Quê nhà Tướng Giáp

NGÔ MINH| 21/08/2009 00:37

Vào dịp lễ 30/4, 2/9, Tết Nguyên đán hay sinh nhật Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911) đường về quê Đại tướng đông hẳn lên. Hỏi ai cũng trả lời rất thân mật: “Đi thăm nhà Tướng Giáp”...

Quê nhà Tướng Giáp

Vào dịp lễ 30/4, 2/9, Tết Nguyên đán hay sinh nhật Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911) đường về quê Đại tướng đông hẳn lên. Hỏi ai cũng trả lời rất thân mật: “Đi thăm nhà Tướng Giáp”.

Trong Nam, ngoài Bắc, cứ theo quốc lộ 1A, đến ngã ba Cam Liên, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, rẽ lên 3km là đến sông Kiến Giang, đi thêm 5km dọc bờ sông là đến An Xá, làng quê của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ đường lớn dọc bờ sông, đi vào “trôổng” (tiếng địa phương, có nghĩa là hẻm) khoảng 50 mét là đến nhà Đại tướng. Nói là hẻm nhưng đường rộng, ô tô con đi được. An Xá trước đây là tên xã, làng của Đại tướng là làng Thá. Nay An Xá là một làng thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy.

Sông Kiến Giang ngày hội đua thuyền- Ảnh: Hoàng An

Nơi Đại tướng sinh ra là ngôi nhà rường ba gian, lợp ngói, có thêm một chái tranh. Phía trái ngôi nhà rường là nhà bếp, tường xây, lợp tranh. Cạnh nhà có một khoảnh đất khoảng một sào Trung bộ dùng để trồng trọt. Phía sau là cánh đồng Lệ Thủy mênh mông, vựa lúa của tỉnh Quảng Bình. Sân nhà khá rông, lát gạch, có cây vú sữa cổ thụ, có nhiều hoa mai và cây cảnh.

Trông coi ngôi nhà là ông Võ Đại Hàm, cán bộ về hưu, là cháu gọi Đại tướng bằng ông. Ông Hàm cho biết, năm 1947, ngôi nhà của gia đình Đại tướng bị lính Pháp đổ một phuy xăng đốt trụi. Sau đó gia đình làm nhà tạm để ở. Mãi đến năm 1977, UBND huyện Lệ Thủy mới phục chế lại. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về thăm ngôi nhà tuổi thơ của mình nhiều lần, ra bến ngắm sông quê, rồi lên đò vốc một vốc nước sông Kiến Giang rửa mặt.

Tháng 4/2002, khi đã 90 tuổi, Đại tướng lại về thăm nhà. Ông bâng khuâng nhìn ngôi nhà, rồi bảo rằng “Tuy chưa giống hoàn toàn, nhưng ngôi nhà làm tôi rất nhớ ngôi nhà tuổi thơ ở nơi đây!”.

Ông Hàm dẫn chúng tôi vào nhà. Gian chính giữa nhà là bàn thờ. Phía trên cùng thờ ảnh hai cụ thân sinh của Đại tướng: Cụ Võ Quang Nghiêm và cụ Trần Thị Kiên. Phía dưới thờ ảnh bà Nguyễn Thị Minh Thái (em ruột của nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai), phu nhân trước của Đại tướng; và ảnh vợ chồng ông Võ Thuần Nho (ông Nho là em ruột Đại tướng, từng làm thứ trưởng Bộ Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Phía ngoài bàn thờ là bàn tiếp khách. Gian bên cạnh là nơi ngủ.

Theo lời kể của ông Hàm thì cụ Nguyễn Quang Nghiêm là một nhà nho có uy tín nhất vùng, nhưng nhiều lần thi Hương ở Kinh Đô Huế cho tới khóa Mậu Ngọ (1918), vẫn không đỗ, về làng dạy học, bốc thuốc Nam chữa bệnh cho bà con nghèo trong huyện và làm ruộng. Dân làng thường mời ông làm chủ tế mỗi khi có việc làng. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thì ông bị Pháp bắt đưa vào giam ở lao Thừa Phủ, Huế, bị tra tấn, hy sinh trong lao tù năm 1947. Năm 1979, con cháu cụ mới tìm được mộ và đưa về cải táng tại nghĩa trang huyện tại Mai Thủy, cách nhà khoảng 12km. Còn mộ ông bà nội Đại tướng (cụ Võ Quang Nguyên và cụ Bùi Thị Gái) thì chôn cất tận đầu nguồn sông Kiến Giang, dưới chân núi An Mã, phải đi đò ngược sông cả ngày mới tới được.

Ông bà Võ Quang Nghiêm sinh được 7 người con, Võ Nguyên Giáp là con thứ năm. Chúng tôi tò mò: “Tại sao cha là Võ Quang Nghiêm, con lại là Võ Nguyên Giáp, Võ Thuần Nho?”. Ông Võ Đại Hàm cho biết: “Họ Võ chúng tôi là một đại gia tộc ở An Xá. Rằm tháng Ba là chạp mả phái, 20 tháng 6 âm lịch chạp mả họ. Họ gốc là Võ Tự. Ví dụ còn nhiều sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam như Võ Tự Thanh, Võ Tự Hạ, Võ Tự Thức. Nhưng riêng gia đình cụ Võ Quang Nghiêm thì đặt chữ lót tên con mỗi đứa một khác. Có lẽ cụ hay chữ nên muốn đặt tên và chữ lót cho con theo ý nguyện riêng của mình”.

Bà con làng An Xá kể rằng, mỗi lần Tướng Giáp về thăm quê đều lên nghĩa trang Mai Thủy thắp hương mộ cha và mộ các liệt sĩ, lên chùa An Xá dâng hương, rồi gặp gỡ trò chuyện cùng các lão làng, thăm hỏi các cháu thiếu nhi, nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong xã. Các cụ, các cựu chiến binh, thầy giáo xã Lộc Thủy có rất nhiều thơ tặng Đại tướng. Họ làm thơ rồi in bằng máy vi tính thành tập “Tình quê” gần trăm bài của hơn 70 tác giả gửi ra Hà Nội biếu Đại tướng, trong đó có thơ của nhiều cụ 80 đến 90 tuổi. Năm 2002, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Bình cũng xuất bản một tập thơ mừng thọ Đại tướng 90 tuổi tên là “Cánh chim bằng”. Đó là tấm lòng người quê hương đối với Đại tướng.

Tôi nghĩ, giá mà những tập thơ đó, hay những di vật liên quan đến tuổi thơ của Đại tướng, những bức ảnh, những cuốn sách của Đại tướng và những cuốn sách viết về Đại tướng của rất nhiều tác giả trong và ngoài nước được ngành văn hóa tỉnh, huyện sưu tầm, sao chép, phục chế lại để lưu niệm tại ngôi nhà đã sinh ra Đại tướng ở An Xá này, thì quý biết nhường nào! Cán bộ, chiến sĩ, đồng bào trong Nam ngoài Bắc đến đây không những thăm ngôi nhà mà còn được xem những hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng. Làm được như vậy, ngôi nhà sẽ trở thành Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trở thành một bảo tàng, một địa chỉ hành hương về vị Đại tướng từng góp phần quyết định đánh thắng hai thế lực xâm lược hung bạo, giải phóng đất nước, thu giang sơn về một mối.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quê nhà Tướng Giáp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO