Rào cản hấp thụ dòng vốn từ AEC

31/12/2015 04:00

Các nhà đầu tư nước ngoài, các ngân hàng nước ngoài cũng còn nhiều cân nhắc khi lựa chọn Việt Nam là điểm đến để đầu tư, nhất là trước những rủi ro tín dụng, nợ xấu, sự chậm chạp trong đổi mới và tái cơ cấu nền kinh tế.

Rào cản hấp thụ dòng vốn từ AEC

Đã đến thời điểm chính thức thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam sẽ tiếp tục đón nhận nhiều luồng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, cùng với đó là nguồn tài chính, tín dụng từ các chương trình, dự án phát triển của cộng đồng thế giới.

Tuy nhiên, Việt Nam có khả năng hấp thụ nguồn vốn đó hay không, nhất là trong điều kiện năng lực sản xuất, điều hành và quản trị của khối doanh nghiệp hiện còn nhiều hạn chế. Cùng với đó, ở thời điểm này, ngành ngân hàng cũng đang trong cảnh “ứ” vốn và phải áp dụng rất nhiều biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho vay.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài, các ngân hàng nước ngoài còn nhiều cân nhắc khi lựa chọn Việt Nam là điểm đến để đầu tư, nhất là trước những rủi ro tín dụng, nợ xấu, sự chậm chạp trong đổi mới và tái cơ cấu nền kinh tế.

* Thưa ông, sau khi AEC được thành lập, các cam kết về tự do lưu chuyển dòng vốn sẽ mở ra những cơ hội gì và tác động như thế nào tới nền kinh tế Việt Nam?

- Khi gia nhập vào một thị trường chung, một cơ sở sản xuất chung với các nước trong khu vực mà ta sẽ gọi là Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Việt Nam sẽ phải mở cửa để tạo điều kiện cho sự lưu chuyển dòng vốn giữa các quốc gia thành viên.

Bên cạnh việc có thể thu hút được rất, rất nhiều nguồn tín dụng từ đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam còn có thể nhận được các dòng vốn thanh toán từ quan hệ mậu dịch thương mại như buôn bán, xuất nhập khẩu, dịch vụ du lịch...

Như vậy, chính thức sẽ có ba dòng vốn là tín dụng đầu tư, tín dụng cho vay và tín dụng thanh toán được lưu chuyển qua lại giữa các nước AEC; trong đó có Việt Nam.

Viễn cảnh này đương nhiên sẽ tác động tích cực tới mọi hoạt động kinh tế, tài chính của toàn xã hội. Cả Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân sẽ đều được hưởng lợi. Trong đó có thể là việc tăng cường đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; các hoạt động trao đổi thương mại ngoại thương sẽ dễ dàng và thuận lợi nhiều hơn. Người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn về các sản phẩm tài chính liên quan tới ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán...

Tuy nhiên, được thụ hưởng lợi ích từ những dòng vốn ấy chỉ mới là mong muốn, còn hiện thực hóa mong muốn ấy lại là việc khác và phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhất là cần tự thẩm định, đánh giá khả năng hấp thụ dòng vốn của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

* Nói vậy là ông còn quan ngại về năng lực hấp thụ các nguồn tài chính của Việt Nam?

- Thẳng thắn mà nói thì các nhà đầu tư nước ngoài, các ngân hàng nước ngoài cũng còn nhiều cân nhắc khi lựa chọn Việt Nam là điểm đến để đầu tư, nhất là trước những rủi ro tín dụng, nợ xấu, sự chậm chạp trong đổi mới và tái cơ cấu nền kinh tế.

Tôi còn nhớ, câu chuyện của Mexico nhiều năm trước, khi phải đối mặt và “sự ra đi vội vã” của các luồng vốn đầu tư nước ngoài, do nền kinh tế không đủ sức hấp thụ nguồn tín dụng chiếm tới một nửa tổng đầu tư nước ngoài đổ vào Mỹ Latinh. Cùng với đó là sự mất giá của đồng peso và một lượng lớn USD đã bị rút ra khỏi quốc gia này vì các nhà đầu tư lo ngại về sự bền vững của nền kinh tế khi Chính phủ phá giá đồng peso và đổi các khoản nợ định danh bằng đồng peso sang đồng USD.

Hậu quả là nền kinh tế Mexico rơi vào khủng hoảng thực sự, thậm chí là lan nhanh và ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế các nước Mỹ Latinh khác.

Kịch bản ấy sẽ không có ngoại lệ với bất kỳ quốc gia nào. Nên để tránh nó xảy ra với mình, các nước trong AEC mà đặc biệt là Việt Nam cần phải chuẩn bị những biện pháp phòng vệ. Thể chế kinh tế cần phải thay đổi để phù hợp với các nước AEC và để tránh có sự khác biệt dễ dẫn tới những rủi ro đáng tiếc. Quan trọng nhất là tránh việc tạo khoảng cách do Việt Nam chưa thực sự có một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa.

Có thể so với Lào, Campuchia và Myanmar dù là nước nhỏ song lại có sự tương đồng với Việt Nam. Nhưng nếu nhìn sang Thái Lan, Singapore, Malaysia khi họ đã thực sự đi vào nền kinh tế thị trường thì mới thấy rõ sự khác biệt với chúng ta. Chính sự khác biệt về thể chế kinh tế thị trường sẽ là rào cản hạn chế khả năng hấp thụ dòng vốn và các nguồn tài chính.

* Vậy nó sẽ tác động với kinh tế trong nước ra sao thưa ông?

- Lâu nay, chúng ta kiên định chính sách quản lý ngoại hối. Tỷ giá ngoại tệ được quản và kiểm trong khung quy định của Ngân hàng Nhà nước. Khi dòng vốn được tự do lưu chuyển, đương nhiên sẽ chịu tác động bởi chính sách quản lý ngoại hối.

Vừa phải đối phó với áp lực do biến động tỷ giá ngoại hối, vừa phải thực hiện chính sách giữ ổn định tiền Việt Nam đồng, đương nhiên, ngành ngân hàng sẽ khó có sự chủ động. Và các dòng tín dụng từ đầu tư, từ các hoạt động thương mại, thanh toán có thể phải đối diện với nhiều biến động.

* Để thích ứng với tình hình này, ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp cần xử trí thế nào thưa ông?

- Tôi cho rằng, sau khi có AEC, các ngân hàng thương mại Việt Nam có thể được tự do cung cấp dịch vụ tín dụng, tài chính cho người dân, cho doanh nghiệp ở trong và ngoài nước thuộc phạm vi nội khối ASEAN. Hoặc có thể mở rộng hoạt động ở các nước thành viên AEC một cách dễ dàng, tự do và thông thoáng hơn và ngược lại.

Cạnh tranh trong ngành ngân hàng sẽ gia tăng và gây sức ép lớn khi các ngân hàng thương mại Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ, vốn ít, thiếu những sản phẩm hiện đại, năng lực quản trị lại kém nên khả năng bị xâm chiếm thị phần trong nước sẽ rất cao.

Tuy nhiên, theo quan sát thì Việt Nam chưa phải là thị trường “béo bở” cho các ngân hàng trong khu vực. Bởi thu nhập bình quân của người Việt Nam chưa cao, loanh quanh ở mức 2.000 USD/năm. Các ngân hàng nước ngoài cũng rất dè dặt trong việc cho vay đối với doanh nghiệp Việt Nam bởi e ngại những rủi ro về nợ xấu.

Thời điểm này, các ngân hàng cần đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, đổi mới và hiện đại hóa thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ gia tăng tiện ích cho khách hàng; nghiên cứu và giới thiệu tới thị trường nhiều sản phẩm phái sinh trong mua bán ngoại tệ kỳ hạn vừa tạo sự linh hoạt cho thị trường giao dịch ngoại hối, vừa đảm bảo quyền lợi và củng cố niềm tin của khách hàng.

* Cảm ơn ông!

>Vốn nước ngoài sẽ chảy mạnh vào chứng khoán

>Vốn nước ngoài tiếp tục vào mạnh

>M&A 2015: Bùng nổ dòng vốn ngoại?

>Vì sao Phú Quốc "hút" mạnh dòng vốn đầu tư?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rào cản hấp thụ dòng vốn từ AEC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO