Tăng trưởng phải gắn với tái cơ cấu nền kinh tế

NGUYỄN HOÀNG| 28/06/2018 03:25

Từ nay tới cuối năm, tăng trưởng GDP sẽ không còn cao như mức tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2017" - Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, GS-TS. Nguyễn Quang Thái đã trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn như vậy.

Tăng trưởng phải gắn với tái cơ cấu nền kinh tế

* Ông nhận định thế nào về kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm nay?

- Hai năm gần đây, các nhà nghiên cứu và quản lý thống nhất rằng kinh tế Việt Nam đã phát triển khá trên nhiều linh vực, như 5 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước (năm 2017 tăng 6,6%).

Dù vậy, kinh tế nửa đầu năm 2018, tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng đã bộc lộ một số  hạn chế. Đó là nền kinh tế tuy cơ bản ổn định và tăng trưởng vừa phải song vẫn tiềm ẩn sự mất cân đối, trong đó có thu chi ngân sách, dù chi đầu tư công đạt kế hoạch thấp, 5 tháng chưa tới 30% kế hoạch ngân sách.

Lạm phát bình quân vẫn khoảng 4% nhưng chỉ số lạm phát tháng 5 đã tăng 0,55%, là mức cao trong nhiều năm, đã được Chính phủ điều chỉnh trong nghị quyết điều hành tháng 5 và 5 tháng.

* Thị trường chứng khoán, tỷ giá liên ngân hàng đang có nhiều biến động, theo ông sẽ tác động thế nào đến tăng trưởng kinh tế?

- Sự biến động của chứng khoán, tỷ giá sẽ tác động tới nền kinh tế và tất nhiên đến tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, người ta ngày càng chú ý tới chất lượng tăng trưởng, với cơ cấu và cơ chế kinh tế hợp lý. Đối với Việt Nam hiện nay, chứng khoán chưa có tác động lớn đến nền kinh tế và tăng trưởng kinh tế, dù tỷ lệ vốn hóa đã tăng cao.

Chỉ số VN-Index sau khi đạt mốc 1.200 điểm đã tụt xuống dưới 1.000 điểm và khối ngoại đang rút vốn. Điều này đòi hỏi chứng khoán phải được quản lý sâu sát hơn, bám sát các chuẩn mực của nền kinh tế thị trường thời hội nhập.

Tỷ giá cũng có nhiều tác động đến nền kinh tế, ít nhất là xuất nhập khẩu, giá cả thị trường. Đây là chủ đề phức tạp vì một mặt, kinh tế Việt Nam chưa phát triển mạnh nên vẫn còn khoảng cách tới 2,5 lần giữa tỷ giá danh nghĩa và tỷ giá theo sức mua tương đương (PPP).

Sẽ cần một thời gian và sự cẩn trọng để chuyển dần đồng tiền "tự do hóa", không thể phá giá đơn giản để có lợi cho xuất khẩu, vì hiện nay độ mở nền kinh tế về xuất nhập khẩu so với GDP đã rất lớn, việc thu hút vốn FDI chiếm tỷ lệ trong tổng vốn đầu tư lên tới 20%. Do đó, tác động của các chỉ số thị trường đến tăng trưởng rất cần được điều tiết một cách cẩn trọng.

tăng trưởng kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế, GS-TS. Nguyễn Quang Thái

GS-TS. Nguyễn Quang Thái

* Nhưng đâu mới là vấn đề có thể tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018?

- Dự báo tăng trưởng cả năm nay vẫn khoảng trên dưới 6,8%. Tăng trưởng GDP năm 2018 và những năm tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiệu quả và phát triển bền vững, bao trùm.

Do đó cần có những công cụ tính toán tinh vi để phân tích và lựa chọn những ngành, lĩnh vực sản phẩm cần đẩy mạnh để đạt hiệu quả cao, trong khi phải giảm bớt một số sản phẩm, ngành nghề không hiệu quả. Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đang thực hiện một số nghiên cứu liên quan đến chủ đề này.

* Những giải pháp của Chính phủ đề ra, trong đó có cả tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi như Nghị quyết 19 năm 2018 chẳng hạn, theo ông như vậy đã đủ hỗ trợ cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng?

- Việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế năm 2018 và tiếp theo nằm trong chính sách tổng thể, hướng tới phát triển bền vững, bao trùm. Việc thực hiện các Nghị quyết 19 của Chính phủ từ năm 2014 giúp thứ hạng cạnh tranh của Việt Nam dần được nâng cao, nhưng tác động đến tăng trưởng vẫn rất cần những biện pháp đồng bộ.

Trong khi chỉ số cạnh tranh toàn cầu được cải thiện, vẫn còn các chỉ tiêu bộ phận có thứ hạng rất thấp. Do đó đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực hơn và cần sự tham gia và kiểm soát của xã hội.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng trưởng phải gắn với tái cơ cấu nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO