Tăng trưởng hợp lý

MINH HẰNG/DNSG Cuối tuần| 21/07/2012 03:06

Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong hệ thống ngân hàng sẽ duy trì ở mức hợp lý tương ứng với tốc độ tăng GDP của nền kinh tế.

Tăng trưởng hợp lý

Từ đầu năm đến nay, nền kinh tế nước ta bị rơi vào tình trạng suy kiệt vốn và đóng băng tín dụng, khi ngân hàng sẵn tiền thì không thể cho vay, trong khi doanh nghiệp rất thiếu tiền nhưng không thể vay hoặc không muốn vay vốn.

Đọc E-paper

Sáu tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng gần như bằng không. Tổng cầu suy giảm, tỷ lệ hàng tồn kho lớn, khiến các nhà điều hành phải tìm nhiều giải pháp để giúp đỡ doanh nghiệp. Chính sách thắt chặt tiền tệ được nới lỏng phần nào, lãi suất được điều chỉnh giảm, tăng trưởng tín dụng được khuyến khích, tất cả nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn mới.

Theo tính toán, nếu tăng trưởng tín dụng đạt 1%/tháng từ nay đến cuối năm, tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt khoảng 5% và lạm phát sẽ duy trì ở mức dưới 0,5%/tháng. Để có tốc độ tăng GDP khoảng 5,2%, mức tăng trưởng tín dụng phải ở mức 10% trong năm nay, còn muốn đạt tốc độ tăng GDP trong khoảng 5,4 - 5,6%, con số tăng trưởng tín dụng phải là 12%.

Các con số trên chỉ là dự tính, tuy nhiên có một điều chắc chắn là tốc độ tăng trưởng tín dụng luôn tỷ lệ thuận với tốc độ tăng của lạm phát. Một khi tăng trưởng tín dụng đạt mức cao nhất, chỉ số giá năm tới sẽ ở mức cao không kém gì năm ngoái. Nghĩa là vòng luẩn quẩn kinh tế suy thoái, sản xuất đình trệ, kích thích tăng trưởng, đẩy mạnh tín dụng, lạm phát trở lại… sẽ tiếp tục nếu không có những giải pháp mang tính đồng bộ, chứ không chỉ nhằm xử lý tình thế.

Có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cần điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu hoặc theo lạm phát cơ bản, nhằm hạn chế tối đa những cú sốc từ bên ngoài. Cũng như dù giảm lãi suất cho vay nhưng không nên giảm các điều kiện cho vay, đồng nghĩa với chất lượng tín dụng, nhằm tránh tình trạng nợ xấu đang gây nhiều khó khăn cho toàn hệ thống ngân hàng như hiện nay. Thời hạn 15-7 dành cho các ngân hàng để đưa các khoản vay cũ về với mức lãi suất mới dưới 15%/năm đã hết.

Dĩ nhiên không thể kỳ vọng doanh nghiệp hay cá nhân nào cũng được ngân hàng đưa vào dạng “cần làm ngay” để giảm lãi suất, nhưng dù sao một bộ phận doanh nghiệp đã, đang và sẽ giảm được gánh nặng lớn nợ nần. Và có một thực tế là ngày càng nhiều doanh nghiệp có sức khỏe tốt được tiếp cận với nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi theo chuẩn lãi suất mới. Dù tình hình chung chưa phải sáng sủa, nhưng vẫn có những tín hiệu lạc quan bước đầu.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, nếu như trong quý I, chỉ số hàng tồn kho của các doanh nghiệp ở mức cao nhất (34,9% trong tháng 3) thì đến quý II, chỉ số này đã giảm đáng kể. Dù vẫn còn ở mức cao (26% trong tháng 6), mức giảm ấy đã là tín hiệu đáng mừng, cho thấy tình hình đã được cải thiện. Rất có thể cùng với độ trễ của chính sách tài khóa, tiền tệ và nhiều giải pháp đồng bộ khác, chỉ số hàng tồn kho sẽ ngày càng xuống thấp hơn, sức mua của nền kinh tế tăng lên, sức khỏe của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế sẽ ngày càng tốt lên trong những tháng còn lại của năm nay.

Những người lạc quan còn cho rằng trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể dỡ bỏ trần lãi suất huy động để tiến tới thực hiện lãi suất theo cơ chế thị trường, bởi thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện khá tốt và vấn đề nợ xấu đã được khoanh vùng nhằm tìm cách đối phó thích hợp.

Cho dù điều đó có xảy ra hay không thì chúng ta đều hy vọng nền kinh tế sẽ sớm hồi phục, bước vào giai đoạn tăng trưởng và các chính sách ngày càng hướng tới những mục tiêu lâu dài hơn. Trước mắt, đó là tốc độ tăng trưởng tín dụng trong hệ thống ngân hàng sẽ duy trì ở mức hợp lý tương ứng với tốc độ tăng GDP của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng trưởng hợp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO