Thành công từ chương trình bình ổn thị trường Tết

TRẦN ĐĂNG MINH| 25/02/2010 08:16

Bắt đầu từ năm 2004, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã khởi động Chương trình bình ổn thị trường Tết Nguyên đán...

Thành công từ chương trình bình ổn thị trường Tết

Bắt đầu từ năm 2004, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã khởi động Chương trình bình ổn thị trường Tết Nguyên đán bằng cách trước Tết vài tháng, cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình vay tiền với lãi suất 0% để tạo nguồn hàng, cung ứng đủ nhu cầu các mặt hàng thiết yếu cho người dân với giá thấp hơn giá thị trường 10%.

Qua 6 năm thực hiện, Chương trình này đã gây hiệu ứng tích cực đối với thị trường hàng hóa trong dịp Tết. Do nguồn hàng được cung ứng đủ trước, trong và sau dịp Tết (khoảng một tháng) nên đã kiềm chế ý đồ đầu cơ hay tạo khan hiếm hàng hóa giả tạo để tạo cơn sốt giá của những đơn vị, cá nhân kinh doanh không lành mạnh, họ buộc phải nhìn các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn giá để điều chỉnh cho phù hợp với động thái của thị trường nếu không muốn mất khách hàng.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, đây là hình thức bao cấp, thậm chí được chính quyền trợ giá, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh vì các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn nhận được quá nhiều ưu đãi, như vay lãi suất 0% trong 6 tháng; Chương trình bình ổn chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn; hay e ngại số tiền không được sử dụng đúng mục đích...

Chương trình bình ổn đã được thực hiện công khai, minh bạch với các điều kiện nghiêm ngặt

Thực tế 6 năm qua cho thấy, nhất là trong dịp Tết Canh Dần, Chương trình bình ổn đã được thực hiện công khai, minh bạch với các điều kiện nghiêm ngặt là gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hàng hóa phải chuẩn bị đầy đủ, tăng từ 20 - 40% so với nhu cầu tiêu dùng bình thường, đặc biệt là thực phẩm thiết yếu phải bảo đảm cung ứng kịp thời yêu cầu trước, trong và sau Tết, không được để giá cả tăng đột biến; có mạng lưới phân phối rộng; hàng hóa đảm bảo chất lượng và giá bán thấp hơn ít nhất 10% so với giá sản phẩm cùng loại tại từng thời điểm trên thị trường; sẵn sàng tham gia cân đối cung cầu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; có kế hoạch tổ chức bán hàng lưu động phục vụ người lao động tại các xã, phường ngoại thành, công nhân tại các khu công nghiệp, các trung tâm, trường trại giáo dưỡng của thành phố.

Nói Chương trình công khai, minh bạch vì trước khi khởi động, Sở Công Thương đã thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như trên mạng internet của Sở về điều kiện tham gia. Sở đã gởi thư mời lãnh đạo các hệ thống phân phối lớn như Lotte Mart, Maximark, Vinatex Mart, Fivimart, Co.opMart... tham gia, thậm chí mời đại diện các siêu thị ấy cùng họp bàn.

Sau khi thẩm định chặt chẽ tài sản đảm bảo, hệ thống phân phối, năng lực kinh doanh để đảm bảo rằng nguồn vốn ngân sách vào đúng chỗ; trả vốn đúng hạn, và muốn giải ngân được nguồn tiền vay ưu đãi phải có hợp đồng liên kết, hợp đồng mua bán, Sở đã chọn được 13 doanh nghiệp đều là những nhà phân phối không chỉ trong khu vực TP.HCM, mà còn là đầu mối lớn ở khu vực phía Nam tham gia Chương trình với số tiền được vay tổng cộng 422,3 tỷ đồng.

Cách chọn ấy cho phép dập tắt ngay các cơn sốt giá nếu có, vì với tiềm lực tài chính, nguồn cung dồi dào, các doanh nghiệp ấy nhanh chóng can thiệp thị trường.

Với số tiền từ ngân sách nhà nước cho vay không tính lãi như vừa kể trên, dù rất nhỏ so với sức mua của người dân trong dịp Tết Canh Dần vừa qua, nhưng hiệu ứng của nó lại rất lớn vì đối với người tiêu dùng, một khi họ nhận được tín hiệu tích cực rằng đã có Nhà nước chăm lo chu đáo cho nhu cầu sắm Tết của mình, thì sẽ không hành xử theo tin đồn, và thị trường sẽ hoạt động lành mạnh, không ai có thể tạo ra những cơn sốt ảo vốn đã từng gây nhiều tác hại cho cuộc sống người dân và nền kinh tế nước nhà như các cơn sốt gạo, sốt vàng trong năm 2008 và 2009.

Và thực tế đã chứng minh, Tết Canh Dần của người dân TP.HCM là một cái Tết an lành nhờ một phần Chương trình bình ổn thị trường của chính quyền thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thành công từ chương trình bình ổn thị trường Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO