TPP: Năng lực cạnh tranh là yếu tố quyết định

THANH NHÃ/DNSGCT| 28/04/2015 06:45

Theo một số nhận định trước đây, Việt Nam dường như đã sẵn sàng cho việc mở cửa giao thương khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết. Tuy nhiên, ...

TPP: Năng lực cạnh tranh là yếu tố quyết định

Theo một số nhận định trước đây, Việt Nam dường như đã sẵn sàng cho việc mở cửa giao thương khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết và doanh nghiệp cũng kỳ vọng khá nhiều về các lợi ích hấp dẫn mà hiệp định này mang lại. Tuy nhiên, kết quả đánh giá về tầm nhìn của doanh nghiệp đối với TPP được thực hiện đồng thời với cuộc khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm nay đã cho thấy điều ngược lại!

Doanh nghiệp không kỳ vọng nhiều vào TPP

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là kết quả một cuộc nghiên cứu nhiều năm qua do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hợp tác với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện.

Theo khảo sát PCI năm 2014, được công bố ngày 16/4 vừa qua, có khoảng 70% doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài từng biết đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng mức độ hiểu biết rất hạn chế. Không nhiều DN có theo dõi và nắm rõ những tác động trong tương lai của hiệp định đối với hoạt động kinh doanh của đơn vị mình.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI, tuy việc nắm thông tin về TPP còn hạn chế nhưng số lượng doanh nghiệp ủng hộ Việt Nam gia nhập hiệp định này là rất lớn, chiếm hơn 66% DN tư nhân trong nước. Chỉ có khoảng 1,5% số DN thể hiện ý kiến phản đối, số còn lại thể hiện thái độ thờơ hoặc cho rằng hiệp định không ảnh hưởng tới chuyện làm ăn của mình.

Nhìn dưới góc độ chiếm lĩnh thị trường, trong khi các DN có định hướng sản phẩm hướng tới thị trường trong nước lo ngại sẽ bị mất thị phần khi mở cửa giao thương thì các DN xuất khẩu thể hiện thái độ lạc quan với TPP. Họ ủng hộ các vấn đề cải cách và tỏ ra lạc quan với các cam kết mở cửa thị trường.

Nhóm có khả năng chịu thiệt nhiều nhất có lẽ là các nhà đầu tư nước ngoài đến từ các nước không phải thành viên TPP. Họ lo ngại sẽ bị tác động tiêu cực bởi các biện pháp mở cửa thương mại, trong khi lại không được hưởng lợi từ việc mở cửa thị trường của các nước thành viên khác.

TPP là một hiệp định thương mại tự do toàn diện, bao gồm nhiều lĩnh vực từ tiếp cận thị trường, xuất xứ cho đến môi trường, lao động hay các vấn đề xa hơn như mua sắm của Chính phủ, cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Dù có ủng hộ hay không thì hầu hết doanh nghiệp đều đồng ý rằng TPP sẽ có những tác động tích cực đối với các lĩnh vực thể chế “sau biên giới”, như mở cửa thị trường trong nước về đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, môi trường, lao động, và cải cách doanh nghiệp nhà nước…

Chính vì vậy, tỷ lệ ủng hộ các cam kết “sau biên giới” trong đàm phán TPP khá cao, chiếm khoảng 56% nhóm doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài đến từ khu vực ngoài TPP và 62% các nhà đầu tư nước ngoài trong khu vực TPP. Sự ủng hộ đối với các lĩnh vực này có thể coi là một trong những động lực chính để Việt Nam thực thi các cam kết cải cách kinh tế trong nước ngay sau khi trở thành một thành viên của TPP.

Và Việt Nam cũng chưa sẵn sàng cho TPP

Không chỉ các doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng cho TPP, mà nhìn chung cả nền kinh tế lẫn bộ máy chính quyền, các chính sách… đều chưa sẵn sàng cho hiệp định quan trọng này.

Kết quả khảo sát trên 50% nhà đầu tư FDI cho thấy trước khi lựa chọn điểm đến đầu tư, họ đã phải cân nhắc một số nước khác trước khi chọn Việt Nam. Các nước cân nhắc chủ yếu là Trung Quốc (20,5%), Thái Lan (18%) và Campuchia (13,9%).

TS Edmund Malesky, đến từ Trường ĐH Duke Hoa Kỳ, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI Việt Nam nói: “Sự cân nhắc này cho thấy Việt Nam không còn là điểm đến được ưu ái nhất đối với các nhà đầu tư quốc tế như giai đoạn 2007-2010 nữa”.

Doanh nghiệp FDI cho rằng tại Việt Nam, họ có tiếng nói hơn trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình so với các quốc gia cạnh tranh, đặc biệt là hai nước láng giềng là Campuchia và Lào. Nhưng họ cảm thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam kém hấp dẫn do nạn tham nhũng, vấn đề chi phí không chính thức và chất lượng dịch vụ hành chính công (giáo dục, y tế và dịch vụ tiện ích).

Mặc dù Chính phủ đã dành một khoản tiền khá lớn nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế công cộng trong những năm gần đây nhưng trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, cơ sở hạ tầng và dịch vụ công của Việt Nam luôn ở mức cần cải thiện, thậm chí chất lượng đường bộ và dịch vụ xử lý nước thải bị các DN FDI xếp vào hạng thấp nhất so với các nước trong khu vực.

Tham nhũng và các chi phí không chính thức là vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng vẫn chưa được cải thiện trong năm qua. Việt Nam hiện xếp thứ 119 trên 175 nước trong Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, xếp thứ 126 trong Chỉ số kiểm soát tham nhũng của Ngân hàng Thế giới và đứng thứ 74 trong xếp hạng Đánh giá rủi ro quốc gia.

Trong cuộc khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nói trên, có khoảng 66% DN trong nước cho biết thường phải trả thêm các chi phí không chính thức để được thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, có tới 10% số DN than phiền rằng họ phải dành hơn 10% doanh thu cho các khoản chi phí không chính thức hằng năm.

Tình trạng nhũng nhiễu ở Việt Nam cũng khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài ngán ngẩm. Khoảng 17% các DN nước ngoài nói rằng họ đã trả phí không chính thức để có được giấy phép đầu tư và 31% phải trả hoa hồng khi muốn giành các hợp đồng của cơ quan nhà nước.

Gần 90% DN cho biết họ ít nhiều đều gặp bất lợi trong quá trình đấu thầu vì từ chối chi tiền hoa hồng, trên 66% DN đã chi trả chi phí không chính thức để thúc đẩy việc thực hiện dịch vụ tại cảng.

Kỷ cương pháp luật không được tôn trọng cũng là một vấn đề đáng quan tâm, khi có đến 22% số DN lựa chọn không sử dụng tòa án khi có tranh chấp, vì họ lo ngại có tình trạng “chạy án” trong quá trình giải quyết. Hành vi bôi trơn trong quá trình xin cấp phép cũng khá phổ biến và tình trạng hối lộ trong ký kết hợp đồng thì tăng gấp ba so với ghi nhận trong năm 2013!

“Với những con số đáng lo ngại trên, Việt Nam dường như vẫn chưa sẵn sàng cho một sân chơi đầy tính cạnh tranh như TPP”, đó là nhận định được nhiều người đồng tình trong buổi hội thảo công bố “Kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh PCI 2014 – Vấn đề quan hệ lao động và chuẩn bị của doanh nghiệp cho TPP” vừa qua.

Đa dạng hóa thương mại không như kỳ vọng

Từ cảm nhận của các DN tham gia khảo sát, có thể thấy rằng việc đa dạng hóa đối tác thương mại do hiệp định TPP nhiều khả năng sẽ diễn ra ở mức hạn chế. Chỉ có nhóm đang làm ăn với các nước trong khu vực Đông Á là đánh giá tích cực nhất (41% trả lời TPP sẽ giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh của họ), tiếp theo là doanh nghiệp đang làm ăn với khu vực Đông Nam Á và Hoa Kỳ.

Còn nhóm đang có quan hệ làm ăn với Trung Quốc không mấy nhiệt tình với TPP, chỉ 15% trong nhóm này nghĩ rằng TPP sẽ có lợi cho việc mở rộng quan hệ làm ăn hiện tại, trong khi 13% số DN nhóm này lo ngại sẽ gặp bất lợi, còn 26% cho rằng TPP tác động vừa tích cực, vừa tiêu cực.

Như vậy, theo ông Đậu Anh Tuấn, hoạt động thương mại có thể chuyển hướng từ Trung Quốc sang khu vực Mỹ, Đông Nam Á và Đông Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là Nhật Bản sau khi TPP được ký kết không lạc quan như kỳ vọng.

Cũng theo kết quả khảo sát CPI lần này, có rất ít DN chủ động tham gia vào quá trình đàm phán TPP bằng cách đóng góp ý kiến tới cơ quan đàm phán của Chính phủ. Họ chỉ góp ý thông qua các hiệp hội DN hoặc VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam). Khoảng 59% DN trong nước cho biết họ đã bày tỏ ý kiến gián tiếp như vậy, tỷ lệ này ở các DN nước ngoài là 61%.

Mặc dù có rất ít doanh nghiệp trực tiếp trao đổi với cơ quan đàm phán của Chính phủ nhưng có thể thấy rằng DN vẫn kỳ vọng rất nhiều về sự hỗ trợ của Chính phủ sau khi hiệp định được ký kết. Vậy nên, câu hỏi đặt ra là với nguồn ngân sách hạn hẹp, Chính phủ liệu có thể mãi trợ giá cho thị trường? Và với những cam kết hội nhập, liệu Chính phủ có thể mãi bảo hộ cho doanh nghiệp?

Vẫn còn nhiều DN trong nước tỏ ra thụ động, trông chờ được hỗ trợ, trong khi DN ở các nước cạnh tranh đang liên tục đầu tư cho marketing để mở rộng thị trường, đầu tư hiện đại hóa dây chuyền sản xuất để tăng năng suất và giảm giá thành, đầu tư cho giáo dục, công nghệ… để chuyển từ nền kinh tế sản xuất lên nền kinh tế sáng tạo…

Năng lực cạnh tranh của mỗi DN là yếu tố quyết định trong TPP chứ không phải là sự hỗ trợ từ Chính phủ. Để tồn tại được trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt, điều quan trọng với DN là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để có đủ sức cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trong nước cũng như trên thị trường của nước đối tác.

>PCI không còn là cuộc đua thứ hạng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TPP: Năng lực cạnh tranh là yếu tố quyết định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO