Quy định "xe chính chủ": "Đánh" hành vi trốn thuế

12/11/2012 00:06

Không ai phản đối việc sang tên đổi chủ, song phải làm sao thuận lợi cho dân", Viện trưởng Nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo trao đổi với báo chí sáng 12/11 về quy định phạt xe không chính chủ.

Quy định

"Không ai phản đối việc sang tên đổi chủ, song phải làm sao thuận lợi cho dân", Viện trưởng Nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo trao đổi với báo chí sáng 12/11 về quy định phạt xe không chính chủ.

Ông Đinh Xuân Thảo

* Ông nghĩ sao về quy định xử phạt xe không chính chủ theo Nghị định 71?

- Quy định pháp luật là phương tiện phải có đăng ký chính chủ. Trước đây chúng ta buông lỏng quản lý nên bây giờ phải chấn chỉnh. Trên thế giới, khi phương tiện gây ra tai nạn hoặc đậu sai chỗ, cảnh sát không cần gặp chủ mà tự dán giấy phạt và chủ tự đi nộp phạt. Họ làm vậy vì xe chính chủ.

Ở nước ta, xe bán lòng vòng qua nhiều chủ nên cơ quan công quyền không áp dụng biện pháp này được. Nghị định 71 là đúng, chủ trương đã có từ lâu rồi, vấn đề là ta không tuyên truyền, quán triệt để mọi người có nhận thức đúng.

Tuy nhiên, trong nghị định 71 có quy định mâu thuẫn với văn bản khác. Chính phủ có nghị định cho phép người dân được hợp đồng ủy quyền, hai người mua bán xe chỉ cần ra phòng công chứng, quy định này vẫn đang có hiệu lực. Bây giờ nghị định 71 lại cho rằng hành vi như vậy là vi phạm, sẽ bị phạt 6-10 triệu đồng.

Tôi được biết Ủy ban An toàn giao thông đã kiến nghị với Chính phủ để cảnh sát giao thông tạm ngừng thực thi việc này, như vậy là đúng. Chính phủ nên quy định rõ tạm dừng 6 tháng hay một năm và yêu cầu người đang sử dụng xe không chính chủ phải chuyển đổi, sau thời gian đó sẽ xử lý nghiêm.

* Ông nghĩ sao khi cảnh sát giao thông yêu cầu người dân phải chứng minh nếu họ sử dụng xe mượn?

- Quy định này đánh vào hành vi trốn thuế chứ không đánh vào người tham gia giao thông trên đường. Cái này không rõ ràng thì mới gây phản ứng, vì trên thế giới có ai cấm người ta mượn xe.

Nếu đúng người đi xe là người nhận chuyển nhượng mà không sang tên thì việc phạt là đúng. Phải có biện pháp kiểm soát trên đầu phương tiện, có thể trách nhiệm này không thuộc vào cảnh sát giao thông.

Cảnh sát giao thông kiểm tra trên đường chỉ là một cơ hội, một căn cứ để tìm ra vi phạm của chủ phương tiện. Mấy vị cảnh sát nói người đi xe không có vi phạm gì, song phải chứng minh là xe đi mượn.

Nếu như vậy sẽ gây bất ổn trong xã hội, mỗi lần người ta mượn xe phải có công chứng, hay phải mang theo hộ khẩu. Làm không khéo thì có gia đình vốn có một ôtô, họ sẽ lại mua tới 4 xe nếu có điều kiện, như thế sẽ làm tăng đột biến xe cá nhân.

* Ông có thể đề xuất một số biện pháp kiểm tra xe không chính chủ, nếu không sử dụng cảnh sát giao thông?

- Phải có nhiều biện pháp như thông qua đăng ký đăng kiểm, tổng rà soát phương tiện, khi mua bảo hiểm, đăng kiểm định kỳ phải đối chiếu chính chủ... Bây giờ chúng ta vẫn còn nương nhẹ với chủ phương tiện khi đăng kiểm.

Nguyên tắc khi làm đền bù nếu xảy ra tai nạn thì chủ cũ phải đến làm, nếu chủ cũ đã bán xe rồi thì mấy ai đến. Song quy định hiện nay thì chỉ cần ủy quyền của chủ cũ thì cơ quan bảo hiểm cũng giải quyết, như vậy là không hợp lý.

Việc đăng kiểm xe cũng cần có yêu cầu chủ sở hữu đến làm thủ tục, không thể có anh nào bán rồi mà năm nào cũng phải đi đăng kiểm, họ sẽ phải làm thủ tục sang tên đầy đủ.

* Với xe đã mua bán qua nhiều chủ thì làm thế nào để hợp thức hóa?

- Công an có thể xác minh từ giấy ủy quyền công chứng để bắt buộc xe đó đi làm thủ tục sang tên. Chủ cũ của phương tiện cũng phải chịu trách nhiệm sang tên, có thể anh chỉ nộp ít tiền thuế thu nhập, nếu anh không làm thì phải quy vào việc trốn thuế.

Giống như trường hợp nhà đất trước đây, nhiều nhà nguồn gốc không rõ ràng, không tranh chấp thì được hợp thức hóa.

* Ông nghĩ sao về mức phí trước bạ khi sang tên ôtô cũ?

- Mức phí trước bạ hiện nay còn cao. Trước đây, phí trước bạ và chuyển nhượng nhà rất đắt nên người mua và người bán đều trốn tránh, họ thông đồng hạ giá xuống khiến nhà nước thất thu.

Bây giờ giá chuyển nhượng đã hạ xuống nên không gây nặng nề cho dân. Mục đích là để quản lý chứ không phải phạt.

Tương tự, nếu 100 người đến đăng ký đổi tên, mỗi xe thu 1 đồng thì nhà nước sẽ thu được 100 đồng còn hơn đưa ra giá cao mà chỉ thu được vài người đến. Cách đăng ký của các cơ quan hiện nay cũng rất phức tạp, công chứng, nộp tiền, rất mất thời gian nên dân ta ngại.

* Theo ông việc thực thi điều khoản phạt xe không chính chủ theo nghị định 71 cần rút kinh nghiệm như thế nào?

- Rút kinh nghiệm trong việc ban hành văn bản pháp luật. Các văn bản liên quan đến số đông người dân thì phải thận trọng, không ai phản đối việc sang tên đổi chủ song cần phải có cách làm thế nào để thuận lợi cho dân.

Chính phủ nên có quy định chính thức tạm dừng, hay hoãn điều khoản đó trong thời gian bao lâu, trong thời gian đó đề nghị xe chưa chính chủ phải chuyển đổi. Từ nay trở đi các giao dịch mua bán phải sang tên. Sau đó sẽ áp dụng phạt cả chủ mới và chủ cũ của phương tiện chưa chuyển chủ.

* Gia đình ông đang sử dụng xe sở hữu như thế nào?

- Ôtô của gia đình tôi mua lại của người khác nhưng có hợp đồng công chứng theo quy định, có nộp tiền thuế. Tôi có quyền thay mặt chủ đó giao dịch dân sự như bán, vay ngân hàng...

Nếu có quy định và gia hạn thời gian, tôi sẵn sàng đi chuyển chủ đúng tên mình để tránh phiền phức. Công an cũng có thể đến các phòng công chứng lấy hồ sơ sẽ biết hết những xe nào đã chuyển nhượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quy định "xe chính chủ": "Đánh" hành vi trốn thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO