Trí thức chế độ cũ góp sức cải tổ ngành Ngân hàng

17/04/2010 08:44

Anh Ba Châu vào gặp anh em và đề nghị xây dựng đề cương về cải cách hệ thống Ngân hàng với mục tiêu là biến hệ thống ngân hàng từ một cấp thành hai cấp. Chúng tôi vui vẻ nhận lời...

Trí thức chế độ cũ góp sức cải tổ ngành Ngân hàng

Kết quả tốt đẹp của chuyến đi đã tạo nên một nguồn cảm hứng khiến chúng tôi làm việc hăng say hơn. Anh Ba Châu vào gặp anh em và đề nghị xây dựng đề cương về cải cách hệ thống Ngân hàng với mục tiêu là biến hệ thống ngân hàng từ một cấp thành hai cấp. Chúng tôi vui vẻ nhận lời.

Sau đề tài về ngân hàng, chúng tôi tập trung nghiên cứu về việc đổi mới ngân hàng ngoại thương và vấn đề hội nhập kinh tế từ bên trong (kinh tế vùng).

Vào tháng 10/1987, theo đề nghị của Ban Kinh tế Thành uỷ, tôi rời công ty Imexco để tham gia vào Sài Gòn Công thương Ngân hàng, ngân hàng cổ phần đầu tiên của Việt Nam. Đây là lần thứ hai tôi trở về ngành ngân hàng sau 5 năm công tác trong ngành ngoại thương.

Háo hức tham gia đề án cải tổ ngành ngân hàng

Đến năm 1989, vào khoảng tháng 8, tôi nhận được một giấy mời ra Hà Nội. Tôi đến Hà Nội vào buổi chiều, ngay tối hôm đó đã có buổi làm việc sơ bộ với nhóm chuyên viên được Văn phòng Chính phủ mời, trưởng nhóm là anh Phan Văn Tiệm, lúc đó là Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước. Phiên họp hôm đó có cả anh Nguyễn Thiệu tham dự. Đề tài là cải tổ ngành ngân hàng, vấn đề này được chính phủ giao cho hai nhóm chuyên viên phụ trách, một nhóm chuyên viên của Văn phòng Chính phủ và một nhóm chuyên viên do Ngân hàng Nhà nước chủ trì (lúc đó anh Cao Sĩ Kiêm vừa thay thế anh Ba Châu làm Tổng giám đốc). 

Tôi được biết lý do phải tổ chức hai nhóm là để công trình nghiên cứu mang tính khách quan và bao quát, phía Ngân hàng Nhà nước thì có chuyên môn trong lĩnh vực ngân hàng, phía nhóm chuyên viên Văn phòng Chính phủ (lúc đó gọi là Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng) thì có tầm nhìn kinh tế vĩ mô rộng hơn.

Sau buổi trao đổi đêm đó, anh Tiệm và chúng tôi thống nhất mỗi thành viên sẽ trình bày một đề cương và hẹn gặp nhau lại để thống nhất đề cương, trình ông Sáu Dân duyệt rồi sẽ phân công triển khai.

Hôm sau, tôi còn đang ở nhà khách thì có một cán bộ Ngân hàng Nhà nước đến gặp và gửi cho tôi giấy mời của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị tôi đến làm việc.

Tôi được ông Nguyễn Văn Đạm, Phó Tổng giám đốc thứ nhất của Ngân hàng Nhà nước tiếp (lúc đó anh Cao Sĩ Kiêm đang công tác ở nước ngoài). Ông Đạm cho biết Ngân hàng Nhà nước có thành lập một tổ chuyên viên cải tổ ngân hàng và đề nghị tôi tham gia. Tôi trình bày với ông là tôi đã được bố trí tham gia nhóm anh Tiệm, nhưng ông Đạm nhấn mạnh rằng tôi vốn là người của ngành ngân hàng, vả lại hiện nay đang công tác trong ngành, không lý gì khi ngành đang cần tôi lại không tham gia.

Cuối cùng, tôi đành phải nhận lời tham gia cả hai tổ, trong thâm tâm tôi nghĩ rằng có khi điều này cũng có lợi vì tôi có thể làm gạch nối cho hai tổ và làm cho những khác biệt giữa hai nhóm có thể giảm đi.

Hôm trước khi về, tôi đến chào ông Sáu Dân và báo cáo về các buổi làm việc với anh Tiệm và anh Đạm. Ông đồng tình việc tôi tham gia vào hai tổ và hỏi tôi có giới thiệu thêm ai có thể tham gia vào chương trình này không? Tôi nghĩ ngay đến anh Lâm Võ Hoàng hiện đang cộng tác với Ban Khoa học Kỹ thuật thành phố và giới thiệu đôi nét về anh Hoàng với ông Sáu.

Ông lập tức dặn anh Thiệu chuẩn bị giấy mời anh Hoàng tham gia tổ do anh Tiệm chủ trì. Thế là trong chuyến đi Hà Nội tiếp theo sau đó để thông qua đề cương, tôi đi cùng với anh Hoàng và hình như đó cũng là lần đầu tiên anh Hoàng ra Hà Nội. Khi diện kiến ông Sáu Dân lần đầu tiên, tôi thấy anh rất phấn khích.

Sau đó, cả anh Hoàng cũng được mời tham gia hai tổ công tác, một do anh Kiêm chủ trì, một do anh Tiệm. Đó cũng là một điều may vì bản dự thảo đề cương cải tổ do tôi soạn, cùng với bản dự thảo của anh Lê Xuân Nghĩa đều được cả hai tổ thảo luận và đi đến thống nhất.

Kết quả là các sự khác nhau ban đầu giữa quan điểm cải tổ của hai nhóm đã thu hẹp đáng kể và cuối cùng đi đến nhất trí trình Hội đồng Bộ trưởng trong một đề cương chung vào cuối năm 1989, sau chưa đầy hai tháng làm việc với những cuộc tranh luận sôi nổi hào hứng, đôi khi rất kịch liệt và căng thẳng trong mỗi tổ và giữa hai tổ. Sau này, chúng tôi và các anh em chuyên viên Bắc Hà đều trở thành những người bạn thân thiết.

Đó là các anh Phan Văn Tiệm, Phan Quang Tuệ, Lê Xuân Nghĩa ở Tổ Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, các anh Cao Sỹ Kiêm, Nguyễn Văn Chuẩn, Nguyễn Quang Liên, Ngô Tuấn Kiệt, Lê Văn Tư, Lê Trọng Khánh, Cao Cự Bội, Lê Hoàng, Trịnh Bá Tửu, Trang Sĩ Liêm... Ở Tổ chuyên viên Ngân hàng Nhà nước và đặc biệt là anh Nguyễn Thiệu (tổ VPHĐBT) sau này trở thành người bạn tâm giao của tôi dù anh lớn hơn tôi đến một con giáp .

Sau khi đề cương đã được hai tổ hoàn thành và trình trước cho ông Sáu, một hôm ông Sáu cho gọi anh Lâm Võ Hoàng và tôi đến làm việc với ông tại nhà, hôm đó có cả anh Nguyễn Thiệu, để hỏi thêm về một số vấn đề chưa rõ trong cả hai đề cương.

Trong buổi gặp mặt đó, anh Hoàng và tôi báo cáo với ông những nhược điểm hiện có của hệ thống ngân hàng một cấp trong đó nổi cộm nhất là sự nhập nhằng giữa chức năng ngân hàng và ngân sách (cho vay và cấp phát), cũng như giữa vai trò quản lý của Ngân hàng Nhà nước và vai trò kinh doanh của các ngân hàng thương mại (điều mà anh em chúng tôi hay gọi là vừa đá bóng vừa thổi còi). 

Chúng tôi cũng đề nghị xác lập vị trí độc lập của Ngân hàng Nhà nước với chức năng của một Ngân hàng Trung ương đối với việc xây dựng và thực thi chính sách tiền tệ. Nhưng ông Sáu cho rằng bước đi như thế là quá nhanh và chưa thích hợp với tình hình và điều kiện hiện nay.

Riêng đối với đề xuất về việc thiết lập cơ chế Hội đồng Quản trị Ngân hàng Nhà nước thì ông ủng hộ. Việc thay đổi danh xưng của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng được ông nhất trí, thay vì gọi là Tổng giám đốc như trước đây (dễ gây lầm lẫn) thì gọi là Thống đốc cho thống nhất với cách gọi phổ biến của nhiều nước.

Sau này, khi trình bày đề án trước Hội đồng Bộ trưởng, phải nói là nếu không được sự đồng tình của ông Sáu Dân, cả hai tổ nghiên cứu khó mà thuyết phục được một số vị lãnh đạo trong Hội đồng Bộ trưởng vẫn quan niệm rằng cơ chế Hội đồng Quản trị chẳng khác nào một Chính phủ trong một Chính phủ, còn danh xưng Thống đốc sao mà nghe "sặc mùi đế quốc".

Hôm đó, chúng tôi làm việc với ông Sáu từ 10 giờ sáng đến tận 2 giờ trưa, và dùng cơm trưa "dã chiến " cùng ông, đây có thể là buổi làm việc lâu nhất với ông Sáu và ông đã chỉ đạo một việc mà tôi cho là rất quyết định đối với công cuộc cải cách hệ thống Ngân hàng Việt Nam: yêu cầu chúng tôi tập trung dự thảo Luật Ngân hàng.

Dấu ấn: Pháp lệnh Ngân hàng 1990

Trong suốt hai tuần lễ giữa tháng 10/1989 tôi đã tham khảo chủ yếu 2 Luật Ngân hàng trước năm 1975, đối chiếu với các quy định hiện hành về ngân hàng và điều kiện kinh tế vào lúc đó, có tham khảo thêm các luật của Pháp, Đức, Anh, Mỹ và đã hoàn tất sơ bộ hai dự thảo pháp lệnh, một cho Ngân hàng Thương mại, một cho Ngân hàng Trung ương, đồng thời nhờ dịch cả hai sang tiếng Anh và tiếng Pháp.

Vào tháng 3/1990, anh Nguyễn Thiệu, anh Lê Văn Tư và tôi, ba người được ông Sáu cử đi Pháp và Thái Lan với sự tài trợ của hai ngân hàng BFCE và IndoSuez để tham khảo ý kiến của các giới ngân hàng ở Pháp và Thái Lan về hai pháp lệnh (đặc biệt với Banque de France và Ngân hàng Trung ương Thái Lan).

Cũng nhân chuyến đi đó, tôi đã gặp ông Berth, đại diện IMF tại Pháp và nhờ IMF cho ý kiến về dự thảo pháp lệnh ngân hàng. IMF đã đánh giá cao dự thảo hai pháp lệnh ngân hàng và đã có bản góp ý rất quan trọng. Chính trên cơ sở đó mà sau này khi đề cương cải tổ hệ thống ngân hàng được cả hai tổ thống nhất việc thảo luận dự thảo luật đã có thể tiến hành ngay và mặc dù có nhiều thay đổi, dự thảo cuối cùng đã được Chính phủ thông qua vào tháng 5/1990 và trình Chủ tịch nước ban hành dưới hình thức Pháp lệnh Ngân hàng (tháng 10/1990). Phải thừa nhận rằng Pháp lệnh Ngân hàng đã được thông qua trong một thời gian ngắn có thể nói là kỷ lục vào lúc đó.

Thời gian làm việc cho đề án cải tổ ngân hàng và soạn thảo pháp lệnh dưới sự chỉ đạo của ông Sáu Dân là một thời gian có ý nghĩa nhất trong đời làm việc của tôi và cũng là thời gian mà Nhóm Thứ Sáu làm việc cật lực. Hầu như mọi vấn đề gút mắc đều được mang ra thảo luận trong các buổi sinh hoạt và những góp ý của các anh em trong Nhóm đã giúp làm sáng tỏ rất nhiều vấn đề, cung cấp cho chúng tôi những lý luận mang tính thuyết phục để có thể nhanh chóng đi đến việc hoàn chỉnh đề án cải tổ.

Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy sẽ có những trở ngại chủ quan làm chậm tiến trình cải tổ và sẽ không dễ gì vượt qua những trở ngại ấy với các điều kiện về nhận thức vào thời điểm đó. Nhưng trong tinh thần thực tế và không cầu toàn, tôi đã cùng với các anh em chuyên viên Bắc Hà vượt qua được những cuộc tranh luận chuyên môn tưởng chừng như bế tắc (nhiều lúc phải đạp chân nhắc anh Hoàng không nên đi quá xa) và cuối cùng đã cùng nhau đạt đến một sự hoàn chỉnh nhất định cho cả đề án lẫn pháp lệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trí thức chế độ cũ góp sức cải tổ ngành Ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO