Sử dụng lao động nước ngoài nhìn từ thủ tục hành chính

27/07/2011 03:15

Ngày 1/8/2011 tới đây Nghị định 46/2011/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP - quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam) sẽ có hiệu lực.

Sử dụng lao động nước ngoài nhìn từ thủ tục hành chính

Ngày 1/8/2011 tới đây Nghị định 46/2011/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP - quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam) sẽ có hiệu lực. Chính sách tuyển dụng, sử dụng lao động người nước ngoài mà Việt Nam theo đuổi trong nhiều năm qua không thay đổi (vẫn là lao động có trình độ, có kinh nghiệm, kỹ thuật cao) nhưng linh hoạt hơn.

Ngoài việc mở rộng phạm vi tuyển dụng lao động người nước ngoài, Nghị định 46 được ban hành với mục đích quy định cụ thể hơn về hồ sơ, thủ tục tuyển dụng và sử dụng lao động nước ngoài, rút ngắn thời hạn xử lý hồ sơ đề nghị cấp giấy phép cho phù hợp với thực tế sau ba năm thực hiện Nghị định 34, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động nước ngoài.

Một số quy định đã thoáng hơn...

Một giáo viên người nước ngoài đang dạy tiếng Anh tại một trung tâm ở TPHCM. Ảnh: MINH KHUÊ.

Thật vậy, để đảm bảo quyền bình đẳng trong tuyển dụng, sử dụng lao động giữa các thành phần kinh tế, Nghị định 46 đã mở rộng phạm vi đối tượng tuyển dụng, sử dụng lao động người nước ngoài. Nếu như trước đây chỉ những hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là những cơ sở y tế, văn hóa, thể dục thể thao mới được tuyển lao động nước ngoài thì nay bất kỳ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài đều có thể đề nghị cấp giấy phép lao động theo quy định.

Việc mở rộng phạm vi này tạo điều kiện cho cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh có thể tiếp cận lực lượng lao động có trình độ, kỹ thuật, từ đó nâng cao sức cạnh tranh, thể hiện việc thực hiện cam kết của Chính phủ trong việc tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong việc tuyển dụng lao động giữa các thành phần kinh tế.

Đồng thời đối tượng người nước ngoài thuộc diện miễn giấy phép lao động khi làm việc tại Việt Nam cũng mở rộng. Theo đó, những đối tượng được miễn giấy phép lao động, ngoài danh sách đã được liệt kê tại khoản 1 điều 9 Nghị định 34, nay được bổ sung thêm các đối tượng là trưởng văn phòng đại diện, trưởng văn phòng dự án, người nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi các ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới; thực hiện các dự án ODA hoặc hoạt động thông tin báo chí được cấp phép...

Việc miễn giấy phép lao động đối với các đối tượng này dựa trên cơ sở việc thực hiện cam kết của Việt Nam với các tổ chức quốc tế hoặc tính hợp lý trong việc tuyển dụng, sử dụng lao động. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc miễn giấy phép lao động phải gắn liền với nghĩa vụ báo cáo với cơ quan quản lý lao động địa phương.

Hơn nữa, cơ sở chứng minh năng lực, trình độ người nước ngoài cũng được quy định cụ thể hơn theo hướng linh hoạt, thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động. Theo Nghị định 34, để chứng minh năng lực trình độ người nước ngoài, người nước ngoài phải cung cấp bản sao bằng cấp có trình độ từ đại học trở lên hoặc bản xác nhận có ít nhất năm năm kinh nghiệm trong nghề nghiệp, trong điều hành sản xuất, quản lý được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận.

Quy định này trên thực tế khó thực hiện, đặc biệt là việc xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài do có những quốc gia không quy định cơ quan có thẩm quyền xác nhận kinh nghiệm làm việc cho người lao động. Điều này khiến cho thực tế trong các năm qua, cơ quan quản lý lao động các địa phương phải chấp nhận việc xác nhận kinh nghiệm làm việc bởi các doanh nghiệp.

Từ thực tế đó, Nghị định 46 cho phép sử dụng một số loại giấy tờ như giấy công nhận là nghệ nhân; giấy phép lao động, hợp đồng lao động hoặc bản xác nhận kinh nghiệm do cơ quan tổ chức, doanh nghiệp nơi người nước ngoài đã làm việc cấp và một số giấy tờ cụ thể do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp để chứng minh trình độ, năng lực người nước ngoài.

Ngoài ra, một khi người nước ngoài đã có giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, khi làm việc cho một doanh nghiệp khác, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động sẽ được đơn giản hóa, thậm chí có trường hợp chỉ cần nộp bản sao giấy phép lao động đã được cấp kèm ba tấm hình theo quy định (1) .

Với việc ban hành Nghị định 46, Chính phủ khẳng định quan điểm từng bước đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, cá nhân người nước ngoài trong việc tuyển dụng và sử dụng lao động nước ngoài. Quy trình xử lý hồ sơ đề nghị cấp phép lao động, gia hạn giấy phép lao động được rút ngắn từ 15 xuống 10 ngày đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải nỗ lực hơn trong việc xử lý hồ sơ của doanh nghiệp. Đặc biệt là sự khẳng định “trường hợp không cấp giấy phép lao động phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do” (2) như sự công khai, minh bạch và rõ ràng về quy trình xử lý của cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh việc quy định doanh nghiệp ưu tiên sử dụng lao động Việt Nam bằng việc quy định thủ tục đăng báo nhu cầu tuyển người lao động Việt Nam trước khi tuyển dụng lao động nước ngoài (3) , bằng việc ghi nhận doanh nghiệp phải ưu tiên sử dụng lao động Việt Nam thực hiện các công việc mà người lao động Việt Nam có khả năng thực hiện (4) , Nghị định 46 cũng khẳng định tiếp tục cho phép người lao động nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động được gia hạn giấy phép lao động để làm việc tại Việt Nam (5) .

... Nhưng vẫn chưa trọn vẹn!

Dù vậy, Nghị định 46 vẫn chưa giải quyết triệt để một số nội dung quy định mới, làm cho việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chưa thật sự trọn vẹn.

Thứ nhất, theo quy định tại tiết i, khoản 1 điều 9 Nghị định 34 đã được sửa đổi bổ sung tại khoản 8 điều 1 Nghị định 46, người nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, thuộc phạm vi các ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới của 11 ngành dịch vụ thì không thuộc đối tượng phải đề nghị cấp giấy phép lao động.

Khoản 18 điều 1 Nghị định 46 quy định Bộ Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn căn cứ, trình tự, thủ tục để xác định đối tượng là người nước ngoài di chuyển nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi các ngành dịch vụ này. Điều này có thể hiểu rằng để được xác định là đối tương không thuộc diện cấp giấy phép lao động, người nước ngoài di chuyển nội bộ này có thể phải được xác nhận bằng một thủ tục khác do Bộ Công Thương hướng dẫn. Việc đơn giản hóa một thủ tục này sẽ được thực hiện bằng một thủ tục khác mà đến nay, chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa Nghị định 46 có hiệu lực thi hành, thủ tục đó vẫn chưa được hướng dẫn.

Thứ hai, về thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự các giấy tờ, tài liệu do nước ngoài cấp để sử dụng ở Việt Nam, Nghị định 34 quy định rõ “giấy tờ quy định trong bộ hồ sơ do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp... phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam”. Tuy nhiên, Nghị định 46 không ghi nhận nội dung này. Sự “im lặng” trong Nghị định 46 về nội dung này có thể dẫn đến hai cách hiểu: (1) thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự không còn cần thiết; hoặc (2) thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự vẫn phải thực hiện theo quy định chung mà không cần ghi nhận trong nội dung nghị định do tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật.

Tuy Pháp lệnh lãnh sự năm 2009 đã hết hiệu lực thi hành thay bằng Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, nhưng Thông tư 01/1999/TT-NG căn cứ vào pháp lệnh này để hướng dẫn thi hành các quy định về thủ tục hợp pháp hóa giấy tờ, tài liệu vẫn còn tiếp tục được thi hành. Theo đó “giấy tờ, tài liệu của nước ngoài trước khi sử dụng ở Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác” (6) .

Như vậy, theo quy định này, chỉ khi pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, ký kết có quy định khác, giấy tờ, tài liệu do nước ngoài cấp mới không phải hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định. Cho nên, trong sự thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam, sự im lặng trong Nghị định 46 về việc hợp pháp hóa các giấy tờ, tài liệu không đương nhiên được xem như việc bãi bỏ thủ tục này. Và trên thực tế, nếu không hợp pháp hóa lãnh sự các giấy tờ này, một số nội dung công việc thực hiện tại phòng tư pháp quận, huyện liên quan đến công chứng, chứng thực đối với các giấy tờ này cũng không thực hiện được. Doanh nghiệp vẫn phải tiến hành hợp pháp hóa lãnh sự các giấy tờ, tài liệu do nước ngoài cấp theo quy định.

Doanh nghiệp đã thấy sự nỗ lực của Chính phủ trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và cũng mong muốn nhìn thấy hành động tương tự của các bộ, ngành quản lý.

TS. Hồ Xuân Dũng

_________________________________________________

(1) Điểm b, khoản 3, điều 9, Nghị định 34/2008/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 46/2011/NĐ-CP.
(2) Điểm b, khoản 5, điều 9, Nghị định 34/2008/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 46/2011/NĐ-CP.
(3) Điểm a, khoản 4, điều 4, Nghị định 34/2008/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 46/2011/NĐ-CP.
(4) Khoản 1 điều 6a, Nghị định 46/2011/NĐ-CP.
(5) Trước đây có một số nguồn thông tin cho rằng Chính phủ không tiếp tục cho gia hạn giấy phép lao động.
(6) Điểm 3, mục I Thông tư 01/1999/TT-NG ngày 3-6-1999 của Bộ Ngoại giao quy định về thủ tục hợp pháp hóa giấy tờ, tài liệu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sử dụng lao động nước ngoài nhìn từ thủ tục hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO