Quan trọng nhất là đánh giá trạng thái thị trường

HẢI VÂN thực hiện| 31/07/2013 08:08

Trong chưa đầy một tháng, tỷ giá, lương và xăng dầu đều tăng. TS Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả, nói: "Đằng sau mỗi một quyết định tăng giá đấy là những yếu tố khác".

Quan trọng nhất là đánh giá trạng thái thị trường

Trong chưa đầy một tháng, tỷ giá, lương và xăng dầu đều tăng. TS Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả, nói: "Đằng sau mỗi một quyết định tăng giá đấy là những yếu tố khác".

Đọc E-paper

* Tỷ giá, lương và xăng dầu tăng từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 7. Ông nhận định thế nào về đợt điều chỉnh này?

- Nhìn có vẻ dồn dập nhưng thực ra không phải vậy. Tăng tỷ giá, xăng dầu và lương đã có độ giãn nhất định.

Thứ nhất, tăng tỷ giá hối đoái vào ngày 28/6. Sau một năm rưỡi giữ tỷ giá hối đoái ổn định, cũng đã đến lúc phải tăng, cố duy trì là không cần thiết.

Thứ hai, tăng lương. Thực ra, có thể tăng lương từ hồi 1/5 nhưng bài toán đặt ra không phải là tính toán đến lạm phát mà là lấy tiền đâu để tăng lương khi thu ngân sách giảm. Thực tế, quyết định là vậy nhưng chưa có tiền thật nên có thể phải sang tháng 8, thậm chí tháng 9 mới được lĩnh lương mới.

Thứ ba, tăng giá xăng dầu. Chuyện xăng dầu liên quan đến giá thế giới và cách thức tăng giá. Bây giờ người ta điều chỉnh tăng nhỏ giọt 400 đồng/lít chứ không tăng một lúc 1.000-.500 đồng/lít nữa.

* Doanh nghiệp và người dân đang lo ngại giá cả sẽ tăng cao, vậy còn ông?

- Đằng sau mỗi một quyết định tăng giá là những yếu tố khác. Một là, phải đánh giá được tình hình, tức là phân tích trạng thái theo kiểu cốc nước chẳng hạn. Cái kiểu điều chỉnh nhỏ giọt ấy, chẳng hạn với xăng dầu, đừng nghĩ là hay.

Nếu cốc đang vơi, nhỏ giọt là tốt, nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu cốc đã đầy mà vẫn tiếp tục rót thêm. Nó có thể tạo ra hiệu ứng khác ngay cả khi chỉ tăng 200 - 300 đồng/lít. Khi đó, giá cả sẽ tăng, lạm phát sẽ tăng, bất chấp xăng dầu có tăng giá hay không.

Hai là, cộng hưởng của các yếu tố khi dồn dập tăng giá thì không phải là 2+2 = 4 mà tính chất cộng hưởng của nó có thể là 2+2 = 8. Lúc đấy, nó sẽ rơi vào trạng thái, có thể lạm phát của 2013 cũng sẽ vẫn không quá cao nhưng cái quan trọng là nó sẽ tạo ra một cái hiệu ứng cộng hưởng mà lúc đó, quan trọng nhất là không kiểm soát được lạm phát nữa.

Đặc biệt, nếu dồn vào tháng 8, 9, hai tháng chịu tác động của giá xăng và giá dịch vụ giáo dục, y tế mà dội thêm giá điện, rất có khả năng nó cộng hưởng, tạo ra hiệu ứng tăng giá rất mạnh. Như vậy, quý IV rất khó đưa chỉ số giá xuống thấp hơn nữa.

Tỷ giá có thể tiếp tục được điều chỉnh với việc hầu hết các ngân hàng đang duy trì ở sát trần và áp lực trên thị trường tự do khá lớn, song, với mức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tuyên bố thì hiệu ứng của tỷ giá sẽ không lớn.

Nhưng áp lực từ nay đến cuối năm chủ yếu liên quan đến chuyện tiền lương. Tăng 100 ngàn đồng là lương cơ sở, nhưng thực tế đều lĩnh theo hệ số, nên mức tăng ít nhất cũng phải 300 - 400 ngàn đồng/người.

Một yếu tố nữa, người ta đang hô hào chính sách kích cầu, chi đầu tư. Đầu tư ở đây có thể là đầu tư công hoặc cũng có thể là kênh cung vốn cho doanh nghiệp thông qua tín dụng của hệ thống khi mà nới lỏng các điều kiện về tín dụng song tất cả các biện pháp đấy đều gây ra lạm phát cho năm 2014.

* Những yếu tố này, theo ông sẽ tác động thế nào lên lạm phát?

- Khả năng giữ được lạm phát 7% cho năm 2013 là rất lớn. Trong chừng mực nhất định, lạm phát thấp như bây giờ cũng không hẳn do kiểm soát được, nhưng ít nhất là thấy được rằng, cái gì làm cho lạm phát bùng nổ và cái gì có thể giữ được lạm phát.

Khi tạo ra hiệu ứng cộng hưởng, lạm phát sẽ thoát khỏi cái sự kiểm soát và không ai có thể biết được nó sẽ đi về đâu. Đấy là cái phải thận trọng trong nửa cuối của năm 2013, còn về mặt con số không có gì phải e ngại về chuyện lạm phát tăng trở lại trong năm nay.

* Cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quan trọng nhất là đánh giá trạng thái thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO