“S.O.S Năm Hò”

ÁNH DƯƠNG| 06/07/2009 02:30

Ra khơi lúc biển động, sóng dữ chỉ với con thuyền 20 mã lực thì quả là liều mạng. Nhưng Năm Hò đã hàng trăm lần thách thức biển cả và đánh đổi tính mạng của mình để cứu người khác.

“S.O.S Năm Hò”

Ra khơi lúc biển động, sóng dữ chỉ với con thuyền 20 mã lực thì quả là liều mạng. Nhưng Năm Hò đã hàng trăm lần thách thức biển cả và đánh đổi tính mạng của mình để cứu người khác. Vì thế, rất nhiều người dân nơi đây gọi anh là “ân nhân cứu mạng”, hay “người sinh ra họ lần thứ hai”...

Đảo Cù Lao Chàm nhìn từ phía biển

Trên chuyến tàu ra thăm đảo Cù Lao Chàm sau ngày hòn đảo này được Ủy ban Điều phối Quốc tế chương trình sinh quyển và con người (MAB) của UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển Thế giới, chúng tôi được nghe nhiều người nhắc đến cái tên Năm Hò như một “truyền thuyết về cứu người” nơi đây.

Năm Hò cứu hộ

“Tui gần như đã chết rồi, nhưng hôm nay còn sống ở đây là nhờ ơn cứu mạng của anh Năm Hò”, ông Nguyễn Thanh Quốc (ở thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp, đảo Cù Lao Chàm) mở đầu câu chuyện. Rồi ông kể tiếp: “Lần ấy, vào một buổi chiều cuối năm, sau khi ăn tất niên xong, tui thấy đau bụng râm ran.

Mọi người trong nhà tưởng do ngộ độc thức ăn hay chỉ bị bệnh nhẹ thôi. Do chủ quan nên tôi không đi khám. Đến tối thì bị những cơn đau thắt, quằn quại hành hạ. Khi được đưa lên trạm xá, bác sĩ chẩn đoán bệnh nặng rồi và yêu cầu gia đình chuyển viện gấp. Tui bất tỉnh từ lúc đó”. Hơn 11 giờ đêm. Biển động, gió cấp 8, cấp 9. Nhiều tàu lớn, công suất cao cũng không dám mò ra biển. Thế nhưng, vừa nghe tin có người cần được cứu giúp, Năm Hò vội vã cùng con thuyền chưa tới 20 mã lực của mình lao ra biển khơi.

Sau hơn ba tiếng đồng hồ vượt trên 20 hải lý, chống chọi với cuồng phong, vật lộn với từng cơn sóng dữ, Năm Hò cập âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng), kịp thời đưa tôi đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

Hướng ánh mắt đăm chiêu về phía biển, ông Quốc thở phào và kể tiếp: “Sau này khi tỉnh dậy, hỏi bác sĩ mới biết tui bị thủng dạ dày, phân đã tràn ra ngoài lộn với mỡ ruột già. Bác sĩ nói nếu không đưa vào cấp cứu kịp thời thì tui chết rồi. Tui sống được tới giờ là nhờ anh Năm Hò đó”.

Năm Hò và vợ chuẩn bị ra khơi

Chuyện Năm Hò cứu mạng anh Nguyễn Văn Đến (42 tuổi) cũng ly kỳ không kém. Anh Đến là thủy thủ tàu hàng hải chạy tuyến Hải Phòng - TP.HCM. Anh kể: “Lần đó, tôi đang trên đường vào cảng TP.HCM thì gặp sóng to, gió lớn, không thể đi được nên phải vào vịnh đảo Cù Lao Chàm để trú ẩn. Khi con tàu còn cách đảo khoảng 15 hải lý, tôi thấy bụng mình hơi đau, nên uống một viên thuốc giảm đau để có đủ sức đưa tàu vào vịnh an toàn.

Đến hai giờ sáng thì đau quằn quại. Khi không còn chịu nổi nữa, tôi báo cho thuyền trưởng. May mắn thay, gặp lúc tàu biên phòng tuần tra ngang qua, thuyền trưởng nhờ chuyển tôi lên trạm xá của đảo Cù Lao Chàm để khám. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị đau ruột thừa. Nhưng điện và dụng cụ mổ trên đảo không có, trong lúc đó biển lại nổi sóng to, gió lớn.

Thật bất ngờ, có một người xung phong nổ máy thuyền đưa tôi vào Hội An cấp cứu. Đi được nửa đường, do sóng đánh quá mạnh nên ruột tôi bị vỡ, tôi bất tỉnh. Khi tỉnh lại mới biết mình còn sống và được biết người cứu mạng mình chính là anh Năm Hò. Anh ấy đã sinh ra tôi lần thứ hai”.

Đó là hai trong số hàng chục chuyện kể về việc cứu người của anh Năm Hò. Trong gần ba năm trở lại đây, anh đã chở trên 33 ca bệnh hiểm nghèo, vào đất liền cấp cứu kịp thời. Trong đó có 7 ca là thủy thủ, 13 ca là ngư dân đi biển, còn lại là người dân trên đảo.

Cứu một mạng người hơn xây bảy lầu tháp

Khi chúng tôi hỏi: “Tại sao anh lại làm những việc khác người như vậy?”. Năm Hò cho biết: “Chẳng có gì là khác người cả. Đơn giản vì tui cũng là một con người”. Nói rồi anh dịu giọng: “Tui nghĩ ai có khả năng thì nên giúp người khác, bất kể giúp như thế nào. Thấy người sắp chết mà không cứu thì đâu phải là con người”. Năm Hò nói vui: “Chắc ông trời ban cho tui số mệnh này để giúp người, nên từ bấy đến nay toàn gặp chuyện cứu người”.

Như bao gia đình khác sống trên đảo, quanh năm chỉ thấy biển khơi, cuộc sống của anh Năm Hò cũng chật vật, nghèo khó. Cả nhà có tám miệng ăn, những ngày biển động không ra khơi đánh cá được, gia đình lại thiếu ăn. Nhưng dẫu khó khăn đến đâu, “nghiệp cứu người” vẫn thôi thúc Năm Hò làm việc thiện. Anh tâm sự: “Nhiều lúc thấy người khác cận kề cái chết, mình cứ làm liều, đẩy thuyền ra khơi, chứ thực ra cũng lo lắm, lỡ có chuyện gì...”.

Lâu dần cũng quen và có kinh nghiệm ứng phó với sóng to, gió lớn. Vì thế, với những ca bệnh xảy ra trên đảo lúc biển động dữ dội, Năm Hò nghĩ chỉ có mình mới đảm nhận được việc đưa người bệnh đi cấp cứu. “Nếu không có kinh nghiệm thì không những không cứu được người bệnh, mà mình còn bỏ xác ngoài biển khơi”, Năm Hò chỉ trả lời như vậy khi có người cứ muốn hỏi vì sao anh lại sẵn sàng “liều mình” để cứu người.

Anh Lê Trạng ở thôn Bãi Hương tâm sự: “Nếu không có Năm Hò thì sẽ có rất nhiều người dân trên hòn đảo này mắc bệnh hiểm nghèo phải chết vì không được đưa đi cấp cứu kịp thời. Anh ấy chính là người hùng trên đảo của chúng tôi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“S.O.S Năm Hò”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO