Phẩm giá đô thị

HỒNG BÍCH| 09/08/2015 06:31

Những cái tốt đẹp của người thành phố có đủ làm nên phẩm giá một thành phố?

Phẩm giá đô thị

Mấy hôm nay dư luận thành phố Đà Nẵng ồn ào vì một chuyện nhỏ: nhãn hiệu bia Larue được cấp phép dựng mô hình lon bia cao 4m, ngang hơn 1m, lừng lững ngay khoảng công viên nhỏ ở đầu cầu Rồng trên sông Hàn.

Đọc E-paper

Hình ảnh quảng cáo ấy xuất hiện tại vị trí đắc địa nhưng lại khá nhạy cảm vì là nơi dạo chơi tập trung người già và trẻ em mỗi ngày, nên nhiều người mỉa mai gọi đây là biểu tượng "thành phố say" nhằm ám chỉ hiện tượng nhậu nhẹt khá phổ biến.

Từ hình ảnh quảng cáo bia thành ấn tượng "thành phố say" trong dư luận chỉ là một khoảng ngắn bất ngờ. Nó ám ảnh nặng nề đến mức lãnh đạo thành phố phải kiểm tra và chỉ đạo tháo dỡ ngay mô hình quảng cáo này.

Lon bia mô hình đã được tháo xuống, dời đến một vị trí khác ít nhạy cảm hơn, nhưng hình ảnh một thành phố nên được giữ gìn như thế nào vẫn cứ râm ran trong các cuộc trò chuyện của người dân nơi này.

Và bỗng nhiên tôi nghĩ đến phẩm giá của một đô thị. Nó được hình thành từ đâu? Tôi nhớ đến bữa cơm chay được người Sài Gòn đón nhận năm 1975, với bảy món khác nhau, cẩn trọng đựng trong những đĩa men xanh cổ, với tiếng dạ thưa lễ phép quanh mâm cơm ấy của bảy anh chị em từ miền Trung vào Sài Gòn học.

Sài Gòn giữa những ngày đi ở, giữa những thay đổi rõ nét của một thành phố cứ như không hề tác động vào gia đình đó, vẫn nỗ lực đến trường, vẫn duy trì nề nếp trong khó khăn. Sau này tôi cứ nghĩ về không khí mâm cơm đó như lời vợ chồng công chức chế độ cũ cam kết với các con sẽ giữ cho cuộc sống ở nơi này chính là miền đất tốt đẹp nhất gia đình lựa chọn.

Một lần khác dừng đèn đỏ ở ngã tư, anh dân phòng đứng trên vỉa hè bỗng chỉ vào cổ áo tôi bảo: "Trời đất, cất giùm cái dây chuyền đi, tụi cướp nó nhìn thấy là mệt đó!". Sài Gòn có những băng cướp, những vụ án kinh thiên động địa và viên thuốc chữa cho vết thương đô thị chính là từ lời nhắc nhở thân mật như thế.

Một hôm nói chuyện với một người Sài Gòn gốc, nói gốc vì nhà anh đã sống đủ ba đời tại thành phố này, tôi bảo có lẽ công nghệ số, mạng xã hội và các phương tiện giao thông hiện đại kiểu như máy bay giá rẻ sẽ góp phần xóa nhòa cái bản chất hào sảng của Sài Gòn vốn được hình thành, gìn giữ từ thời cha ông đi khẩn hoang 300 năm trước.

Người bạn gốc Sài Gòn này phản biện ngay: Dù cho dân ngoại tỉnh ồ ạt đổ vào Sài Gòn thì tính người Sài Gòn vẫn vậy. Người ta ngồi "chém gió” trên bàn phím mãi cũng có lúc mỏi tay, lững thững ra ngoài đường kiểm tra cái thùng trà đặt bên gốc cây mời bà con lao động qua lại giải khát miễn phí.

Có hôm chủ nhà thấy nước trà đổ lênh láng, cái thùng inox biến mất tiêu. Người qua lại bàn một hồi, đổ tội cho đứa nghiện ngập làm bừa. Nhưng phẩm giá và sự kiên nhẫn của con người thì không thể mất dễ dàng như cái thùng inox. Người chủ nhà không nản lòng, hôm sau bà con đi ngang lại thấy cái thùng đựng nước bằng inox sáng loáng, với mấy cái ly nhựa xếp ngay ngắn.

Vì vậy người bạn Sài Gòn gốc mới nói, có thể cuộc sống hiện đại với tính hội nhập cao sẽ mài mòn tính hào sảng, bao dung của người Sài Gòn, nhưng... cũng phải lâu lắm, có lẽ trăm năm nữa, bởi vì cuộc sống của người nhập cư vẫn khốn khó, vẫn phải nương tựa và cần được bao bọc, thế nên lòng nhân ái vẫn thuyết phục được con người.

Những cái tốt đẹp của người thành phố có đủ làm nên phẩm giá một thành phố? Cũng ở Đà Nẵng, công cuộc phát triển du lịch đang đặt tương lai của thành phố trước nhiều thử thách. Đà Nẵng bây giờ giàu có, thịnh vượng hơn rất nhiều thành phố khác ở miền Trung, nhưng dường như càng phát triển thì thử thách mọi mặt càng lớn.

Gần đây dư luận xì xào chuyện có một vài nhóm khách cho rằng họ bị chặt chém trong một số quán ăn ven biển chuyên phục vụ khách du lịch. Điều này đúng là thử thách thật, khi khắp nơi trong cả nước, Vũng Tàu, Sầm Sơn, Cửa Lò, Nha Trang không nơi nào không xảy ra chuyện đối xử không đẹp với du khách thì chỉ có Đà Nẵng, Hội An còn giữ được uy tín!

Tôi bỗng nhớ một hôm ra chợ, thấy hai du khách nói giọng Bắc hỏi người bán: "Chị còn thứ cá nào đỉnh cao không, đem loại cá có giá đắt nhất ra xem nào". Cái cung cách mua hàng trịch thượng và không cần biết đến giá trị đúng của đồng tiền ấy đang lan vào Đà Nẵng, liệu phẩm giá của một người bán cá có thể chống chọi lại lòng tham? Cũng khó lắm thay!

>Khi Thủ tướng phải cứu dòng sông

>Thành phố của những người già

>Tư duy rừng vàng biển bạc vẫn còn đây

>"Phở thật" phố Bát Đàn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phẩm giá đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO