Tái cấu trúc doanh nghiệp: Ưu tiên khối doanh nghiệp ngoài nhà nước

HẢI VÂN (thực hiện)| 06/07/2011 08:41

Tái cấu trúc nền kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững sau suy giảm, theo TS. Lê Đình Ân, nên ưu tiên khối doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước.

Tái cấu trúc doanh nghiệp: Ưu tiên khối doanh nghiệp ngoài nhà nước

Tái cấu trúc nền kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững sau suy giảm, theo TS. Lê Đình Ân, nên ưu tiên khối doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước.

* Việt Nam đã có trên 25 năm đổi mới, trong đó có 10 năm thực hiện sắp xếp lại DN. Ông nhận định thế nào về nội dung này?

- Ba mục tiêu quan trọng trong tái cấu trúc nền kinh tế: Tách quản lý nhà nước ra khỏi sản xuất kinh doanh (SXKD), cổ phần hóa và tái cơ cấu lại DN.

Nhìn lại 10 năm thực hiện cổ phần hóa, tái cấu trúc DN, ta chưa làm được bao nhiêu.

Việc tách DN ra khỏi đơn vị chủ quản quá chậm. Nhà nước vẫn ôm đồm, giữ chế độ các bộ chủ quản và DN trực thuộc, nên không tạo ra được sân chơi cạnh tranh, không tạo thành động lực cho DN phát triển.

Việc cổ phần hóa càng chậm hơn, 5 tháng đầu năm 2011 gần như không làm gì, chỉ có 5 DN thực hiện cổ phần hóa.

Một chủ trương lớn, triển khai chậm, gây bức xúc cho xã hội, nhưng đến nay, vẫn chưa có đôn đốc cụ thể nào.

Vấn đề tái cơ cấu lại DN cũng rất trì trệ, dù từ 2010, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị, tập trung cải tạo, đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp.

* Để tình trạng quá độ của bao cấp lấn sang hạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường lâu như vậy phải chăng còn nguyên nhân khác?

- Đây là vấn đề lợi ích, ta chưa thể xóa bỏ các tập đoàn, các nhánh lợi ích, nên việc xử lý mối quan hệ trong nền kinh tế chưa thực sự minh bạch chứ không phải ta chấp nhận.

Nhiều người hiểu rõ nguyên nhân sự trì trệ này nhưng làm ngơ, họ không muốn mất đi quyền lợi đang có. Tuy nhiên, điều này rất nguy hiểm, nó có thể khiến một số chủ trương chính sách cấp bộ, thậm chí của Chính phủ bị DN chi phối. Vì vậy, nếu tiếp tục chậm cổ phần hóa, vốn nhà nước sẽ mất dần.

* Thoát khỏi trì trệ, theo ông, trước hết nên làm gì?

- Chúng ta cần khẩn trương cổ phần hóa, đặt mục tiêu trong 6 tháng cuối năm 2011 và 2012 phải cơ bản hoàn tất. Muốn vậy, trước hết, phải tách sản xuất kinh doanh (SXKD) ra khỏi quản lý Nhà nước để thu hồi, bảo toàn vốn Nhà nước.

Thứ hai, Nhà nước nên để DN tự chủ trong SXKD, tạo việc làm cho người lao động. Nhà nước nên tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách trong bối cảnh mới, lo các vấn đề an sinh xã hội, tạo điều kiện cho DN chủ động hơn trong SXKD. Thứ ba, tái cấu trúc lại DN một cách mạnh mẽ, tạo điều kiện cho các DN cạnh tranh lành mạnh.

Cuối cùng, cơ cấu lại vấn đề hỗ trợ, vay vốn SXKD. Lâu nay, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được ưu đãi hơn khi vay vốn, nhưng hiệu quả SXKD kém; Nhà nước cần kiên quyết xử lý những DNNN quản lý đồng vốn không hiệu quả. Thời gian tới, nếu chúng ta không làm được những việc như vậy, kinh tế sẽ không phát triển, hoặc phát triển một cách không bình thường.

* Tái cấu trúc DN là chủ trương quan trọng của Nhà nước, là nội dung trọng tâm, xuyên suốt kế hoạch 5 năm. Theo ông, nên tập trung lĩnh vực nào?

- Tái cấu trúc lại nền kinh tế, dù theo hướng nào cũng không thể đi ngược xu thế thị trường. Nhà nước không thể đồng loạt triển khai mà phải lựa chọn lĩnh vực mũi nhọn. Tôi cho rằng, có hai mũi nhọn, cần phải ưu tiên làm sớm.

Thứ nhất, tái cấu trúc DN, trong đó, ưu tiên DN ngoài nhà nước. Các loại hình DN dù là DNNN, DN cổ phần hay DN tư nhân phải được bình đẳng theo nghĩa thật của nó, bằng cơ chế chính sách, bằng thái độ ứng xử nghiêm túc của các công chức Nhà nước chứ không phải bằng lý thuyết hay văn bản.

Thứ hai, điều chỉnh cơ chế chính sách của Nhà nước để phục vụ cho ưu tiên phát triển và tái cơ cấu DN. Lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng cần phải được tái cấu trúc ngay sau đó để phục vụ cho SXKD, trước khi tái cấu trúc các lĩnh vực khác.

* Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tái cấu trúc doanh nghiệp: Ưu tiên khối doanh nghiệp ngoài nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO