Sẽ không thấy cơ hội mới, nếu...

22/02/2010 09:04

TS Nguyễn Đức Thành - giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách ĐH Kinh tế cho rằng nếu các doanh nghiệp không cải tổ thì sau khủng hoảng họ sẽ không thấy cơ hội mới nào.

Sẽ không thấy cơ hội mới, nếu...

Bàn về cơ hội làm ăn năm nay, TS Nguyễn Đức Thành - giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho rằng nếu các doanh nghiệp không cải tổ thì sau khủng hoảng họ sẽ không thấy cơ hội mới nào.

Nếu các doanh nghiệp không cải tổ thì sau khủng hoảng họ sẽ không thấy cơ hội mới nào...

GS.TS Nguyễn Mại, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, xác định cơ hội của Việt Nam phụ thuộc vào việc tái cơ cấu, cải cách. Còn ông Don Lam - tổng giám đốc VinaCapital Group - hi vọng các nhà đầu tư vẫn nhìn Việt Nam là một địa chỉ đầu tư tốt trên thế giới.

VN đã qua giai đoạn khó khăn nhất của suy giảm kinh tế. Đầu năm trao đổi về cơ hội làm ăn năm 2010 với TS Nguyễn Đức Thành - giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội).

* Theo ông, những cơ hội chính trong năm 2010 của VN là gì?

TS Nguyễn Đức Thành - Ảnh: Cù Zap

- Mỗi cơn khủng hoảng kéo đến là một đợt các nền kinh tế, không cần ai bảo, phải tự cải tổ để vươn lên. Đặc biệt, sau khủng hoảng thường có những cuộc chọn lọc rất rõ của nguồn vốn và các nguồn lực phát triển. Trong những nỗ lực vươn lên của các quốc gia, lẽ thường có những quốc gia vươn lên được và có những nước thất bại nặng nề.

Ngay tại Đông Nam Á, đã có 2-3 quốc gia không thành công, tăng trưởng chậm, thậm chí gặp bất ổn. Lần này nói một cách khoa học, khách quan, VN sẽ bất lợi trong việc vươn lên sau khủng hoảng vì chúng ta đã để những bất ổn vĩ mô xảy ra trước cả khủng hoảng thế giới và nay chúng ta cũng chưa cải cách gì nhiều trong khu vực doanh nghiệp.

Nếu các doanh nghiệp không cải tổ thì sau khủng hoảng, họ sẽ không thấy cơ hội mới nào mà chỉ là những cơ hội bình thường quay trở lại. Thách thức sẽ ngày càng nhiều lên cho những người không thật sự hành động vì cả thế giới đang thay đổi để tự tạo ra nhiều cơ hội hơn cho mình.

* Điều chúng ta cần lưu ý là khi thế giới ra khỏi khủng hoảng thì VN lại tiếp tục phải chống lạm phát cao, giảm nhập siêu, giải quyết vấn đề tỉ giá...

- Đúng. Nó như một vòng tròn. Muốn tăng trưởng phải có đầu tư và VN đã đầu tư nhà nước khá nhiều. Đầu tư, tung tiền ra dễ gây lạm phát. Mà để lạm phát, đồng tiền mất giá 20%/năm thì tỉ giá phải thay đổi 5% là bình thường, chúng ta lại phải chạy theo điều chỉnh. Lạm phát khiến tiền mất giá thì nhiều người “tích cốc phòng cơ” bằng USD và bất động sản. Hai mặt hàng này tăng thì hàng nhập khẩu đắt hơn, người dân khó tiếp cận đất hơn, vốn ít đổ vào sản xuất mà đổ vào bất động sản nhiều hơn...

* Ta đã nói nhiều đến nâng chất lượng tăng trưởng. Vậy nền kinh tế VN hiện đã phát triển bền vững chưa?

- Nếu tăng trưởng kinh tế cao nhưng lạm phát thấp thì chất lượng cuộc sống của người giàu và người nghèo đều tăng. Nếu tăng trưởng kéo theo lạm phát cao, nhất là lên tới 20%, khó có thể nói là bền vững, người có thu nhập thấp với khoản tích cóp ít ỏi sẽ chịu thiệt thòi lớn nhất. Họ dành dụm 50 triệu đồng cách đây năm năm đủ cho con học đại học và lo nghề cho con nhưng nay không đủ nữa.

Thế là họ gặp khó khăn. Hệ quả của những bất ổn vĩ mô là những cái rất bình thường nhưng khắc nghiệt đó, nó xuất hiện nhiều trong đời thường nhưng ít người dân có thể truy vấn nguyên nhân. Nếu để tăng trưởng gây ô nhiễm, giáo dục y tế cứ bất cập thì họ có rất ít cơ hội. Lạm phát không tăng cao hơn mức tăng trưởng mới có lợi cho khu vực dân cư có thu nhập thấp, họ sẽ không bị nghèo đi.

* Theo ông, cần làm gì để năm 2010 và các năm sau sẽ bớt khó hơn?

- Năm 2010, theo tôi, VN chỉ cần làm tốt hai việc. Thứ nhất là kiên quyết tái lập các cân đối vĩ mô để tạo tiền đề cho các năm sau mà thước đo quan trọng là mức lạm phát thấp trong năm nay và thấp hơn trong các năm tới. Lạm phát đã làm xói mòn lòng tin vào đồng tiền Việt. Chúng ta vẫn phải làm từng bước vì đã như hiện nay rồi, nếu buộc lạm phát xuống thấp ngay sẽ cần chi phí xã hội rất đắt đỏ mà đợt thắt chặt tiền tệ cách đây hơn một năm là ví dụ còn quá tươi mới với các doanh nghiệp.

Ổn định được vĩ mô thì việc tiếp theo mới là tái cấu trúc nền kinh tế vì đây là việc không thể làm trong vài tháng, một năm, trong sự ổn định sẽ dễ nhìn thấy những vấn đề, bản chất của nền kinh tế, tránh tái cấu trúc lệch hướng. Song bất cứ khi nào bình ổn vĩ mô và tái cấu trúc thì phải xác định trước là cần hi sinh tốc độ tăng trưởng “đẹp”. Sẽ rất khó tin một kết quả có tính giải quyết dứt điểm nếu vừa làm cái này lại vừa làm cái kia.

* Thành công năm 2010 sẽ phụ thuộc sự nỗ lực của doanh nghiệp là chính vì nguồn lực nhà nước có hạn. Theo ông, doanh nghiệp đang cần gì?

- Kỳ vọng của con người bao giờ cũng là sự thay đổi tốt đẹp hơn. Để tạo điều kiện mọi sự tốt đẹp có thể thực thi thì thói xấu công sở, sự quen và lặng thinh trước tham nhũng, trước thói xấu của công bộc cũng phải thay đổi. Cái này liên quan đến tinh thần pháp luật. Tại sao người VN ra nước ngoài rất tuân thủ luật giao thông nhưng về VN thì lại đi theo ý muốn? Điều này nằm ở sự nghiêm minh.

Cần tránh kiểu nói vậy nhưng không phải vậy, tránh làm luật, điều hành theo tính “chiến thuật”, để người khác phải lách. Như nói chỉ có một lãi suất có đúng không khi doanh nghiệp nói đang có hai lãi suất: một theo quy định và một các ngân hàng thực cho vay, hay chuyện hai tỉ giá... Có doanh nghiệp nói chợ đen đã vào đến tận ngân hàng. Năm mới, nói thật, doanh nghiệp không cần giúp gì nhiều, chỉ cần làm sao để họ vận chuyển hàng không phải làm luật, đi làm thủ tục không phải lo phong bì... đã quá tốt rồi.

* GS.TS Nguyễn Mại (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài):

GS Nguyễn Mại - Ảnh tư liệu

Cơ hội để trổ tài

Năm 2010, khi mức tăng trưởng được Quốc hội đề ra thấp hơn so với các năm trước, chỉ khoảng 6,5% trong khi tổng đầu tư xã hội vẫn ở mức 41% GDP, thách thức lớn nhất với điều hành và cuộc sống người dân sẽ vẫn là đầu tư nóng và tái lạm phát cao.

Thách thức thứ hai, giữa kiềm chế tín dụng như thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói ở mức 25% và tăng trưởng năm 2010 sẽ khó vì như thế vốn sẽ bị hạn chế và lãi suất đã ở mức khá cao rồi, doanh nghiệp sẽ phải vay vốn đắt đỏ hơn. Vấn đề tỉ giá cũng gây khó khăn.

Từ năm 2009 đến nay VN đã phá giá tiền đồng gần 20%, nhưng hiện vẫn có hai tỉ giá. Nếu không có chính sách nhất quán về tỉ giá hối đoái mà cứ làm nhất thời, thi thoảng có một cú sốc thì sẽ khó khăn chung cho tất cả.

Qua khủng hoảng, tất cả các nước đều phải tái cơ cấu và cơ hội của VN sẽ nằm nhiều trong tái cơ cấu, cải cách. Tôi cho rằng chúng ta tăng trưởng nhưng chưa làm cho mình giàu đến mức cần thiết. Lý do bởi ta cơ cấu không kịp thời nên hiệu quả thấp. Khoa học công nghệ của VN nếu không có thay đổi cơ bản thì không thể có tăng trưởng chất lượng cao. Nếu không có thay đổi về đào tạo để có nhân lực cao mà chỉ tận dụng lao động giá rẻ thì khó giàu được.

Thứ ba là cải cách thể chế. Vào WTO chúng ta mong cải cách thể chế một cách căn bản. Không chỉ cải cách hành chính mà phải rộng hơn. Năm 2010 sẽ là năm nhiều thách thức và nhiều cơ hội cho các nhà quản lý trổ tài để biến thách thức thành cơ hội của dân, cho doanh nghiệp.

* Ông Don Lam (tổng giám đốc VinaCapital Group):

Chúng tôi sẽ lập quỹ đầu tư thứ hai

Ông Don Lam - Ảnh tư liệu

Tôi tin nhân viên của tôi sẽ bận rộn hơn trong tất cả các lĩnh vực so với hai năm qua bởi chúng tôi nhìn thấy nhiều tín hiệu lạc quan. Những công ty nhỏ và vừa có sản phẩm, ý tưởng tốt không phải lúc nào cũng có công cụ quản lý đúng và nhạy bén kinh doanh để phát triển hơn. Chúng tôi sẽ sát cánh bên họ để cùng tăng sức mạnh.

Các nhà quản lý quỹ cũng đều nhìn thấy cơ hội lớn trong năm nay. Thị trường nhà ở sẽ lành mạnh hơn, sẽ ít hoạt động đầu cơ hơn.

Kinh tế toàn cầu có dấu hiệu được cải thiện và chúng tôi hi vọng nhà đầu tư sẽ tiếp tục nhìn VN là một trong những địa chỉ đầu tư tốt trên thế giới.

Trong năm nay VinaCapital sẽ lập quỹ đầu tư bất động sản thứ hai ở VN. Nhìn bề ngoài quỹ đầu tư không niêm yết này không khác mấy so với quỹ đầu tiên, nhưng điểm khác biệt của quỹ thứ hai này là nhà đầu tư với tư cách đối tác tư nhân giới hạn có thể tiếp cận được những thông tin lớn hơn để quyết định đầu tư so với quỹ niêm yết. Quỹ đầu tư mới này cũng sẽ tập trung vào lĩnh vực bất động sản bán lẻ và nhà ở nhưng sẽ tìm kiếm những dự án có khả năng thu hồi vốn nhanh hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sẽ không thấy cơ hội mới, nếu...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO