. Chú thím vui mừng đón tôi, bảo “vẫn còn bánh chưng để dành cho cháu”. Năm nào, hai ông bà cũng gói bánh chưng cho con cháu ăn có khi hết tháng Giêng. “Chú gói khéo tay lắm, thím và các em chỉ rửa lá dong, vo nếp, đãi đậu, thái thịt và canh bếp lửa luộc bánh”, thím tôi vào chuyện ngay sau khi rót cho tôi cốc nước vối nóng hổi: “Vối nhà giồng đấy cháu, chỉ để lấy lá đun nước uống cho mát”. Chú nhìn tôi, tủm tỉm: “Giá mà cháu về được trước Tết nhỉ. Hôm nhà gói bánh vui ơi là vui, mấy đứa cháu cũng tranh nhau gói thi với ông, được mấy cái bánh con con, cũng bỏ nồi cả. Mờ sáng ba mươi, chúng nó đã dậy xem vớt bánh, tìm bánh chúng nó gói để ăn sáng ngay...”.

Link bài viết

Sang nhà từ đường chỉ cách nhà chú thím hai căn, tôi ngỡ ngàng trước cây đào vẫn mơn mởn sắc hồng. Chú lại giảng giải làm thế nào để đào nở đúng dịp Tết và hoa giữ được lâu. Nào là phải “thiến” đào từ tháng Tám ta, rồi “hãm” để đào không nở sớm, quan trọng là thời điểm tuốt lá phải căn cứ vào năm có nhuận hay bình thường, thời tiết có lạnh quá hay không... Chú lại bảo: “Ngày xưa, Tết đến ông nội các cháu còn chơi thủy tiên, cụ cắt gọt củ thủy tiên sao cho hoa nở đúng chiều ba mươi Tết, công phu gấp bội phần so với chăm đào. Chú đã được ngắm những lọ thủy tiên được cụ gọt tỉa cầu kỳ, đẹp nhức mắt cháu à”. Nhưng cây đào phai đẹp đến thế này cũng đủ mê mẩn thằng cháu ở miền Nam ra, dù Tết Sài Gòn giờ không thiếu đào Nhật Tân, đào Hưng Yên, có cả đào Bảo Lộc, nhưng chỉ trong khung cảnh và thời tiết như ở quê nhà tôi, cây đào vẫn mãn khai hoa dù đã qua những ngày đầu Xuân gần nửa tháng.

“Cháu có ở Hà Nội đến đầu tháng Hai ta không? Lễ hội Thành hoàng làng mình năm nay to lắm. Hôm kia, chú đi họp với các cụ ở xã, được thông báo năm nay làng ta sẽ tổ chức hội làng, rước Thành hoàng từ đình vào chùa, các xóm sẽ làm kiệu thi đua, xem kiệu xóm nào đẹp nhất, rồi có cả đấu vật, đánh cờ người nữa...”. Tôi đã may mắn được dự hội làng năm đó, được hòa vào không khí nô nức của người dân quê mình trong hai ngày lễ hội đầy màu sắc, trong cái rét ngọt còn vương vấn trên những con ngõ quanh co, những khóm tre soi bóng bên bờ ao, những mái ngói âm dương và những bờ tường đá ong vẫn còn tồn tại qua bao năm tháng dãi dầu mưa nắng.

oOo

“Code” vé máy bay chặng Tân Sơn Nhất - Nội Bài đã có trong điện thoại di động. Nhưng tôi sẽ không báo trước với chú thím ngày về quê đón Tết năm nay để làm một “cú bất ngờ” cho ông bà. Trong hành lý chuẩn bị cho ngày “quy cố hương” sẽ không thiếu những cuốn sách cổ văn đã được dịch Việt ngữ mà chú tôi dặn tìm cho ông đọc trong mấy ngày Xuân. Món quà đặc biệt là một bức tranh giấy dó vẽ chú chuột, tác phẩm của một họa sĩ thân thiết với tôi đã nhiều năm. Nhưng trên hết là tình cảm tha thiết của tất cả người thân trong gia đình chúng tôi sống ở miền Nam hướng về quê cha đất tổ mà tôi sẽ thay mặt để dâng hương bàn thờ từ đường dòng họ vào thời khắc chuyển giao năm cũ - năm mới. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Về đón Tết quê nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO