Từ cù lao đến đảo Jeju

TUYẾT NGA| 19/09/2012 04:02

Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi chưa kịp lên đường đi Hàn Quốc thì đã có tin bão Bolaven ập vào bán đảo này.

Từ cù lao đến đảo Jeju

Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi chưa kịp lên đường đi Hàn Quốc thì đã có tin bão Bolaven ập vào bán đảo này. Vì thế, ai cũng chuẩn bị tinh thần có thể không đến được đảo Jeju như lịch trình. Rất may, xứ sở kim chi chào đón chúng tôi bằng nắng ấm của những ngày đầu Thu xứ Hàn, đẹp dịu dàng và lãng mạn.

Đọc E-paper

Một góc Cung điện Gyeongbokgung

Nhìn trên bản đồ hàng không, bán đảo Triều Tiên giống như bờ biển Việt Nam có hình cong chữ S. Vĩ tuyến 38 chia cắt bán đảo này thành hai miền Bắc Nam, gợi nhớ trong chúng tôi ký ức về một thời chiến tranh.

Và từ TP.HCM đến Seoul phải bay qua đảo Jeju (hay còn gọi là Jejudo - hòn đảo lớn nhất Hàn Quốc và là tỉnh nhỏ nhất của đất nước này), cũng giống như một số tuyến bay đến TP.HCM phải bay ngang đảo Phú Quốc - một cảm giác vừa quen vừa lạ.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là sân bay Inchoen, cách thủ đô Seoul khoảng 60km. Chúng tôi nghỉ đêm tại khách sạn 5 sao để chuẩn bị cho cuộc hành trình khám phá xứ kim chi.

Sân bay Inchoen khá rộng và hiện đại. Thủ tục nhập cảnh vào Hàn Quốc cũng giống như các quốc gia khác, nhưng do một số du khách đến Hàn Quốc không trở về nước, nhất là giới trẻ, nên những người làm công tác nhập cảnh có quyền phỏng vấn để xác minh tính trung thực của mục đích chuyến đi.

Du khách có dịp làm “cổ động viên” tại sân vận động Jeju, nơi diễn ra World Cup 2002

Điểm tham quan đầu tiên của chúng tôi là đảo Nami. Con sông Hàn chảy từ Bắc Triều Tiên đến Nami tách thành hai nhánh, tạo thành một cù lao nhỏ, nhưng người ta “nâng cấp” thành đảo.

Chưa hết, Nami còn có một “sứ quán” ở thủ đô Seoul chuyên phục vụ khách du lịch “nhập cảnh” vào đảo này. Đã là “quốc gia” thì du khách phải có “visa” và phải qua “Immigration” trước khi qua... phà.

Nơi đây thu hút rất nhiều du khách các nước bởi cảnh đẹp như tranh vẽ với vườn cây được chăm sóc chu đáo, những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc có cấu trúc thú vị và đặc biệt là nơi trưng bày những quyển sách do người dân tự nguyện hiến tặng, như là một nét văn hóa độc đáo của người Hàn.

Đó là chưa kể khu du lịch Everland Resort, các điểm giao lưu văn hóa, giải trí khác mà yếu tố nghệ thuật luôn được chú ý. Có nhiều du khách lúc đầu muốn dành thời gian để mua sắm, nhưng sau gần một giờ đồng hồ thưởng thức các tiết mục múa trống đã bị lôi cuốn theo những tiết tấu vui nhộn, say đắm của những nữ diễn viên tài ba, nên quên luôn mục đích ban đầu!

Quốc kỳ Hàn Quốc trên đảo Jeju

Đến thăm các cửa hàng bán sâm Cao Ly, chúng tôi không thể không mua, bởi lời giới thiệu khá hấp dẫn về tính ưu việt của nhân sâm.

Trước nay, nhiều người hiểu sâm Cao Ly tuy bổ dưỡng nhưng rất nóng (dương), sâm châu Âu thì mang tính hàn (âm), nhưng khi biết nhân sâm Cao Ly 6 tuổi trung hòa tính âm dương, hơn nữa, chủ cửa hàng hiểu được tâm lý khách hàng, dùng người bán hàng là người Việt Nam nên du khách Việt không nỡ từ chối mua.

Các sản phẩm khác như cao xương ngựa, cao linh chi, mật ong... cũng được bày bán ở Làng Dân tộc Seongup, được du khách đón nhận nhiệt tình.

Thật khó tìm nơi nào có cuộc sống bình yên và môi trường sạch đẹp như đảo Jeju, dù các tiện nghi hiện đại không khác gì các đô thị lớn. Nổi bật trên con đường chính dọc theo bờ biển Jeju là những cánh quạt gió và những tấm pin năng lượng Mặt trời để sản xuất ra điện.

Trước đây, Hàn Quốc rất tự hào vì tự sản xuất được điện hạt nhân, nhưng thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật trong đợt sóng thần ngày 10/3/2011 đã khiến họ suy nghĩ lại. Do vậy, “kinh đô ánh sáng” Inchoen một thời trước đây đã trở lại với những ngọn đèn khiêm tốn từ nhiệt điện, huống hồ đảo Jeju có truyền thống bảo vệ môi trường!

Những con mực được phơi bày khá hấp dẫn du khách

Về sự thanh bình của Jeju, anh Khánh Châu, hướng dẫn viên du lịch của Vietravel cho biết: “Jeju có ba cái “không”: không cửa, không ăn xin, không bệnh viện. Không cửa vì người dân chất phác, chăm chỉ làm ăn, không có trộm cắp.

Không ăn xin vì ai cũng có việc làm với thu nhập khá cao. Không có bệnh viện vì ai cũng khỏe mạnh. Tất nhiên đó là ví von để thấy người dân Jeju có cuộc sống sung túc, lành mạnh và có trách nhiệm với cộng đồng.

Jeju có nhiều cái lạ làm du khách tò mò tìm đến. Chẳng hạn “con đường huyền bí” khiến nhiều đoàn nghiên cứu khoa học đến đây nhưng chưa lý giải được vì sao xe tắt máy vẫn chạy lên dốc. Chẳng hạn, chúng tôi thử thả cái chai đổ nước xuống đường nhưng cái chai và nước lại chạy ngược lên dốc!

Jeju không có nguồn nước ngầm vì đảo này được hình thành từ núi lửa. Tại làng Seongup, chúng tôi cùng giậm chân xuống nền đất và cảm nhận được phía dưới nền đất rỗng. Jeju không có nước ngầm nên người dân phải trữ nước mưa và lọc nước biển thành nước ngọt, vì thế, ý thức tiết kiệm điện, nước được đặt lên hàng đầu.

Những mô hình thể hiện nét văn hóa cổ truyền của Hàn Quốc được gìn giữ cẩn thận tại bảo tàng

Thời phong kiến, Jeju là nơi để lưu đày phạm nhân. Đảo này từng là địa phương nghèo nhất Hàn Quốc vì tách rời với đất liền và đất canh tác không nhiều.

Nhưng sau khi bộ phim Bản tình ca mùa Đông lên sóng truyền hình các nước, đảo Jeju với cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ được biết đến như địa điểm du lịch mới thu hút hàng triệu lượt khách từ nhiều quốc gia trên thế giới. Người dân Jeju - nơi Mặt trời mọc đầu tiên ở Hàn Quốc, luôn mở lòng với khách bốn phương...

Chúng tôi đến Jeju vào độ chớm Thu và mùa Đông chưa đến ngày trở lại nên không có dịp cảm nhận được hết vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt mỹ của Hàn Quốc. Bù lại, chúng tôi được thưởng thức các món ăn tuyệt vời, như gà hầm nhân sâm, mì U dong... cùng hương vị đặc trưng của kim chi và men rượu Shochu ấm áp, dù nồng độ nhẹ hơn rượu đế Việt Nam.

Chúng tôi cũng được đi thăm khu chợ mở cửa suốt đêm Dongdaemun, thăm Phủ Tổng thống Gyeongbokgung... Mỗi nơi để lại ấn tượng tốt đẹp cho chúng tôi về ý thức giữ gìn những di sản văn hóa dân tộc của người dân Hàn Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Từ cù lao đến đảo Jeju
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO