Ứng phó thế nào khi CNY được quốc tế hóa?

10/12/2015 00:57

Việt Nam cần phải củng cố đồng tiền của mình bằng cách nâng cao sức mạnh của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát. Để bảo vệ VND, Chính phủ cũng đã thực hiện chính sách phi đô la hóa.

Ứng phó thế nào khi CNY được quốc tế hóa?

Tác động của đồng CNY thế nào đến thương mại Việt – Trung khi CNY đã được quốc tế hóa? Liệu doanh nghiệp Việt có bị ép thanh toán bằng đồng CNY? Câu trả lời là thận trọng.

Trước đó, năm 2014, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có báo cáo gửi Chính phủ, trong đó có ý kiến của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thanh toán bằng CNY tại Việt Nam.

Nay đồng CNY của Trung Quốc đã chính thức được Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đưa vào rổ tiền tệ dự trữ quốc tế và tham gia từ ngày 1/10/2016.

Với sự tham gia của CNY, hiện trong rổ Quyền rút vốn đặc biệt (SDRs) có 5 đồng tiền: USD, EUR, JPY, GBP và CNY được sử dụng, cho phép 188 nước thành viên IMF đang nắm giữ có quyền sử dụng bất kỳ đồng tiền nào trong giỏ tiền tệ nhằm đáp ứng nhu cầu cán cân thanh toán.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng - Giám đốc nghiên cứu phát triển, Viện kinh tế và quản lý TP.HCM cho biết, Việt Nam có giao lưu thương mại với Trung Quốc từ hàng nghìn năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt - Trung ngày càng gia tăng theo hướng Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc. 9 tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc đã lên tới trên 24 tỷ USD.

Trước mắt, chưa có sự ảnh hưởng của đồng CNY khi vào SDRs tới thương mại hai nước Việt - Trung, nhưng phải qua một chu kỳ kinh tế hoặc 3 - 5 năm sau mới thấy tác động rõ.

IMF cũng đã tính toán khi đồng CNY vào rổ tiền tệ thế giới để không gây thiệt hại cho các quốc gia khác. Trong thanh toán quốc tế, USD và EUR vẫn chiếm tỷ lệ đa số. Thanh toán xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng chủ yếu dựa trên 2 đồng tiền này. Do vậy, không có sự ép buộc phải thanh toán bằng CNY, Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tự chọn một đồng tiền mạnh để thanh toán quốc tế.

>>Vào giỏ tiền tệ quốc tế: Kịch bản nào cho nhân dân tệ?

Dự báo tỷ trọng đồng CNY trong rổ SDRs sẽ tăng cao hơn đồng JPY hay GBP. Điều này sẽ làm cho định giá của đồng CNY cao hơn. Tuy nhiên, về mặt dài hạn, việc tăng hay giảm giá của một đồng tiền lại lệ thuộc vào sức mạnh kinh tế của chính quốc gia đó và sự phát triển có bền vững hay không.

Nếu Trung Quốc khẳng định được sức mạnh kinh tế thì thương mại Việt - Trung có thể sẽ thanh toán bằng CNY khi bên Trung Quốc yêu cầu. Đây là cuộc chơi chúng ta phải chấp nhận. Tuy nhiên, quyền chọn đồng tiền thanh toán do cả hai bên mua - bán đồng thuận, nhưng Việt Nam lại lệ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu của Trung Quốc nên có thể nước này sẽ gây áp lực áp lực để ép thanh toán bằng CNY.

Việt Nam cần phải củng cố đồng tiền của mình bằng cách nâng cao sức mạnh của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, để bảo vệ VND thì Chính phủ đã thực hiện chính sách phi đô la hóa (giảm lãi suất tiền gửi USD về gần 0%/năm).

Ứng phó với tình thế đó, doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam cần xem lại các đối tác làm ăn với Trung Quốc từ trước đến nay. Chẳng hạn, khi chúng ta tham gia TPP, với 11 nước trong khối thì nước nào có những sản phẩm, nguyên vật liệu có thể thay thế từ Trung Quốc thì doanh nghiệp Việt cần xem xét để sàng lọc lại sản phẩm của mình.

Trong mua bán với doanh nghiệp Trung Quốc, doanh nghiệp nên chọn lọc đối tượng xuất nhập khẩu. Hiện nay, TPP và AEC đã chuyển động, cánh cửa hàng hóa quốc tế đã mở rộng và thuận lợi hơn thì cơ hội chọn lựa bạn hàng cho doanh nghiệp Việt nhiều hơn.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải cấp thiết nâng cao uy tín để tạo cơ hội giao thương quốc tế rộng rãi cho chính mình.

>>"Hóa giải" 3 mối lo của xuất nhập khẩu khi VND mất giá

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ứng phó thế nào khi CNY được quốc tế hóa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO