Tết về nhớ cái chái bếp của mẹ

Hoài Phương| 02/02/2022 01:00

Từ lúc còn ấu thơ đến giờ, mặc dù đã bao lần thay đổi nơi ăn chốn ở nhưng tôi không thể nào quên được cái chái bếp của mẹ tôi. Giờ đây,  tuy cái chái bếp quê nhà đã mất hút, mẹ tôi cũng ra người thiên cổ, nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần Tết đến tôi lại nhớ quay quắt chiếc cà ràng đỏ lửa, nhớ ray rứt những cuộn khói bồng bềnh, vấn vương quyện vào miền ký ức xa xăm.

Tết về nhớ cái chái bếp của mẹ

Từ lúc còn học vỡ lòng, tôi đã tập tành xuống bếp. Trong ký ức xa vời của tôi, kể từ 28-29 Tết, cái chái bếp nhà tôi đã bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên. Thời đó nhà chưa có điện, chưa có bếp ga, mẹ tôi phải đốt đèn dầu, chụm củi nên hai bàn tay lúc nào cũng dính đầy lọ lem. Ngày thường, mẹ tôi chỉ sử dụng một hai bếp để nấu cơm và kho cá, nấu canh. Đặc biệt ngày Tết, mẹ tôi kê thêm ông Táo để kho thịt, sên mứt và chuẩn bị cho nồi bánh tét. Vào những ngày này, mặc dù Tết quê còn nghèo, thiếu thốn nhưng cả nhà bừng lên một sức sống mới, không khí vui vầy, đâu đâu cũng phảng phất mùi Tết, mùi thịt kho, mùi rau cải, mùi bánh mứt, trái cây, mùi hoa vạn thọ... Chỉ có thế thôi mà tôi đã ôm ấp cái chái bếp yêu thương suốt cả cuộc đời này.

Tôi sinh ra và lớn lên giữa một miền quê. Sau này đi xa, tôi đã mang theo nhiều kỷ niệm, trong đó có cái chái bếp và bàn tay cần cù, lam lũ của mẹ tôi, nhất là những ngày cuối năm, tiết trời se lạnh, mỗi lần nghe mùi nấu nướng như níu kéo tôi về với mái nhà xưa.  

Tuy cái chái bếp dung dị, mộc mạc, tàn tro, muội khói bám dày nhưng nó chứa biết bao kỷ niệm êm đềm của một thời thơ ấu. Mỗi lần đi học về, bụng đói, nhìn những sợi khói vờn quanh trên mái lá giống như một bức tranh quê là lòng tôi tự dưng ấm lại. Đó là làn khói yêu thương mà mẹ tôi đã chuẩn bị cho buổi cơm chiều và cả nhà quay quần bên nhau thật vô cùng hạnh phúc. Quên làm sao được những lúc bụng đói xuống bếp mà được mẹ vít cho miếng cơm cháy giòn rụm, có khi củ khoai lang lùi tro hoặc trái bắp nướng còn nóng hổi. Thật không có gì hạnh phúc bằng!

Mỗi lần Tết đến, tôi thật sự muốn nghe tiếng củi nổ lách tách và ngửi mùi khói cay xè của ngày xửa ngày xưa, vì theo tôi cái chái bếp chính là một góc hồn quê, nơi mẹ tôi đã thắp lên ngọn lửa diệu kỳ để sưởi ấm cho gia đình, cũng như ngọn đèn trên bàn thờ được xem là ngọn lửa bất diệt của một dòng họ.

Ông bà mình nói: "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Xây tổ ấm tức là giữ bếp, giữ lửa và giữ hạnh phúc cho gia đình. Trong sâu thẳm trái tim, ai cũng có một miền cố hương, có một mái ấm gia đình và một cái chái bếp. Do vậy, người dân quê, dù đi đâu rồi cũng quay về với mái nhà thân yêu của mình. 

Bây giờ cuộc sống đã đổi thay, thời công nghiệp hóa, thiết bị gia dụng tiên tiến, nhiều nhà sử dụng bếp ga, bếp điện, lò viba, lò nướng, nồi cơm điện... Trẻ con ở thành thị ít em nào cảm nhận được mùi củi và mùi rơm rạ, do đó chúng không cảm nhận được thế nào là hồn bếp. 

Trong cuộc sống, nhiều bạn bè chê tôi hoài cổ, lạc hậu. Tôi đành chịu. Thật tình mà nói đi xa là nhớ bếp, trở về là thương. Thương từng lọn khói vờn quanh mái tóc của mẹ, nhớ những ngày mẹ lụi hụi chặt củi, nhóm bếp, thổi lửa mà lòng không khỏi bồi hồi xao xuyến. Chính tôi nên người một phần cũng từ cái chái bếp đó của mẹ tôi. Bây giờ nhắc lại mà rơi nước mắt! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tết về nhớ cái chái bếp của mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO