Sương mù trên cao nguyên chè

ĐOÀN HUY GIAO| 15/08/2009 08:16

Hiện nay VN đứng hàng thứ năm trong danh sách 10 nước trên thế giới có diện tích trồng chè lớn nhất và đứng thứ tám về sản lượng chè xuất khẩu.

Sương mù trên cao nguyên chè

Ngài tổng thống Nam Mỹ lưu vong trên đất Pháp, nhớ quê hương với những đồn điền cà phê mênh mông trong truyện ngắn Ngài tổng thống, chúc thượng lộ bình an của G. Market, mỗi ngày nhìn vào đáy ly cà phê để tìm kiếm số phận của mình. Còn những nông dân trên cao nguyên Di Linh chẳng biết nhìn vào đáy tách trà để đoán số phận cây chè B’lao danh tiếng do chính mình trồng, cho nên phận người lẫn phận chè cứ mãi lênh đênh...

Hiện nay VN đứng hàng thứ năm trong danh sách 10 nước trên thế giới có diện tích trồng chè lớn nhất và đứng thứ tám về sản lượng chè xuất khẩu. Nhưng liệu người Việt dùng hàng Việt thôi thì có đủ để ngành trồng trọt và chế biến chè VN phát triển mạnh mẽ như nó từng có trong quá khứ? Ông Nguyễn Kim Phong, Chủ tịch Hiệp hội Chè VN nói rằng, chè Việt chưa có bảo đảm chắc chắn nào về thương hiệu, nghĩa là dù đã có bề dày tương đối trong quá khứ cũng như vị trí khá ổn định trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nhưng cho đến nay vẫn chỉ cho ra đời những sản phẩm không đồng nhất về chủng loại, mẫu mã, chất lượng và đặc biệt là thiếu hương vị riêng của từng sản phẩm.

Ảnh Huyên Phương

Đến bây giờ người Châu Mạ còn giữ tập quán phơi lá chè ngay bên đường. Còn ở buôn Naosri (xã Lộc Nga, Bảo Lộc), người Cơ Ho trồng chè trên những mảnh đất chính quyền cấp. Gầy dựng từ cây chè cho đến công đoạn làm ra trà ở buôn này không có gì đảm bảo, nếu không muốn nói là mịt mù. Anh K’Gồi, một nông dân trồng chè ở Lộc Nga nói rằng, ở vùng này, một héc ta trồng chè có thể kiếm được mỗi năm 30 triệu đồng, với điều kiện là phải trồng giống mới, và phải bán được hết cho thương lái Đài Loan. Nhưng đến lúc mọi nhà đều biết được như K’Gồi thì giá chè lại xuống rất thấp, với những lý do như chất lượng chè mỗi vườn mỗi khác, chất lượng chè mùa này không bằng mùa trước, hoặc tệ hơn nữa là nhà máy chế biến đã thu mua đủ nguyên liệu. Những vườn chè bị đốn hạ khi giá xuống nhường bớt chỗ cho cây cà phê luôn tái diễn nhiều lần, đến mức trở thành nỗi ám ảnh trong bữa ăn, giấc ngủ của người nông dân các huyện Bảo Lộc, Bảo Lâm của tỉnh Lâm Đồng.

Ở Bảo Lộc, cây chè chiếm đến 60% diện tích đất canh tác mà chủ yếu là giống Ô Long. Chè Ô Long trồng và chế biến trên đất Bảo Lộc, đem bán khắp các siêu thị thế giới với nhãn mác Đài Loan. Giá bán lẻ của mỗi ký trà Ô Long 1,5 triệu đồng, trong khi trà giống cũ chỉ 100 nghìn đồng.Trên những triền đồi Bảo Lộc, Bảo Lâm, giống trà ngoại nhập trồng nhiều trong các nông trường lớn, nhưng đầu ra cho sản phẩm do thương nhân Đài Loan thao túng. Phó Chủ tịch UBND thị xã Bảo Lộc, ông Nguyễn Văn Triệu cho biết : “Đất Bảo Lộc về mặt khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp để trồng chè Ô Long cho chất lượng tốt nhất. Người Đài Loan sang đây thuê đất trồng chè, giá thuê cao mấy họ cũng chịu. Lý do là người Đài Loan có thị trường tiêu thụ rất mạnh và rất ổn định. Chính quyền địa phương cũng thấy được điều này nhưng không dám khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng chè giống mới vì giá bán phụ thuộc hoàn toàn vào người mua”.

Tại thị xã Bảo Lộc hiện vẫn còn dấu tích con trâu đá biểu tượng của đồn điền Romville - tên của người Pháp đầu tiên đưa cây chè vào đất Lâm Đồng, năm 1927. Ai đi qua cũng vuốt ve con trâu một cái, có thể vì nó quá thân thuộc, mà cũng có thể vì thoáng nghĩ đến công của người đã khuất. Từ vị trí con trâu đá có thể bao quát một khu vực rộng lớn mấy trăm héc ta thoai thoải theo những triền đồi. Ở đó, vào những buổi sáng ngày xưa đã từng có những đoàn người nối nhau đi trong sương mù cho kịp hái những búp hoa lài, hoa sói trước khi chúng nở xoè ra vì nắng, để về ướp trà.

Thị xã Bảo Lộc khởi thuỷ là những đồn điền, sau thành thủ phủ của danh trà B’lao.Từ những năm 1930, Nha Khảo sát Đông Dương đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về cây chè để phục vụ cho các đồn điền của người Pháp, và đương nhiên là cho cả những nông dân Việt có chí canh tân trong nông nghiệp. Sau năm 1954, Bảo Lộc đón nhận thêm một đợt di dân từ phía Bắc vào lập nghiệp, mang theo cái nghiệp trồng chè và nỗi nhớ nhung trà Bắc vào theo. Dân di cư từ các trại Tân Bùi, Tân Hà, Thạch Tân đã khai hoang và lập các trang trại trồng chè rộng đến vài nghìn héc ta. Hàng chục thương hiệu trà danh tiếng trên phố cũ Bảo Lộc với những tấm bảng hiệu ám khói, những xưởng chế biến thủ công nhỏ như Quốc Thái, Đỗ Hữu, Trâm Anh, Rồng Vàng, Ngọc Trang, Thiên Thành… làm say mê những thế hệ tín đồ trà Việt.

Người thừa kế thứ hai của danh trà Quốc Thái, ông Vũ Xuân Vinh không giữ được hãng trà mà người cha Vũ Ngọc Đản gầy dựng đã hơn 80 năm. Trong thập niên 1980, sau cuộc cải tạo công thương nghiệp, các cơ sở chế biến và kinh doanh trà tư nhân hoặc biến mất, hoặc chỉ tồn tại dưới cái vỏ của những xưởng chế biến thủ công vô danh. Nhưng quá khứ không hề biến mất, ông Vinh hiện vẫn còn giữ các tài liệu chứng minh quyền sở hữu thương hiệu trà Quốc Thái của gia đình và nhiều tư liệu khác về nghề chế biến trà như ôm một kỷ niệm. Bây giờ gia đình ông vẫn sống trên đất trồng chè, nhưng để gầy dựng lại cơ nghiệp, tìm lại danh vị cho trà Bảo Lộc thì có lẽ bản thân ông Vinh không có câu trả lời, mặc dù ngày nào ông cũng tìm kiếm một cái gì đó dưới đáy tách trà mỗi buổi sáng.

Danh xưng Bảo Lộc cao nguyên chè vẫn nguyên vẹn như xưa, những nông trường liên doanh với nước ngoài làm nên bộ mặt của nền công nghiệp chè vẫn cứ liên tiếp ra đời. Hàng loạt các công ty kiểu như Hằng Sơn Điền ở thôn 3 (xã Lộc Tân, Bảo Lâm) chuyên sản xuất trà Ô Long xuất khẩu sang Đài Loan, vẫn ung dung ngày ngày đóng gói đưa trà vượt biển, đến với một nơi giá bán cao hơn gấp nhiều lần giá chè sơ chế ở VN, dưới những thương hiệu mới hoàn toàn không dính dáng gì đến danh xưng cao nguyên chè. Còn người Bảo Lộc, trong tay sở hữu một lượng đất canh tác lớn hơn, một sản lượng chè lớn hơn gấp nghìn lần những doanh nghiệp Đài Loan, thì cứ ngơ ngác để người khác quyết định số phận của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sương mù trên cao nguyên chè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO