Tây Nguyên, mùa cà phê rớt giá...

VĂN CÔNG HÙNG| 17/07/2009 00:37

Mùa này, hoa cà phê rất đẹp, trắng muốt, thơm lừng. Thế nhưng, có ai biết, phía sau màu trắng dịu dàng đó là bao bi hài đang lặng lẽ nhưng dữ dội xảy ra...

Tây Nguyên, mùa cà phê rớt giá...

Mùa này, hoa cà phê rất đẹp, trắng muốt, thơm lừng. Thế nhưng, có ai biết, phía sau màu trắng dịu dàng đó là bao bi hài đang lặng lẽ nhưng dữ dội xảy ra...

Mùa này, đi trên những nẻo đường Tây Nguyên, ta sẽ bắt gặp những vườn cà phê mênh mông bắt đầu chín bói. Và sẽ gặp những chủ vườn, chủ trang trại, cả những giám đốc nông trường vào ra quanh quẩn nhìn trời nhìn đất rồi nhìn mục... giá cả thị trường trên báo. Tivi thông báo giá cà phê xuống còn 21 nghìn/kg, sàn giao dịch cà phê thì đã ngừng nhấp nháy...

Thế nhưng các quán cà phê thì lại hốt bạc. Lạ thế, cà phê hạt xuống giá, nhưng cà phê phin thì vẫn nguyên giá cũ. Ngày trước giá cà phê hạt cao ngất trời, giá một ly cà phê ngon cũng từ ba ngàn đến năm ngàn đồng. Nay cà phê hạt xuống “chạm sàn”, giá cà phê phin thậm chí có phần còn nhỉnh hơn. Chả thế mà liên tục tháng vừa rồi, hàng loạt quán cà phê được khai trương ở cả Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Pleiku... và cứ đông khách.

Ở Pleiku, cả một dãy phố trên đường Wừu sầm uất được mệnh danh là “phố cà phê” với những quán cà phê cực đẹp, cực sang, và cũng cực thân thiện với khách hàng. Chủ quán cà phê TN trên đường Quang Trung, thành phố Pleiku cho biết, mỗi tháng quán của chị lãi ba chục triệu sau khi đã trừ chi phí. Tôi tròn mắt kinh ngạc thì chị nói tiếp: “Ấy là vì tôi quản lý chưa tốt, nên còn thất thoát nhiều, cũng phải mất dăm bảy triệu mỗi tháng”.

Chả cứ các quán cà phê bây giờ hốt bạc, mà cả các cơ sở rang xay cũng lên hương. Ông chủ trang trại Ngô Tấn Giác, ở thành phố Pleiku có thương hiệu cà phê Thu Hà tồn tại trên ba chục năm nay, thuộc loại may mắn vì ông làm luôn việc rang xay cà phê. Cà phê hạt từ vườn biến thành cà phê phin bán trong quán nhà mình và thành cà phê bột thương hiệu Thu Hà bán khắp nước. Nhưng đấy là chỉ một vài ông chủ, còn tuyệt đại bộ phận dân cà phê buồn bã ngồi nhắc đi nhắc lại câu “chả bù cho ngày xưa” khi nói về giá cà phê.

Ngày xưa là cái ngày làm ra hạt cà phê nào xuất khẩu ngay tắp lự hạt ấy. Dân cà phê trong các nông trường lâu lâu ra phố là biết liền. Gặp gì mua nấy, mua không cần trả giá, vào nhà hàng đặc sản co hai chân đen nhẻm lên ghế gọi món dõng dạc không lăn tăn. Mà toàn chồn, hươu, rùa, rắn.

Sau mỗi lứa cà phê là các salon ô tô, xe máy trong phố tha hồ bán. Nhưng mà vì thế nên tai nạn cũng nhiều. Các bác các cụ các cậu choai nông dân bỗng chốc lên đời ô tô xe máy phóng ào ào, và hoặc là tông nhau, hoặc tông vào bờ rào cột điện què hoặc chết khá nhiều. Tai nạn tiếp theo là vợ chồng ruồng rẫy nhau. Thời khó khăn khoai sắn không sao, giờ có tiền, suốt ngày vi vu rượu chè, rồi bồ bịch gái gú... Tai nạn tiếp theo nữa là con cái hư. Bản lĩnh không vững vàng, đang khổ tự nhiên giàu lên, tiền rủng rẻng, thế là cúp cua, là trốn học, tụ bạ...

Thế nhưng vì cái “ngày xưa” ấy mà bây giờ Tây Nguyên mới bạt ngàn cà phê, đến nỗi đang có kế hoạch nhổ bớt đi. Thấy làm cà phê giàu ai cũng muốn đổ xô vào. Các nông trường làm cà phê đã đành. Đang có một trăm hécta thì mở rộng ra gấp ba bốn lần, không có công nhân thì nông dân miền Bắc kìn kìn vào. Ở chốn công sở, phải đến sáu bảy chục phần trăm công chức ở Gia Lai, Dăk Lăk tham gia “sự nghiệp” cà phê.

Đến cơ quan người ta chỉ toàn hỏi nhau về cà phê: Làm mấy hécta, bón phân chưa, lấy nước tưới ở đâu, thuê nhân công ở đâu giá rẻ... Rồi nữa, người Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM đổ xô về mua trang trại cà phê. Những cò cà phê nhan nhản xuất hiện, người người trồng cà phê, nhà nhà trồng cà phê. Nông dân trồng, kỹ sư trồng, bác sĩ trồng, giáo viên trồng, các nhà khoa học trồng, văn nghệ sĩ cũng trồng. Chắt bóp được đồng nào là cà phê, ăn đói mặc rách dành tiền đầu tư cà phê với phương châm khổ hôm nay sướng ngày mai. Kết quả là đến hôm nay, Hiệp hội Cà phê Thế giới đã có ý kiến cho rằng: Việt Nam là “thủ phạm” chính của việc làm giảm giá cà phê toàn cầu!

Và như thế, người trồng cà phê trở thành nạn nhân của chính họ. Giá cà phê hạ chóng mặt. Có thời người trồng cà phê không hái cà phê mà để chúng chín đỏ trên cây rồi rụng do chi phí bỏ ra hái cà phê cao hơn giá bán cà phê. Thậm chí cho người ta hái không người ta cũng không thèm.

Hiện nay có tin đồn giá cà phê hạ là do một số đầu nậu nước ngoài đầu cơ găm giá nên cái giá hiện tại là giá không thật, thêm nữa lại đang đầu vụ, mà thực sự thì mấy năm được giá, nên trong nhà cũng còn rủng rẻng, vậy nên người trồng cà phê găm luôn, không bán. Tất nhiên như thế không phải là không có những cảnh đời cười ra nước mắt vì vốn liếng dốc hết vào cà phê rồi, bây giờ găm lại thì không có tiền trang trải mà bán ngay thì lỗ chỏng gọng.

Tôi là người kém cỏi, không có một hố cà phê nào, và nhờ thế mà... vững dạ. Trong khi đó bạn bè khá nhiều người làm cà phê bây giờ đang sống dở chết dở. Dốc toàn bộ vốn liếng vào, rồi vay mượn, cầm cố để có tiền đổ vào cây cà phê. Cái giống này ngốn tiền kinh khủng. Đất ư, giống ư, phân ư, nước ư, nhân công ư... trăm thứ tốn. Nguyên tiền công, nếu trong rẫy thuê khoảng chục người chăm sóc, mỗi tháng đã phải chạy trên vài chục triệu trả lương và tiền ăn cho họ. Mà tháng nào cũng thế, nghĩ mà kinh.

Hoàng, chủ một rẫy cà phê nhỏ ở thành phố Pleiku, đầu gối quá tai ngồi nhìn giọt cà phê chảy từ phin, thở dài kể cho tôi các khoản nợ mà anh phải trả trong nay mai. Bỏ luôn thì không được, mà đầu tư tiếp cũng không xong, nhưng nếu không tiếp tục chăm sóc, cà phê sẽ hư, vì cây cà phê sẽ phải phục hồi mất 3 - 4 năm, thậm chí phải đốn bớt tán để làm cành lại từ đầu.

Hàng mấy trăm triệu vốn đọng chứ ít ỏi gì? Phần nhiều bây giờ người ta chọn cách... cầm chừng. Thuê một vài người trông, tiện thì tưới, bón, không thì thôi, miễn cây đừng chết! Điều đáng nói nhất hiện nay là tình trạng của bà con dân tộc thiểu số. Rất nhiều nhà trồng cà phê do cán bộ vận động mãi, giờ chả biết bán cho ai, họ lại vác rựa vào rừng sau nhà, phá một khoảng làm rẫy. Một số nữa thì lại sống bằng nghề chăm sóc và hái cà phê thuê, giờ không ai thuê, họ sẽ đói!

Hiện nay đang có ý kiến hạn chế diện tích cà phê ở Tây Nguyên, có tỉnh đã quyết định chặt bỏ những vườn cà phê xấu. Nhưng hình như vẫn là làm theo cảm tính. Thấy có ăn ào ào xông vào làm, bây giờ lại chặt bỏ. Cứ loanh quanh như thế, người nông dân biết tin vào đâu?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tây Nguyên, mùa cà phê rớt giá...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO