TPP: Đừng lặp lại sự kỳ vọng phi lý như WTO

14/06/2013 06:36

Cũng như các hiệp định thương mại tự do khác, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng sẽ tạo ra những cơ hội làm ăn mới cho các bên tham gia, đồng thời lấy đi một số lợi thế của họ. Nhìn tổng thể lợi ích từ TPP sẽ lớn hơn thiệt hại bằng không, nó không có lý do gì để tồn tại.

TPP: Đừng lặp lại sự kỳ vọng phi lý như WTO

Cũng như các hiệp định thương mại tự do khác, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng sẽ tạo ra những cơ hội làm ăn mới cho các bên tham gia, đồng thời lấy đi một số lợi thế của họ. Nhìn tổng thể lợi ích từ TPP sẽ lớn hơn thiệt hại bằng không, nó không có lý do gì để tồn tại.

Da giày là một trong những ngành được hưởng lợi khi tham gia TPP

Như vậy, mới nhìn qua, vấn đề đối với từng thành viên là xác định đâu sẽ là những cơ hội và đâu là những nhượng bộ phải chiều theo khi tham gia TPP để cân nhắc thiệt hơn.

Nhưng với Việt Nam, mọi chuyện sẽ phức tạp hơn bởi nếu nhìn từ góc độ lợi ích của doanh nghiệp nhà nước, chẳng hạn, thì mọi phân tích thiệt-hơn sẽ khác hẳn khi nhìn từ góc độ của người chủ trương mở cửa thêm cho đầu tư nước ngoài.

Góc nhìn từ lợi ích tổng thể của nền kinh tế sẽ khác hơn góc nhìn từ lợi ích của từng ngành nghề như dệt may. Phân tích của một hiệp hội các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ khác phân tích của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)...

Tuy nhiên có một điều chắc chắn ngay từ đầu: sẽ không có sự đột phá nào cho nền kinh tế ngay sau khi Việt Nam tham gia TPP và cũng đừng kỳ vọng vào TPP như một liều thuốc giúp kinh tế phục hồi, thoát ra khỏi khủng hoảng hay trì trệ.

Điều này chúng ta đã có kinh nghiệm khá cay đắng sau khi gia nhập WTO - lúc đó không hiếm những phân tích lạc quan quá đáng theo kiểu “cất cánh”, “ra khơi”... để đến bây giờ chúng ta vẫn đang còn phải trả giá cho sự lạc quan, vung tay quá trớn đó.

Và người nắm bắt cơ hội ngay từ đầu, một lần nữa vẫn sẽ là các doanh nghiệp nước ngoài với bộ máy phân tích, dự báo và quyết định nhanh chóng hơn doanh nghiệp trong nước nhiều lần.

Trong một hiệp định thương mại tự do như TPP, các nước phát triển sẽ nhắm tới chuyện củng cố việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ - một điều tiên quyết để họ có thể triển khai các bước khác; cố gắng giành thêm các ưu đãi, nhượng bộ cho nhà đầu tư của họ vào nước tiếp nhận; thương thuyết để hưởng được mức thuế thấp nhất có thể cho các sản phẩm của họ, nói chung là hạ thấp hay tháo bỏ hẳn những rào cản thương mại và đầu tư.

Các yêu cầu có vẻ ồn ào hơn như điều kiện lao động, minh bạch luật lệ, ngay cả chuyện môi trường chỉ là chuyện bề ngoài, không phải thực chất.

Các nước đang phát triển như Việt Nam thì nhắm đến thuế suất thấp hơn nữa để thâm nhập các thị trường giàu có như Mỹ hay Nhật Bản; đồng thời sẽ cố gắng giảm thiểu các sự can thiệp vào môi trường làm ăn càng nhiều càng tốt, để bảo vệ sản xuất, kinh doanh nội địa.

Hai bên không nói ra nhưng thừa nhận một sự phân công lao động: một bên đổ vốn, chất xám vào bên kia để sản xuất hàng hóa mà cuối cùng cũng đem về bên mình tiêu thụ.

Vấn đề thương thảo chỉ là chia phần thu được từ quá trình này như thế nào; cái râu ria là bên nhà giàu cố gắng bảo đảm công nhân được đối xử đàng hoàng, môi trường không bị hủy hoại quá nhiều để người tiêu dùng của họ đỡ áy náy.

Nhìn qua thì các phân tích của nhiều nghiên cứu cho rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất trong các nước tham gia TPP là có cơ sở: Việt Nam vẫn còn là nước thâm dụng lao động để sản xuất những mặt hàng chưa có hàm lượng công nghệ cao như dệt may, da giày vào nước khác.

Mặt khác, Việt Nam cũng kỳ vọng sẽ thu hút thêm đầu tư nước ngoài tận dụng cơ hội là thành viên TPP để lập căn cứ sản xuất ở đây cho một thị trường thuế thấp rộng lớn chiếm đến 30% GDP toàn cầu.

Theo nghiên cứu được trích dẫn nhiều của Giáo sư Peter Petri (Đại học Brandeis - Mỹ) thì lấy cột mốc năm 2025, GDP của Việt Nam sẽ lớn hơn nhiều nếu tham gia TPP, mức lớn hơn này là 26,2 tỉ đô la Mỹ (TPP 11 thành viên) hay 35,7 tỉ đô la (TPP có thêm Nhật Bản) so với mức cơ sở là 340 tỉ đô la.

Nói cách khác, GDP năm 2025 của Việt Nam có tham gia TPP sẽ hơn GDP giả dụ là không tham gia TPP chừng 7,7% (hay 10,5% nếu TPP lúc đó có thêm Nhật Bản).

Xét về mặt xuất khẩu thì cũng theo GS. Petri, xuất khẩu của Việt Nam nếu không có TPP vào năm 2025 là 239 tỉ đô la, sẽ tăng thêm 67,9 tỉ đô la (tăng 28,4%) lên 307 tỉ đô la nếu có tham gia TPP (12 thành viên kể cả Nhật Bản). Tăng nhiều nhất là hàng dệt may, da giày, tăng thêm đến 45,9% (từ 113 tỉ đô la lên 165 tỉ đô la).

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra: chính xác ai là người hưởng lợi như thế?

Nhìn lại số liệu năm năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO giúp chúng ta có câu trả lời khá rõ: chính doanh nghiệp FDI hiện tại và tương lai sẽ hưởng phần lợi lớn nhất.

Trừ một năm kim ngạch xuất khẩu giảm sút (năm 2009), còn lại kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI tăng nhanh hàng năm (từ 35-40%/năm) trong khi kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước tăng chậm hơn nhiều và đến năm ngoái chỉ còn tăng 1,3%!

Từ chỗ tỷ trọng của hai khối gần bằng nhau vào năm 2009 thì đến năm ngoái, khối FDI chiếm 73,2 tỉ đô la so với khối trong nước chỉ còn 42,3 tỉ đô la trong tổng kim ngạch xuất khẩu 114,6 tỉ đô la! Tình hình này xem ra sẽ lặp lại với TPP.

Một kỳ vọng lớn khác khi Việt Nam gia nhập WTO là mong muốn môi trường làm ăn cho doanh nghiệp trong nước sẽ dần cải thiện theo hướng tuân thủ luật chơi của một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa như là một thành viên đầy đủ của WTO.

Thực tế chưa hẳn là vậy khi một mặt các thủ tục hành chính liên quan đến thành lập doanh nghiệp thì có cải thiện nhưng rào cản gia nhập thị trường lại xuất hiện nhiều yêu cầu mới (các điều kiện kinh doanh do các hiệp hội ngành nghề tự đặt ra và vận động Nhà nước đưa thành nghị định), dòng chảy tín dụng, tiếp cận đất đai...

vẫn được ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước. Vì thế, cũng khó trông mong gì nhiều ở khía cạnh này một khi Việt Nam tham gia TPP và phải tuân thủ một số luật chơi.

Nói tóm lại, cũng như WTO, tư cách thành viên TPP của Việt Nam trong tương lai trước tiên sẽ là cục nam châm thu hút sự quan tâm của giới đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp lẫn gián tiếp.

Sự quan tâm này có thể tạo ra những bong bóng mới, nhưng cũng có thể trở thành cú hích để sản xuất trong nước có bước biến chuyển mới. Và từ sự quan tâm này, các doanh nghiệp trong nước có mối quan hệ tốt với đối tác nước ngoài sẽ xác định được cơ hội làm ăn mới.

Vì thế, có thể nói, dù ai hưởng lợi nhiều, cái lợi ích tổng thể cho nền kinh tế khi Việt Nam tham gia TPP vẫn cao hơn là không tham gia. Đó là điều đáng lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TPP: Đừng lặp lại sự kỳ vọng phi lý như WTO
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO