TPP và rào cản thương mại không lối thoát

05/08/2014 07:25

Thời gian gần đây, các vụ kiện thương mại từ nước khác áp lên Việt Nam ngày càng tăng, không chỉ trong ngành thép mà còn nhiều ngành khác như thủy sản, sơ, lốp xe, giày dép, túi nhựa, giấy…

TPP và rào cản thương mại không lối thoát

Ngay sau khi hai doanh nghiệp Việt Nam là Công ty thép SeAH Vina và Hot Rolling Pipe bị Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ và Bộ Thương mại Mỹ ra quyết định sơ bộ áp thuế Chống trợ cấp và Chống bán phá giá ở mức 24,22% và 111,47%, thì Cơ quan Biên phòng Canada (CBSA) cũng thông báo khởi xướng điều tra Chống bán phá giá và Chống trợ cấp đối với một số sản phẩm ống thép dẫn dầu nhập khẩu từ 8 nước, trong đó có Việt Nam. Đây là vụ kiện thứ năm liên quan đến ngành thép trong nước.

Thủy sản Việt Nam xuất khẩu thường xuyên bị Mỹ kiện chống bán phá giá

Thời gian gần đây, các vụ kiện thương mại từ nước khác áp lên Việt Nam ngày càng tăng, không chỉ trong ngành thép mà còn nhiều ngành khác như thủy sản, sơ, lốp xe, giày dép, túi nhựa, giấy… Liệu rằng đã vào Hiệp định Đối tác TPP nhưng với những rào cản thương mại ngày càng dày đặc thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn được hưởng lợi?

Xuất khẩu tăng, vụ kiện cũng tăng

Thông thường một sản phẩm bất kỳ có tỉ lệ xuất khẩu vào một nước nào đó tăng cao và có giá rẻ hơn sản phẩm của nước sở tại rất hay bị vướng phải những vụ kiện thương mại như Chống bán phá giá và Chống trợ cấp.

Vụ kiện Chống bán phá giá đầu tiên xảy ra năm 2002 với sản phẩm cá tra và basa. Theo số liệu từ Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, tính đến 31/3/2013, Việt Nam mới chỉ có 52 vụ. Tuy nhiên, tính đến tháng 3/2014, có 73 vụ.

Tính riêng tại thị trường Mỹ, trong 10 năm đã có tới 8 vụ điều tra chống phá giá và trợ cấp với các sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam, nhất là thủy sản. Cá tra và tôm là hai mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất vào Mỹ nhưng thường xuyên bị khởi kiện, có thể được xét như một sự kiện hằng năm vậy.

Giữa năm 2013, Bộ Thương mại Mỹ có quyết định khởi kiện con tôm của Việt Nam với mức thuế rất cao, từ 1,15% đến 7,88%. Cá tra cũng thường xuyên phải chịu cảnh tương tự như tôm, đợt áp thuế lần 9 vào tháng 9/2013 đã tăng lên gấp 3 lần. Đầu tháng 7 vừa qua Mỹ tiếp tục áp thuế lần 10 với cá tra.

Không chỉ có cá tra, Mỹ đang tiếp tục áp thuế lên nhiều sản phẩm xuất khẩu khác của Việt Nam như, vụ kiện kép với đinh thép, thép hàn chịu lực không gỉ, cá tra và gần đây nhất là thông tin điều tra năng lực cạnh tranh ngành gạo đối với một số nước trong đó có Việt Nam.

Mặc dù sau đó các doanh nghiệp Việt Nam có giành được chiến thắng cho tôm cá nhưng những vụ kiện như vậy đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và sự đầu tư của doanh nghiệp.

Một lý do khác khiến một số doanh nghiệp thủy sản ngừng xuất khẩu vì lo sợ mức thuế tăng cao do Bộ Thương mại Mỹ liên tục thay đổi nước thứ ba được dùng để tính thuế. Đây là những khó khăn, gây thiệt thòi, giảm tỉ lệ xuất khẩu của doanh nghiệp.

Ngoài Mỹ, nhiều nước khác cũng đang áp đơn kiện lên các sản phẩm của Việt Nam như Úc kiện thép mạ kẽm, Indonesia kiện về thép cán nguội, Cananda kiện thép ống dẫn dầu…

Đứng trước sản lượng xuất khẩu các nước tăng nhanh, biện pháp phòng vệ thương mại thường được dùng như “cứu cánh” để bảo hộ các doanh nghiệp trong nước. Đối với Việt Nam, một nước chưa được thừa nhận là nước kinh tế thị trường, thường dễ gặp phải tình trạng này.

TPP có giúp doanh nghiệp thoát kiện?

Câu chuyện của WTO là một tấm gương để TPP rút ra bài học. Tham gia WTO nhiều năm, nhưng đến nay các doanh nghiệp Việt Nam vẫn không hưởng được những ưu đãi như kỳ vọng. Trong khi đó, ở những nước có tiềm năng để sản phẩm Việt Nam xuất khẩu thì doanh nghiệp liên tục phải chịu các vụ kiện thương mại.

Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia Kinh tế Cao cấp, cho biết Việt Nam mở cửa thị trường nhưng lại không có biện pháp phòng vệ thương mại (hạn chế nhập khẩu đối với một số loại hàng hóa khi việc đó đe dọa ngành sản xuất địa phương) nên các doanh nghiệp trong nước rất khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, nước ngoài tuy mở cửa nhưng lại đưa ra chính sách phòng vệ khắt khe khiến doanh nghiệp Việt khó thâm nhập.

Ở một khía cạnh khác, sau khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế. Chẳng hạn, có nhiều mặt hàng Việt Nam xuất khẩu vào các nước trong nhóm này sẽ giảm thuế về 0%. Tuy nhiên, ngoài một số mặt hàng như dệt may, da giày thì không phải mặt hàng nào cũng được hưởng những ưu đãi về thuế.

Ngoài ra, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam ở một số thị trường cũng đã được hưởng mức thuế suất ưu đãi nên TPP cũng chưa mang lại lợi ích gì mới. Ví dụ ở thị trường Mỹ, hàng thủy sản chưa chế biến hay đồ gỗ (hai lĩnh vực xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường này) thực tế đang được hưởng mức thuế suất gần bằng 0%. Còn ba nước khác là Úc, New Zealand và Peru đã áp dụng mức thuế 0% cho các sản phẩm thủy sản như cá hay tôm của Việt Nam.

Thật ra, nhiều doanh nghiệp hy vọng rằng đàm phán TPP đã khiến Mỹ có những nhượng bộ tích cực trong các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thủy sản và nhiều ngành khác của Việt Nam. Tuy nhiên, dường như đàm phán TPP hoàn toàn không tác động đến kết quả các vụ kiện Chống bán phá giá, Chống trợ cấp của Mỹ đối với thủy sản Việt Nam.

Theo phân tích từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đàm phán TPP không có nội dung nào hạn chế quyền của các quốc gia nhập khẩu trong việc sử dụng các công cụ phòng vệ này. Dù TPP có Chương về phòng vệ thương mại, nhưng nội dung của các Chương này rất ngắn và chủ yếu nhấn mạnh yếu tố hợp tác trong việc xử lý nhanh các khiếu nại, nếu có.

Nói cách khác, sẽ không có chuyện TPP sẽ khiến các nhà nhập khẩu giảm bớt những biện pháp phòng vệ thương mại đối với Việt Nam. Cũng sẽ không có chuyện cơ quan điều tra bớt sử dụng những phương pháp tính toán bất lợi cho doanh nghiệp Việt. Càng không có khả năng nào để những yêu cầu hay tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm được hạ thấp, hoặc ít ra là không phát sinh thêm.

Thực tế, hiện nay các hàng thuế quan vẫn rất khó được gỡ bỏ. Hàng rào này đổ thì hàng rào khác lại dựng lên với mục tiêu bảo vệ bằng một giá cho hoạt động sản xuất của các nước.

TPP có được ký kết, nhưng các quốc gia lại tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại như áp thuế Chống bán phá giá và Chống trợ cấp thì doanh nghiệp Việt sẽ vẫn khó xuất khẩu.

>Obama muốn TPP kết thúc trước tháng 11/2014
>Đàm phán TPP: Bất đồng kéo dài bế tắc
>
"Vận động viên" Việt Nam trên đường đến TPP
>TPP: Để không lặp lại bài học cũ từ WTO

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TPP và rào cản thương mại không lối thoát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO