Tôi xem hát chèo

PHAN THỊ TUYẾT MAI| 08/08/2009 08:37

Sáng nay nhận được điện thoại của người bạn thân, giọng nói của anh phía bên kia đầu dây thật là hăm hở: “Anh muốn mời em đến tham dự buổi tối đặc biệt vào cuối tuần”.

Tôi xem hát chèo

Sáng nay nhận được điện thoại của người bạn thân, giọng nói của anh phía bên kia đầu dây thật là hăm hở: “Anh muốn mời em đến tham dự buổi tối đặc biệt vào cuối tuần”.

Tôi tra gạn anh mãi, nhưng chẳng được gì ngoài câu nói gây sự tò mò: “Bí mật! Cứ đi rồi em sẽ biết”. Thú thật là buổi sáng thứ Hai đầu tuần, đối với một tổng giám đốc như tôi, hàng tá công việc xếp hàng chờ đợi, tôi đâu còn tâm trí để đoán già đoán non chuyện gì, nên lịch sự nhận lời anh bạn cho nhanh để tiếp tục công việc. Và bảo cô thư ký ghi vào lịch hẹn.

Một cảnh trong vở "Oan khuất một thời".

Chiều thứ Bảy, cô thư ký đặt trước mặt tôi một lá thư, giọng nhẹ nhàng: “Thưa cô, đây là thư mời của chú Sĩ Hoàng mà cô đã hẹn tham dự”. Thoạt nhìn bên góc trái nơi người gửi “Nhà hát chèo Hà Nội”, tôi nhảy nhỏm người lên, nhướn mắt thêm lần nữa cho rõ, lạy Trời sao lại là nhà hát chèo?”. Chớp vội lá thư, bên trong là tấm vé mời xem vở hát chèo với cái tên “Oan khuất một thời”...

Tôi vò đầu bức tóc, từ thủa cha sanh mẹ đẻ đến giờ có khi nào tôi đi xem hát chèo đâu. Sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước Nam bộ, tôi chỉ biết đến giọng hò và đờn ca tài tử cải lương, nhưng cũng chỉ là thời niên thiếu được má dắt tay xem ké tivi hàng xóm. Bây giờ đâu còn thời gian để xem hết vở tuồng, huống hồ đây lại là xem hát chèo - một loại hình nghệ thuật, với tôi hoàn toàn mới mẻ và lạ lẫm...

Cầm tấm vé trên tay, tôi dũng cảm đi đến Nhà hát Thành phố. Mong sao đừng ngủ gật, sợ anh bạn buồn. Lúc đầu tôi định ngồi một chút cho phải phép rồi chào anh bạn về sớm, nhưng thật bất ngờ, càng xem tôi càng bị thu hút, từ cách diễn đạt, giọng hát của các nghệ sĩ. Tôi say sưa với tình yêu thủy chung của Thị Lộ dành cho Nguyễn Trãi - người lớn hơn mình đến hai mươi tuổi.

Tôi căm giận bà Ái phi cùng lũ nịnh thần mưu mô xảo quyệt. Tôi hồi hộp với cao trào là đoạn kết Nguyễn Trãi cùng Thị Lộ và ba tộc bị chết oan dưới tay của bà Ái phi, sân khấu trở nên huyền hoặc với tấm vải đỏ phủ trùm thay máu... Tiếng vỗ tay không dứt. Vở diễn kết thúc rồi mà tôi chưa bừng tỉnh. Khán giả ra về, tôi vẫn còn nán lại nhìn lên tấm màn đỏ trên sân khấu, như tìm kiếm hình bóng Nguyễn Trãi hiên ngang trước cái chết, hình ảnh Thị Lộ oan uất dưới những trận đòn, nhận tội để cho chồng được sống...

Lần đầu tiên trong đời tôi đi xem hát chèo, cũng là lần đầu tiên tôi cảm nhận được cái hay của nó. Tôi thầm cám ơn anh bạn đã cho tôi một buổi tối Chủ nhật đầy thú vị, và hiểu anh đã phải lao động cật lực để thiết kế trang phục cho vở diễn. Tôi cảm ơn các nghệ sĩ đã mang đến cho tôi cái nhìn mới về nghệ thuật hát chèo mà còn quá lạ lẫm với tôi trước đó. Họ chính là những người đã âm thầm cống hiến hết mình cho nghệ thuật, âm thâm giữ gìn, tôn tạo những nét đẹp văn hóa truyền thống...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tôi xem hát chèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO