Từ một bài vè

TÁM CHỢ| 09/10/2009 04:10

Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè thịt chó/ Đứa nào chịu khó/ Nấu nước cạo lông/ Đứa nào ở không/ Đi mua đồ nấu/ Đứa nào xấu xấu/ Xắt sả nạo dừa/ Đứa nào không ưa/ Đi ra chỗ khác/ Tao làm một lát/ Xúm lại mà ăn...”.

Từ một bài vè

Hồi còn nhỏ xíu, tôi đã thuộc lòng bài vè thịt chó. Đoạn mở đầu như thế này: “Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè thịt chó/ Đứa nào chịu khó/ Nấu nước cạo lông/ Đứa nào ở không/ Đi mua đồ nấu/ Đứa nào xấu xấu/ Xắt sả nạo dừa/ Đứa nào không ưa/ Đi ra chỗ khác/ Tao làm một lát/ Xúm lại mà ăn...”.

Thuở ấy, tôi rất thích bài vè này chỉ vì thấy nó vui. Sau này lớn lên, mới thấy bài vè này không chỉ khái quát được chuyện cùng làm và cùng ăn, mà còn hàm chứa một nét tính cách rất đặc trưng của người dân Nam bộ. Đó là tính hợp quần, tương trợ lẫn nhau từ trong công việc đến chuyện ăn uống hằng ngày.

Bài vè cho thấy, việc phân công làm và nấu ăn dựa vào năng lực, sở thích, dáng vẻ từng người (chịu khó, ở không, xấu xấu...) để công việc được trôi chảy, mau lẹ. Thậm chí cả đứa không ưa (làm) cũng được phân công “đi ra chỗ khác”. Nhưng khi các món đã chín rồi thì đứa không ưa (làm) đó cũng được ông “trưởng ban tổ chức” mời “xúm lại mà ăn” chứ không ghét bỏ gì.


Trong dòng máu người miệt vườn lục tỉnh từ xa xưa đã mang đậm tính khí khái, trọng nghĩa, luôn lấy chân thật đãi nhau, sống bao dung, hào sảng, liên kết cộng đồng để khẩn hoang lập ấp, cùng tồn tại và phát triển. Việc gì một người, một nhà làm không xuể thì chỉ cần hô một tiếng, nhiều người, cả xóm sẽ xúm lại làm giúp. Từ dặm cù bắt chuột, cấy lúa, dựng nhà đến vét mương, tát đìa, dở chà, làm đám cưới, đám tang... đều theo kiểu làm vần công. Thời bao cấp ngăn sông cấm chợ, những ngày Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 Âm lịch, Tết Nguyên đán người dân miệt vườn lại luân phiên làm thịt những con heo cả trăm ký lô chia nhau. Nhờ đó, nhiều gia đình đỡ phần khó khăn.

Thời đổi mới, không ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước, nhiều nơi, người dân miệt vườn đã hùn tiền bán lúa, trái cây, cá tra để mua ô tô làm xe cấp cứu miễn phí cho người dân trong xã, trong vùng. Tất cả đều tự nguyện và thiện nguyện vì sự bình an của cộng đồng. Giờ đây, tuy lối sống đô thị có phần nào ảnh hưởng đến nông thôn, nhưng cái tinh thần hợp quần, chung sức ấy vẫn tỏa sáng, thông qua những việc làm hữu ích, như cùng nhau hiến đất, góp vốn xây trường học, bắc cầu, làm lộ, vần công đưa trẻ con đến trường mùa nước nổi... Đó là sức sống nội tại bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Từ một bài vè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO