Săn ảnh voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà

Nguyễn Trọng Chức| 25/08/2019 06:00

Người giữ vai hướng đạo cho tôi và họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi lên Sơn Trà tìm voọc là nhà văn - nhà báo Vĩnh Quyền, tác giả của những bức ảnh chụp voọc có lẽ là xuất sắc nhất mà tôi được anh cho xem những lần đến thành phố bên sông Hàn.

Săn ảnh voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà

Ngoài ảnh voọc, Vĩnh Quyền còn ghi được những ảnh chụp chim rừng các loại cũng khiến tôi mê mẩn, ngạc nhiên hết sức vì tài nghệ trong lĩnh vực mới mẻ này của anh. Xem ảnh Vĩnh Quyền chụp voọc, chụp chim rừng, một nhà thơ bạn tôi sinh sống ở Đà Nẵng cảm khái bảo rằng “chụp ảnh như mệ (từ người Huế gọi người nam hay nữ thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn) Quyền thì bọn mình nên... bỏ máy ông à”.

Hẹn giờ chính xác chiều hôm trước, sáng sớm hôm sau Vĩnh Quyền đón chúng tôi để dẫn đường lên Sơn Trà: “Muốn thấy được voọc, ghi hình chúng thì phải đi sớm, tầm khoảng 6 giờ đến rồi ở tới 9 giờ; đó là lúc voọc đi ăn, sau thời gian đó nắng lên cao chúng rút hết”, anh nói. Nhưng theo anh, muốn săn được ảnh voọc còn nhờ duyên may, có người đi năm lần bảy lượt không tìm được bầy nào. Và phải kiên nhẫn nữa. Có những ngày Vĩnh Quyền cũng như nhiều tay máy nhà nghề khác bám Sơn Trà từ sáng sớm đến tận chiều hôm để “rình” chúng, máy ảnh với ống kính tê-lê “khủng” luôn sẵn sàng bấm liên tục để mong có được bức ảnh ưng ý.

3-1712-1566624770.jpg
6-5693-1566624770.jpg

Những chú voọc lấp ló phía sau hàng cây 

Là người “ăn dầm nằm dề” với Sơn Trà, với voọc và chim rừng, Vĩnh Quyền biết rõ nhũng nơi voọc thường xuất hiện, bụi cây nào chúng thường ngồi, đám lá nào, thứ quả nào chúng thường ăn. Xe ô tô nhỏ chở chúng tôi lên núi trên con đường bê-tông, ngoằn ngoèo, vòng vèo, chạy trước là chiếc mô-tô phân khối lớn của Vĩnh Quyền hướng đạo. Bất chợt anh ra hiệu ngừng, tấp xe vào lề phải là vách núi cũng là rừng cây xanh ngút mắt. Chúng tôi lặng lẽ rời xe, theo chân anh đến lề bên trái, bên dưới là vực sâu dẫn xuống biển nhưng cũng rậm rạp cây xanh cùng dây leo các loại chằng chịt. Và rồi nghe rõ những tiếng động trên các tán cây không xa trước mặt: Ô kìa, một bé voọc xinh xinh ngồi vắt vẻo trên cành lá, đôi mắt mở to nhìn chúng tôi.

Đã chuẩn bị sẵn máy với ống kính chụp xa mà tay tôi bỗng lóng ngóng bởi quá bất ngờ vì lần đầu tiên trong đời được trực diện với sinh vật đã được ghi trong Sách Đỏ. Bấm máy và bấm máy liên tục. Rồi bé voọc quay lưng, luồn vào cành lá nhưng trước đó tôi còn kịp thấy một dáng voọc to với cái đuôi dài phía trước bé. Hóa ra, đó là voọc mẹ mà sau đó Vĩnh Quyền giải thích: “Thường thì những con voọc non chưa biết e ngại người, chúng tò mò, dạn dĩ nhìn mình trước khi mẹ chúng kịp lôi chúng đi; voọc lớn thì luôn cảnh giác trước bọn “con người”, không mấy khi nhìn chằm chằm mình như thế”.

5-7998-1566624770.jpg

Một chú voọc bẽn lẽn

Cứ thế, theo sau mô-tô của chàng lãng tử Vĩnh Quyền trong trang phục đi rừng, nai nịt gọn ghẽ với bộ đồ nghề của dân nhiếp ảnh chuyên nghiệp, chúng tôi đi đến nhiều điểm khác của ngọn Sơn Trà, có lúc thấy được voọc, chụp vội được hình ảnh chúng từ khá xa; có lúc chỉ thấy những tán cây xao động cho biết sự có mặt của voọc nhưng không tài nào bấm máy vì lá rừng che khuất. Thời may, dù máy ảnh mang theo tầm thường, tay nghề chỉ ở mức trung bình nhưng tôi cũng kịp ghi được vài bức ảnh voọc xem ra cũng đăng báo được. Tiếc là đã không mang theo bộ máy khá hơn vì ngại xách nặng đường xa.

Nắng lên cao, không còn cơ may tìm thấy voọc chưa kể trên bầu trời có cánh đại bàng đang chao liệng tìm mồi nên lũ voọc và khỉ (Sơn Trà cũng rất nhiều khỉ) báo động cho bầy trốn biệt. Trước khi tạm biệt Sơn Trà, chúng tôi còn được Vĩnh Quyền dẫn đường xuống một con dốc khá xa, ở đó trời và biển và rừng xanh ôm choàng lấy nhau thành một bức tranh thiên nhiên kỳ thú! Đẹp quá Sơn Trà! Đẹp quá những con voọc chà vá chân nâu.

Voọc chà vá chân nâu là loài có màu sắc rực rỡ nhất trong các loài linh trưởng. Chúng được biết mệnh danh là “nữ hoàng linh trưởng” cũng bởi vẻ ngoài xinh đẹp và độc đáo. Từ đầu gối đến mắt cá chân của voọc chà vá chân nâu giống như “đôi tất dài màu nâu đỏ”, cẳng tay trước của chúng như được phủ một lớp găng trắng. Bàn tay và đôi chân lại có màu đen. Voọc chà vá chân nâu có vành râu quai nón màu trắng và thường ở con đực sẽ rậm rạp hơn. Đuôi dài màu trắng và có cụm lông trắng ở phía cuối. Phần bụng và lưng có màu xám. Bộ lông trên cơ thể là tổng hợp hài hòa của năm màu đen, xám, trắng, nâu đỏ, cam nên còn được gọi là voọc ngũ sắc.

Voọc chà vá chân nâu là loài khỉ ăn lá đặc hữu của vùng Đông Dương, chủ yếu phân bố ở Việt Nam, Lào và một phần nhỏ ở Đông Bắc Campuchia. Chúng là động vật được xếp hạng nguy cấp (EN) trong Sách Đỏ Thế giới IUCN và EN; nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam cũng như trong danh sách bị cấm buôn bán toàn cầu của CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp). Hiện chưa có đánh giá toàn bộ số lượng cá thể của loài này ở cả ba nước Đông Dương và trên cả nước Việt Nam. Tại Sơn Trà, nơi tập trung một số lượng lớn voọc chà vá chân nâu có thể quan sát dễ dàng ngoài tự nhiên, nghiên cứu mới nhất của trung tâm GreenViet (2017) xác nhận ở đây có quần thể voọc chà vá chân nâu lớn nhất được ghi nhận từ trước tới nay với số lượng là khoảng 1.300 cá thể. Ngoài ra, có một quần thể lớn voọc chà vá chân nâu đang sinh sống tại vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

(Theo tư liệu Wikipedia)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Săn ảnh voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO