Quốc doanh có nên đóng vai trò chủ đạo?

LÊ VĂN TỨ| 17/11/2010 08:53

Nhiều người đã phát biểu ý kiến không tán thành luận điểm quốc doanh “giữ vai trò chủ đạo” trong nền kinh tế như ghi trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XI, vì nó chỉ phù hợp với thời kỳ cải tạo nền kinh tế nhiều thành phần thành nền kinh tế XHCN, trong đó quốc doanh giữ vai trò chủ đạo, tư doanh và cá thể bị xoá bỏ.

Quốc doanh có nên đóng vai trò chủ đạo?

Nói về quốc doanh là nói về lực lượng kinh tế của Nhà nước, tức là của toàn dân. Xuất phát từ cương vị như thế, không nên đặt quốc doanh ngang hàng và cạnh tranh với ngoài quốc doanh, mà phải đặt nó vào vị trí phục vụ lợi ích chung của toàn bộ nền kinh tế.

1. Nhiều người đã phát biểu ý kiến không tán thành luận điểm quốc doanh “giữ vai trò chủ đạo” trong nền kinh tế như ghi trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XI, vì nó chỉ phù hợp với thời kỳ cải tạo nền kinh tế nhiều thành phần thành nền kinh tế XHCN, trong đó quốc doanh giữ vai trò chủ đạo, tư doanh và cá thể bị xoá bỏ.

Nông trường quốc doanh chè Quyết Thắng, tỉnh Quảng Nam

Thực ra luận điểm này đã mất hết nghĩa ngay từ đầu thập kỷ 1960 ở miền Bắc, đầu thập kỷ 1980 ở miền Nam, khi nền kinh tế đã công hữu hóa, quốc doanh hầu như đã một mình một chợ, không còn đối thủ cạnh tranh (*).

Ngày nay, khi nền kinh tế đã có nhiều thành phần, luận điểm này không những lỗi thời, mà còn mâu thuẫn với các luận điểm khác trong đường lối xây dựng kinh tế. Thật vậy, làm sao giải thích cho thỏa đáng khi nói mọi thành phần kinh tế đều quan trọng, đều bình đẳng, đều cùng hợp tác và cạnh tranh, mà lại có một thành phần đóng vai trò chủ đạo!

2. Một số người không chấp nhận luận điểm nói trên với lý do hiệu quả kinh tế của kinh tế quốc doanh quá thấp, do đó không đủ khả năng, thậm chí không đủ tư cách đảm trách vai trò chủ đạo. So với tình hình thực tế, lý do này không sai, song kết luận lại thiếu sức thuyết phục.

Ở nước ta, chưa có một công trình nào nghiên cứu về những nguyên nhân khiến cho hiệu quả của quốc doanh luôn thấp hơn các thành phần khác, qua đó chứng minh rằng hiệu quả thấp là đặc điểm vốn có của quốc doanh.

Lịch sử kinh tế thế giới cho thấy: các nước tư bản đạt được trình độ phát triển cao như hiện nay đều phải trải qua chặng đường dài hàng trăm năm tích tụ và tập trung sản xuất, cơ giới hóa và hiện đại hóa nền kinh tế.

Kinh tế quốc doanh nước ta cũng có những thế mạnh tương tự (mức độ tập trung cao, quy mô lớn, trình độ trang bị kỹ thuật và nhân lực cao hơn, lại có cả sự yểm trợ của Nhà nước), nhưng về mặt hiệu quả vì sao lại thua ngoài quốc doanh? Câu hỏi này chưa có ai giải đáp.

Người ta thường chỉ nói rằng đó là do Nhà nước ưu ái quốc doanh quá mức nên hóa hư, lãng phí nhiều, tham nhũng lắm, ỷ thế độc quyền và ỷ lại vào Nhà nước. Nhìn bề ngoài, nhận xét này cũng không hẳn sai, nhưng chưa có ai chứng minh rõ ràng rằng nếu xóa được mấy điều đó, hiệu quả của kinh tế quốc doanh sẽ không còn thấp nữa.

3. Luận bàn về vai trò chủ đạo của quốc doanh thực chất là bàn về nội hàm khái niệm này. Phải nói rằng cho đến nay vẫn chưa có một văn bản chính thức nào minh định nội hàm “vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh”. Cho nên ý kiến về vấn đề này cũng không thống nhất.

Nhiều người hiểu xóa bỏ vai trò chủ đạo đồng nghĩa với việc xác lập bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, các cơ quan nhà nước không được phân biệt đối xử theo thành phần kinh tế nữa. Nhiều người khác lại hiểu đây là vấn đề xác định lại vai trò của kinh tế quốc doanh. Xét từ yêu cầu định hướng phát triển từng thành phần kinh tế, rất cần xác định vai trò của mỗi thành phần.

Dự thảo cương lĩnh 2011 đã đi theo hướng này khi đề cập tới “vai trò động lực” của kinh tế tư doanh. Vấn đề đặt ra ở đây là quốc doanh đóng vai trò gì, nếu nó không có vai trò chủ đạo?

Trả lời câu hỏi này, có lẽ nên học cách tư duy của Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII) khi ông xếp hạng sĩ, nông, công, thương không theo hàng dọc cao thấp khác nhau, mà theo hàng ngang căn cứ vào tầm quan trọng khác nhau của mỗi nghề: “phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng”.

Trong nền kinh tế nhiều thành phần, xác định vai trò của mỗi thành phần là nhấn mạnh tầm quan trọng riêng có của từng thành phần kinh tế.

Nói về quốc doanh là nói về lực lượng kinh tế của Nhà nước, tức là của toàn dân. Xuất phát từ cương vị như thế, không nên đặt quốc doanh ngang hàng và cạnh tranh với ngoài quốc doanh, mà phải đặt nó vào vị trí phục vụ lợi ích chung của toàn bộ nền kinh tế.

Tư duy này rất mới so với tư duy “chủ đạo” hiện nay, có thể ví như chuyển từ tư duy “cai trị” sang tư duy “phục vụ” trong cải cách hành chính.

Để đóng được vai trò này, quốc doanh phải đảm nhiệm những lĩnh vực quan trọng nhất đối với sự phát triển trong những trường hợp lực lượng ngoài quốc doanh không đủ sức làm hoặc không muốn làm.

Những lĩnh vực mà các thành phần khác làm được, làm tốt, quốc doanh nên nhường sân, chuyển sang những lĩnh vực cần thiết khác nhưng chưa ai làm hoặc làm không nổi và đang hy vọng vào lực lượng kinh tế của Nhà nước.

Ai cũng thấy điện lực đang là một khâu yếu. Cắt điện đồng nghĩa với giảm sản lượng, tăng chi phí sản xuất, giảm chất lượng cuộc sống. Với vai trò của mình, quốc doanh có khả năng xử lý khâu yếu này không? Lâu nay hình như ta khoán trắng cho Tập đoàn Điện lực.

Còn Tập đoàn Điện lực cũng bị hút vào những vòng xoáy “cạnh tranh”, “đa ngành”, không tập trung toàn lực vào ngành chính của mình. Đặc điểm kinh tế quốc doanh là tập trung, là quy mô lớn, lại hiện vẫn còn mác “chủ đạo” nữa, nhưng dường như vẫn cứ như là 12 sứ quân! Muốn chấm dứt cát cứ, rất cần một Bộ Tư lệnh kinh tế quốc doanh.

Cương lĩnh 2011 cần xác định lại vai trò này của quốc doanh và biện pháp thực hiện. Thay vì “chủ đạo” với nghĩa nặng về đòi hỏi ưu đãi, nên sử dụng một từ ngữ khác với nghĩa nặng về phục vụ, về tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, các vùng, các thành phần phát triển (Ví dụ: hướng dẫn, dọn đường... hoặc một từ ngữ khác sát nghĩa hơn).

Cần khẳng định rằng quốc doanh, và nói chung là Nhà nước, không có lợi ích riêng, mà lấy lợi ích của toàn dân làm lợi ích của mình. Đó là sự thống nhất trong thực tế mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”.

(*) Thời đó ngoài kinh tế quốc doanh còn có thành phần kinh tế tập thể hình thành từ phong trào tập thể hóa nông nghiệp và thủ công nghiệp, song thành phần này chỉ đóng vai trò bổ trợ cho quốc doanh, trong đó sử dụng nhiều tư liệu sản xuất quan trọng thuộc sở hữu nhà nước (đất đai, trạm máy nông nghiệp, hệ thống nông giang).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quốc doanh có nên đóng vai trò chủ đạo?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO