Phong cách sống "mì ăn liền" với smartphone

HỒNG BÍCH| 01/02/2015 06:22

Mới tuần lễ thứ hai của năm 2015, nghe được thông tin nhà đầu tư Thái Lan PowerBuy (thuộc Tập đoàn Central Group) chính thức sở hữu 49% cổ phần của Công ty Thương mại Nguyễn Kim.

Phong cách sống

Mới tuần lễ thứ hai của năm 2015, nghe được thông tin nhà đầu tư Thái Lan PowerBuy (thuộc Tập đoàn Central Group) chính thức sở hữu 49% cổ phần của Công ty Thương mại Nguyễn Kim.

Đọc E-paper

Chuyện các nhà đầu tư nước ngoài mua bán và sáp nhập các thương hiệu trong nước đã trở nên bình thường sau nhiều thương vụ thành công. Chỉ người ngoài cuộc và những người mong mỏi có những thương hiệu Việt được xây dựng vững mạnh sẽ mãi ở lại với người Việt là thấy tiếc nuối, lo lắng.

Dường như những gì tốt nhất đang bị bán đi, hoặc bắt buộc phải bán, bởi hành trình đối với một nhà quản trị cụ thể đến đó là giới hạn, cần phải thay nguồn trí lực, cần bơm vốn để đi tiếp. Nhưng rất nhiều người tiếc các thương hiệu như Phở 24 hay Nguyễn Kim bởi có rất ít thương hiệu "thuần Việt" được tạo dựng và phát triển lớn mạnh như vậy.

Tư duy thương trường uốn mình theo guồng xoáy đó là cần thiết, nó không hề mang bản chất "mì ăn liền" như nhiều người đánh giá về tư duy của người trẻ hôm nay. Kết thúc năm 2014, thị trường điện thoại thông minh Việt Nam cán đích hơn 1 tỷ đô la, trong đó 96% nhập từ Trung Quốc.

Các nhà đầu tư Thái Lan liên tục đổ bộ mua các thương hiệu lớn đang hoạt động tại Việt Nam. Mặc dù Chính phủ đưa ra các tín hiệu có tăng trưởng, nhưng các doanh nghiệp vẫn cảm thấy khó khăn, áp lực mới xuất hiện khắp nơi. Và nếu những người trẻ không nghĩ khác, làm khác, chỉ biết hoảng sợ và thất vọng thì rất khó.

Tìm trong các tin tức không vui một lực đẩy là điều khó, nhưng phải làm. Hơn 1 tỷ đô la dùng mua sắm smartphone, năm 2013 đã vậy, năm 2014 cũng thế, và chắc chắn những năm sau lại tiếp tục như vậy, dẫu xót ruột vì ngoại tệ chảy ra nước ngoài, nhưng chắc chắn 1 tỷ đô la cũng phải đóng góp được điều gì đó cho kinh tế và xã hội! Nếu không ngăn được mọi người sử dụng (tạm gọi là hoang phí) smartphone, thì nền giáo dục, văn hóa và kinh tế có gì để cung ứng vào màn hình đó, biến một sự đã rồi thành phương tiện hữu ích?

Ở đây chỉ xem xét mặt tích cực nhất của 1 tỷ đô la dùng mua smartphone. Với sự phát triển của công nghệ thông tin và cải tiến cấu hình của các nhà sản xuất điện thoại, smartphone đã đẩy nhanh tốc độ sống, tiếp nhận thông tin, thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Với một chiếc phablet từ 5 - 6inch có cấu hình mạnh, có thể quản lý tiến độ một dự án, một công ty, một tờ báo... Những cuộc tranh luận khoa học có thể diễn ra công khai, trực tiếp trên khắp thế giới, chứ không phải ngồi chờ người viết bài, đăng lên và phản bác mất hàng năm.

Như ngày xưa từng xảy ra cuộc bút chiến giữa hai nhà văn Hải Triều và Thiếu Sơn, tiếp theo là nhà phê bình Hoài Thanh về "Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh" mất đến hàng năm mà không thuyết phục được chấp nhận quan điểm.

Nếu cuộc bút chiến ấy xảy ra với sự hỗ trợ của smartphone như ngày nay, chắc chắn sẽ có hàng nghìn ý kiến tham gia, có lẽ các ông ấy cũng biết độc giả nghĩ gì về những quan điểm ấy, có đồng tình không, có chịu để các ông dẫn dắt tư tưởng không, và cuộc tranh luận có lẽ sẽ ngắn hơn hàng trăm lần.

Nói lại chuyện cũ để thấy rằng, với công nghệ thông tin, điện toán đám mây, tốc độ sống, làm việc nhanh lên hàng vạn lần. Với Viber, Zalo hay các tiện ích của Facebook cung cấp, người ta có thể ngồi nhà xem thực tế, tham khảo xu hướng thị trường và dư luận, quyết định mua một căn nhà vài triệu đô la, chứ không mất đến hàng tháng trời đi máy bay lui tới. Nếu tận dụng được thế mạnh ấy, liệu có ai bảo 1 tỷ đô la kia là hoang phí.

Thế nhưng, cũng chính công nghệ thông tin đã đẩy tư duy người trẻ vào thế "mì ăn liền". Có những bạn trẻ hiếu thắng đã chọn sống chung với "Google", khi cần có thể thao thao khoe kiến thức lấy từ Wikipedia, từ các tác phẩm văn học cổ điển phương Tây đến kiến trúc, và GDP của nước này nước khác.

Nhiều người không chịu học hỏi theo hệ thống vì cho rằng lúc cần có thể tham khảo thông tin ở khắp nơi. Chưa kể đến hiện trạng phát triển trên 20 triệu Facebooker ở Việt Nam, mỗi ngày bao nhiêu thời gian bị "đốt" khi sa đà trong mê hồn trận của phong trào "tự sướng" hình ảnh cá nhân.

Những 3G, Wi-Fi góp thêm cho cuộc sống với mạng ảo mọi nơi mọi lúc, nếu sử dụng hữu ích thì gặt hái bao thành quả, còn nếu để giải trí và đốt thời gian thì quả thật đáng tiếc.

Nên lo một thế hệ trẻ bị trói chặt vào màn hình smartphone và để cuộc sống trôi qua trong vô ích, hơn là lo 1 tỷ đô la bị coi là hoang phí. Nên lo chúng ta sẽ gặt hái một thế hệ phong cách "mì ăn liền" trong tương lai!

>"Quên" tiết kiệm
>"Vá lỗi" tâm hồn thị dân
>
Hãy tiêu dùng thông minh và nhân văn
>Học gì từ người Nhật?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phong cách sống "mì ăn liền" với smartphone
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO