Trung Quốc đổ tiền vào các nước nghèo

LÊ VIẾT ĐỈNH| 04/05/2012 03:11

Sử dụng nguồn tài lực khổng lồ như một công cụ hiệu quả trong chiến lược khai thác sức mạnh mềm là chủ trương của Bắc Kinh nhằm tạo ảnh hưởng và tìm vị thế tại những nước nghèo khắp các châu lục.

Trung Quốc đổ tiền vào các nước nghèo

Mạnh nhờ gạo bạo nhờ tiền - sử dụng nguồn tài lực khổng lồ như một công cụ hiệu quả trong chiến lược khai thác sức mạnh mềm là chủ trương của Bắc Kinh nhằm tạo ảnh hưởng và tìm vị thế tại những nước nghèo khắp các châu lục. Tình hình nói trên khiến cho nhiều người e ngại rằng đến lúc nào đó Trung Quốc có thể khuynh loát cả thế giới.

Đọc E-paper

Thế nhưng điều này có thật sự đáng lo hay không, khi những gì Trung Quốc đang làm cũng giống như Hoa Kỳ đã từng làm vào thập niên 1850?

Bài viết gần đây trên báo Time phản ánh ý kiến của các nhà phân tích cho rằng nước Mỹ thời điểm đó tương tự như Trung Quốc hiện nay, một đất nước chủ yếu là nông thôn trải qua sự đổi thay thần kỳ đã trở thành nền kinh tế đô thị công nghiệp.

Đến năm 1850, Hoa Kỳ trở thành một “phân xưởng của thế giới” sản xuất những hàng dệt may giá rẻ chất lượng cao cùng với đủ loại hàng hóa đa dạng khác xuất khẩu khắp toàn cầu. Chính hệ thống sản xuất kiểu Mỹ này đã làm cho nhiều quốc gia phải ghen tỵ và lo ngại vào lúc ấy.

Theo bài báo, lịch sử không lặp lại chính nó nhưng thường có sự tương đồng và đây là một trong những trường hợp như vậy.

Những khoản vay lớn dành cho vùng Caribe

Bệnh viện do Trung Quốc xây dựng tại Kinshasa, Congo

Với tựa đề “Trung Quốc đã ngồi ngay sân sau của Mỹ”, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngày 11/4/2012 đưa tin dư luận Mỹ lo ngại về tình trạng buôn bán đầu tư giữa Trung Quốc với các nước khu vực Caribe tăng vọt mạnh mẽ và là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với Mỹ.

Thông tin này xuất phát từ một bài viết của nhà báo Mỹ Randall Archibald trên tờ Thời báo New York số ra ngày 8/4/2012 cho rằng Trung Quốc đã mua cả khu vực Caribe, cửa ngõ của Hoa Kỳ, để hình thành thế bao vây thị trường Mỹ.

Năm 2011, Trung Quốc đã cấp cho các nước khu vực này khoản vay ưu đãi tới 6,3 tỉ USD, còn trong 10 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư hàng chục tỉ USD vào các nước khu vực để tranh thủ lợi ích kinh tế và ủng hộ chính trị của họ.

Các quan chức ngoại giao Mỹ cho rằng việc đổ tiền đổ của để tranh thủ các nước khu vực này là một hành động chiến lược chuẩn bị cho thời kỳ hậu Phidel Castro ở Cuba.

Thời gian qua, Trung Quốc đặc biệt quan tâm tới đảo quốc Bahama, nơi chỉ cách bang Florida của Mỹ chưa đầy một tiếng đồng hồ bay. Ngoài những hoạt động du lịch, thể thao, Trung Quốc còn đưa nhiều nhân công tới xây dựng các khu nghỉ dưỡng tại đây.

Quan chức đảo quốc Bahama tiết lộ ngay sau khi nước này cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan liền được Trung Quốc hào phóng viện trợ.

Tại khu vực Caribe và Mỹ Latin cũng đang xuất hiện các sân vận động, các ngôi trường hoặc các bệnh viện mới được xây lên bằng tiền biếu tặng của Trung Quốc.

Đảo quốc nhỏ Dominica mới khai trương một trường học ngữ pháp, một bệnh viện và một sân vận động thể thao, đều là quà tặng hào phóng của người Trung Quốc. Antigua và Barbuda cũng sắp có một nhà máy điện, một sân chơi cricket và một trường học mới…

Một tài liệu điều tra công bố cuối tháng 3/2012 cho biết, trong năm năm gần đây khoản tiền những ngân hàng của Trung Quốc cho các chính phủ Mỹ Latin vay lớn hơn nhiều so với khoản tiền mà Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng liên Mỹ cho các nước này vay cộng lại.

Cụ thể, trong thời gian từ năm 2005 đến năm 2011, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc đã cam kết cho các chính phủ Mỹ Latin vay tổng cộng 75 tỉ USD, trong đó hơn 46 tỉ USD liên quan tới trao đổi hàng hóa.

Canh bạc lớn ở châu Phi


Kỹ sư Trung Quốc làm việc cùng công nhân châu Phi là hình ảnh quen thuộc ở lục địa này

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên đến thăm các nước châu Phi đã nhiều lần khẳng định sự hiện diện ở lục địa này là định hướng chiến lược trong chính sách đối ngoại. Đối với Bắc Kinh, đầu tư vào châu Phi không chỉ là chuyện kinh doanh mà còn là một bước quan trọng trong cuộc trường chinh vào thị trường thế giới.

Người dân châu Phi ngày càng quen thuộc với sự hiện diện của các kỹ sư, công nhân Trung Quốc. Dấu ấn Trung Quốc hiện lên ngay tại một công trình bệnh viện sắp khánh thành tại thủ đô Kinshasa của Cộng hòa Dân chủ Congo.

Phía bên kia lục địa đen, người Trung Quốc thậm chí còn xây cả tòa nhà Quốc hội cho Malawi. Lao động Trung Quốc tràn ngập công trường khiến người dân bản địa gần như không thể tìm thấy cơ hội việc làm.

Ở Kenya, hai doanh nghiệp Trung Quốc là Wu Yi và Shengli cũng đang thực hiện một dự án đường cao tốc với trị giá 330 triệu USD từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Phi.

Tại thủ đô Nairobi, một trong những thành phố bận rộn nhất châu Phi, một dự án đường trên cao dài 50km hiện đại nhất châu lục với đầy đủ hệ thống cầu vượt, hầm đi bộ, đường tăng tốc, đường thoát… đang được phía Trung Quốc thực hiện.

Tập đoàn Kiến trúc và xây dựng Trung Quốc (CCECC) đã có mặt tại Nigeria từ vài chục năm nay và cho biết đã cung cấp việc làm cho khoảng 20.000 lao động địa phương.

Mối quan tâm chính của các doanh nghiệp Trung Quốc tại lục địa đen là các nguồn khoáng sản. Trong chuyến thăm châu Phi vào đầu năm 2011, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã tới thăm Zimbabwe, nơi mà Ngân hàng Phát triển Trung Quốc dự kiến đầu tư 10 tỉ USD vào lĩnh vực khai mỏ và nông nghiệp. Cùng với đó, các quốc gia giàu khoáng sản và dầu mỏ như Guinea, Gabon, Chad và Togo cũng là đích đến của chuyến thăm này.

Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các nước châu Phi không dùng tiền mặt mà những quốc gia lục địa đen trả các khoản nợ bằng nguyên vật liệu theo đơn đặt hàng của các công ty Trung Quốc.

Điều đáng nói là không phải đầu tư nào của Trung Quốc ở châu Phi cũng thành công. Sau canh bạc Libya mất trắng hàng chục tỉ USD sau khi chính quyền Kadhafi sụp đổ, Trung Quốc đang gặp thêm một khó khăn khác.

Tuyến đường cao tốc Nairobi - Thika do Trung Quốc và chính phủ Kenya đầu tư, công ty của Trung Quốc thi công

Đó là cuộc giành giật quyết liệt nguồn tài nguyên dầu lửa giữa nước Cộng hòa Nam Sudan vừa tách ra thành một quốc gia độc lập từ tháng 7/2011 với chính quyền Khartoum ở miền Bắc Sudan trước đây, đã làm giảm đáng kể nguồn dầu xuất khẩu của nước này cho Trung Quốc.

Sau nhiều năm cung cấp vỏ bọc ngoại giao và vũ khí cho chế độ Khartoum miền Bắc, hiện Trung Quốc đối mặt với một thực tế là ông chủ nguồn dầu của Sudan giờ đây là chính phủ của miền Nam mà thủ đô là Juba.

Mặc dù đã rót vào Sudan gần 20 tỉ USD nhưng giờ đây Trung Quốc không nhận được lợi ích gì từ khoản đầu tư này vì cuộc giành giật tiếp tục giữa Khartoum và Juba. Chế độ miền Bắc lâu nay lệ thuộc lớn vào các khoản giao thương và viện trợ của Trung Quốc đang quyết tâm giữ Bắc Kinh ở lại phía mình.

Trong khi đó các quan chức Nam Sudan đã cảnh báo rằng nếu Bắc Kinh không chấp nhận gắn kết với chính phủ Juba thì họ sẽ đi tìm các đối tác mới ở phương Tây và Mỹ. Diễn biến tình hình tại Sudan bộc lộ rõ một trong những khó khăn mà nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh của Trung Quốc phải đối diện khi đổ tiền đầu tư vào các nước nghèo bất ổn về chính trị.

Khai thác tài nguyên ở Đông Nam Á

Thủ tướng Hun Sen dự lễ khánh thành cầu Prek Kdam - do Trung Quốc tài trợ

Nhiều năm qua, đầu tư của Trung Quốc tại các nước Đông Nam Á tập trung vào các lĩnh vực khai thác mỏ, sản xuất và vận tải, dịch vụ cho thuê và thương mại. Đằng sau đầu tư của Trung Quốc là những hệ lụy về môi trường và nền kinh tế ngày càng bị phụ thuộc.

Do vậy, các quốc gia Đông Nam Á đang đau đầu với bài toán tìm thế cân bằng giữa ảnh hưởng của Trung Quốc và các quốc gia khác.

Trong khu vực, Lào trở thành nguồn cung gỗ, bột giấy hấp dẫn và các công ty lâm nghiệp Trung Quốc như Oji Paper, Stora- Enso đầu tư khai thác rừng tại Nam Lào có thể đạt doanh thu hơn 12 tỉ USD/năm, gấp đôi tổng sản phẩm quốc dân của Lào.

Những năm gần đây, các công ty Trung Quốc ngày càng gia tăng cam kết đầu tư vào lĩnh vực khai mỏ, chỉ trong quý I năm 2011 trị giá đăng ký xuất khẩu đã lên đến trên 246 triệu USD, gấp đôi con số được ghi nhận cùng kỳ năm trước.

Cùng với khai mỏ, các nhà máy điện đang mở rộng mạng lưới phát triển trên lãnh thổ Lào. Nếu năm 2006, Lào mới chỉ có 10 nhà máy điện với tổng công suất 700MW thì năm 2011 con số này đã là 14 nhà máy với tổng công suất 2.540MW và có tiềm năng để phát triển tới khoảng 26.000MW.

Ngoài ra, phát triển cơ sở hạ tầng cũng là một lĩnh vực mới nổi khác thu hút đầu tư của Trung Quốc, trong đó có dự án đường sắt cao tốc đang trong quá trình hoàn tất nối biên giới Trung Quốc với thủ đô Vientiane của Lào.

Tại Campuchia, các công ty Trung Quốc đã giành quyền khai thác mỏ và nông nghiệp trong tỉnh Mondulkiri. Họ rào kín khu vực khai thác mỏ vàng và đồn điền cây gai dầu, biến vùng đất trên chẳng khác gì khu tự trị của người Hoa.

Hãng tin Reuters ngày 13/3/2012 cho hay trong thời gian gần đây các nhà đầu tư Trung Quốc đang đổ tiền đầu tư mua quyền khai thác hàng loạt đất rừng của Campuchia. Điều này không chỉ đe dọa hệ sinh thái rừng mà còn ảnh hưởng đến những quyền cơ bản của người dân tại chỗ.

Trong khi một số nước khác cũng mua quyền khai thác đất ở cùng khu vực chủ yếu nhằm mục đích trồng cao su và cây nông nghiệp thì các dự án sinh lời nhiều nhất tập trung vào lĩnh vực khai thác vàng và khoáng sản thuộc về các nhà thầu Trung Quốc.

Khai thác gỗ tại Lào

Trung Quốc hiện là nhà viện trợ lớn nhất của Campuchia. Hiện nay số tiền Trung Quốc đầu tư vào Campuchia nhiều gấp 10 lần so với Mỹ. Bên cạnh đó, Trung Quốc từng bước độc chiếm cơ sở hạ tầng tại Campuchia với các dự án tổng trị giá khoảng 1,6 tỉ USD. Trung Quốc đang xúc
tiến dự án xây dựng đường sắt Trung Quốc - Đông Á trị giá 600 triệu USD.

Còn tại Indonesia, các khoản đầu tư của Trung Quốc tập trung vào khai thác than đá và dầu cọ. Ông Fawzi Ichsan, chuyên viên thuộc ngân hàng Standard Chartered tại Jakarta, từng bày tỏ quan ngại về bản chất của đầu tư Trung Quốc tại Indonesia, bởi công nghệ giá rẻ của Trung Quốc đe dọa gây nguy hại cho môi trường, đồng thời nhiều dự án có ràng buộc điều khoản sử dụng lực lượng lao động đến từ Trung Quốc có thể tạo mối nguy về an ninh cho Indonesia.

Riêng tại Myanmar, thống kê chưa đầy đủ cho thấy ít nhất trên dưới hai triệu công dân Trung Quốc đã di cư đến miền Bắc nước này. Họ mau chóng chiếm lĩnh ngành kinh doanh ngọc bích, đá quý và làm rối loạn thị trường bất động sản.

Ngược dòng lịch sử, bang giao Myanmar - Trung Quốc phát triển kể từ cuối năm 1988 sau khi chính quyền của Thủ tướng Ne Win bị lật đổ bởi cuộc đảo chính hồi tháng 9/1988. Chính quyền quân sự của Thủ tướng Saw Maung tiếp nhận quản lý đất nước đang khủng hoảng kinh tế và rối ren về chính trị, lại bị Mỹ và nhiều nước phương Tây ngừng viện trợ phát triển.

Quan hệ hai nước được đẩy mạnh sau các thỏa thuận năm 1989 và 1991 với việc Trung Quốc bán vũ khí, máy bay chiến đấu, tàu chiến cho quân đội Myanmar trị giá 2 tỉ USD trong vòng năm năm.

Từ năm 2003, Trung Quốc là nước ngoài duy nhất được phép xây dựng căn cứ quân sự tại đảo Coco của Myanmar ở Ấn Độ Dương, đối diện Ấn Độ; đặt thêm trạm nghe nhìn tại đảo Sittway và đảo Zedetkyi Kyun để kiểm soát tuyến hàng hải qua eo biển Malacca.

Đồng thời Trung Quốc cũng cung cấp tài chính, cho vay tín dụng ưu đãi giúp Myanmar khắc phục khủng hoảng kinh tế, giúp xây dựng các cảng dân dụng và quân dụng tại Kyaukpyu và Sittway thuộc bang Rakhine.

Năm 2007, hai bên ký các thỏa thuận hợp tác trong đó Myanmar cho phép Trung Quốc xây dựng đường ống dẫn dầu từ cảng Sittway thuộc bang Rakhine tới Côn Minh dài hơn 2.000km với tổng kinh phí 1,04 tỉ USD có hiệu lực trong 30 năm, rút ngắn gần 3.000km đường vận chuyển dầu mỏ nhập khẩu từ châu Phi và Trung Đông tới Vân Nam.

Thủy điện Shweli do Trung Quốc giúp Myanmar xây dựng ở phía Bắc Myanmar

Đổi lại, Myanmar được nhận 83 triệu USD để phát triển cơ sở hạ tầng và mỗi năm thu được khoảng 1 tỉ USD phí vận chuyển dẫn dầu, khí của Trung Quốc chạy qua lãnh thổ mình.

Sau các chuyến thăm qua lại giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, Trung Quốc thỏa thuận cung cấp cho Myanmar 30 tỉ nhân dân tệ tín dụng với lãi suất thấp. Đổi lại Myanmar dành cho Trung Quốc các hợp đồng khai thác mỏ đồng, niken ở Mandalay, các mỏ dầu khí trên đất liền, các hợp đồng thương mại lớn…

Hiện nay trong lãnh thổ Myanmar có khoảng 4,5 triệu người Hoa sinh sống, tập trung đông nhất là bang Shan, Kachin và vùng Mandalay. Họ sở hữu nhiều bất động sản lớn như xí nghiệp, khách sạn, nhà hàng và kiểm soát buôn bán biên giới với Trung Quốc.

Tuy phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về chính trị, quân sự, kinh tế, nhưng chính quyền Myanmar vẫn luôn thận trọng trong quan hệ với Trung Quốc bởi những bài học lịch sử họ đã nếm trải.

Nay thì tình hình xoay chiều theo hướng cởi mở về chính trị, Myanmar đang chuẩn bị đón dòng đầu tư của các nước phương Tây và nhiều quốc gia khác.

Đã có không ít lo lắng từ các đối thủ cạnh tranh về đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài. Thế nhưng nhiều chuyên gia phân tích cho rằng thật ra đa số doanh nghiệp Trung Quốc mới chỉ chân ướt chân ráo tìm kiếm chỗ đứng của mình ở nước ngoài.

Ngay cả lĩnh vực Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ nhất là khai thác tài nguyên khoáng sản thì họ cũng không thể kiểm soát đủ nguồn cung để mua vét các loại nguyên nhiên liệu.

Ngoài ra, hệ thống các doanh nghiệp của Trung Quốc không kết thành một khối thống nhất như những gì nước ngoài vẫn đánh giá về họ. Không phải công ty Trung Quốc nào cũng do nhà nước điều khiển, một số có tính độc lập rất lớn và chỉ quan tâm tới lợi nhuận. Không ít những công ty như vậy đang thực hiện các hợp đồng ở nước ngoài.

Có đúng như vậy không? Thời gian sẽ trả lời cho chúng ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Quốc đổ tiền vào các nước nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO