![]() |
Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ 4 nhóm giải pháp siết chặt kinh doanh tạm nhập tái xuất. Theo TS. Nguyễn Minh Hằng, Phó trưởng khoa Luật - Đại học Ngoại thương Hà Nội, việc này là cần thiết, nhưng quy định điều kiện doanh nghiệp (DN) được kinh doanh theo hướng hạn chế là vi phạm cam kết quốc tế.
E-paper
* Bộ Tài chính vừa kiến nghị Thủ tướng siết chặt đối tượng tạm nhập tái xuất (TNTX). Bà nhận định thế nào về vấn đề này?
![]() |
TS Nguyễn Minh Hằng |
- Các cam kết quốc tế đòi hỏi chúng ta phải thông thoáng hơn nữa trong chính sách, đặc biệt là chính sách xuất nhập khẩu, nhưng cái gì cũng có hai mặt. Lâu nay, DN đã lợi dụng Quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 37, Thông tư số 79/2009/TT-BTC để kéo dài thời gian nộp thuế lên đến 195 ngày, làm thủ tục TNTX hàng nhưng thực tế là đưa vào nội địa tiêu thụ.
Như vậy, dù biết DN chiếm dụng tiền thuế vẫn không thể nói phạm luật bởi thực tế họ chỉ “lách” luật. Vì vậy, việc điều chỉnh chính sách và các quy định pháp luật về TNTX theo hướng thắt chặt là cần thiết, để đưa hoạt động này về đúng bản chất.
* Cho phép TNTX hàng hóa các nước cấm trong 195 ngày. Chúng ta đang vẽ đường cho hàng cấm lách luật?
- Theo tôi, đây là lỗi từ chính sách. Nhiều quốc gia trên thế giới đều có quy định những mặt hàng cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh theo phương thức TNTX.
Hiện chúng ta chưa có những quy định như vậy và trên nguyên tắc, nếu có giấy phép, DN Việt Nam có thể thực hiện TNTX đối với cả các mặt hàng cấm nhập khẩu. Thời gian hàng tạm nhập lưu tại Việt Nam quá dài, có thể lên đến 180 ngày. Quy định này sẽ thực sự nguy hiểm trong trường hợp hàng tái xuất được phép đi qua cửa khẩu khác cửa khẩu tạm nhập (điểm c, khoản 1, Điều 37, Thông tư số 79/2009/TT-BTC).
* Một trong những yêu cầu của Bộ Tài chính là DN phải có hợp đồng tái xuất, đồng thời đảm bảo hàng nhập về sẽ xuất đi được?
- Nếu yêu cầu DN trình ra hợp đồng tái xuất, họ sẽ không khó khăn gì để có hợp đồng này. Có hợp đồng rồi, DN cũng có thể không thực hiện hợp đồng, không tái xuất. Biện pháp này có thể không đem lại hiệu quả trên thực tế, trong khi các lô hàng, các container phế thải vẫn đang tồn đọng tại các cảng ở Việt Nam.
Biện pháp triệt để hơn là nên cấm kinh doanh TNTX đối với các mặt hàng chất thải nguy hại. Ngoài ra, Bộ Công Thương nên nghiên cứu ban hành danh mục các hàng hóa cấm kinh doanh TNTX, danh mục các hàng hóa hạn chế kinh doanh TNTX, như phải có giấy phép hoặc đáp ứng điều kiện kinh doanh...
* Rút ngắn thời gian lưu trú hàng TNTX ở Việt Nam, theo bà, đã phù hợp với bối cảnh hiện nay?
- Theo Điều 12, Nghị định số 12/2006/NĐ-CP, hàng hóa TNTX được lưu lại tại Việt Nam không quá 120 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. Trường hợp cần kéo dài thời hạn, thương nhân có văn bản gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi làm thủ tục đề nghị gia hạn; thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 30 ngày và không quá 2 lần gia hạn cho mỗi lô hàng TNTX.
Như vậy, tổng cộng thời gian hàng hóa lưu lại tại Việt Nam có thể lên đến 180 ngày, khoảng thời gian quá dài. Do đó, việc rút ngắn thời gian này là cần thiết và dễ áp dụng.
Nhưng tôi không đồng tình với kiến nghị của Bộ Tài chính là phải quy định điều kiện DN được kinh doanh TNTX theo hướng hạn chế, chỉ những DN đáp ứng điều kiện về vốn, về cơ sở vật chất, tuân thủ pháp luật mới được tham gia.
Kinh doanh xuất nhập khẩu nói chung và kinh doanh TNTX là quyền của các thương nhân, nếu đặt ra những điều kiện hạn chế các quyền nói trên là chúng ta đã vi phạm các cam kết quốc tế.
Nhưng chúng ta cần có các danh mục quy định các hàng hóa cấm/hạn chế kinh doanh TNTX; danh mục các hàng hóa không được phép kinh doanh TNTX, không được phép chuyển tiêu thụ nội địa...
* Xin cảm ơn bà!