Nửa cảm, nửa thương

CÁC NGỌC| 26/02/2010 09:44

Lần đầu tiên chúng tôi được sống trong không khí hối hả của những ngày cận Tết ở miền Tây Nam bộ. Cái hối hả của những người nông dân trồng hoa, trồng trái, chờ may mắn ở phiên chợ cuối năm để có tiền ăn Tết.

Nửa cảm, nửa thương

Nghe có khách muốn thuê ghe đi chợ nổi, anh Tư Thành vội tấp ghe vào, bỏ cả chục chậu hoa cúc lên bờ để vợ bán rẻ cho hết, rồi anh mượn mấy cái ghế nhựa của chị bán bún riêu đem xuống ghe chở khách. Anh mừng ra mặt: “Có nồi thịt kho cho sắp nhỏ rồi!”. Chúng tôi không ngờ 150.000 đồng lại có ý nghĩa với gia đình anh như vậy. Mới mười giờ sáng 28 Tết, chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) đã thưa thớt.

Tết sớm, Tết muộn

Người mua bán trên chợ nổi năm nay ăn Tết sớm? Anh Tư Thành tự an ủi: “Năm nào, 28 Tết cũng là ngày chợ cuối năm của các chợ nổi ở miền Tây, nhưng thường kéo dài đến khoảng hai, ba giờ chiều. Năm nay, chợ trên thành phố kém quá, lên hàng không được nhiều, nên bông hoa, rau củ, trái cây trong đồng, trong vườn cũng không dám ra nhiều. Vậy mà còn ế, chợ tan sớm vì ghe có chạy lòng vòng chỉ hao dầu thôi. Kinh tế năm rồi khó khăn mà!”. Anh cặp sát vào một tàu khóm để chúng tôi mua vài trái ăn tại chỗ. Ông Hai Hậu, chủ tàu khóm từ Cầu Đúc, Hậu Giang, qua chợ nổi Cái Răng từ hôm 25 Tết.

Hàng Tết ven một quốc lộ ở miền Tây

Ông nói ráng neo bán đến trưa, không hết thì đem đổ giá rẻ cho nhà hàng, quán nước để còn về nhà. Ông chỉ tiếc tuyển toàn khóm đẹp mà bán chậm quá nên mất giá. Khoảng chục chiếc ghe nhỏ chở dưa hấu, quýt, bưởi, củ kiệu, củ hành... cứ lượn lòng vòng, ai nấy tranh nhau gọi các chủ tàu sang hàng, đủ vốn là mừng. Dẫu muốn hay không thì buổi chợ cuối năm trên sông ở Cái Răng cũng vãn. Chị Năm Lan bỏ túi số tiền mới sang xong ghe bưởi, lên kế hoạch ngay: “Về ăn Tết sớm, rồi mùng 2 đi chợ lại. Năm nay, nghe người ta được nghỉ lâu, chắc ăn chơi nhiều, có cơ may mấy ngày Tết gỡ gạc được”. Cái tính lạc quan của người miền Tây là vậy!

Trong khi những chợ nổi Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang)... nghỉ Tết sớm, thì người đi mua sắm ở các chợ quận, huyện, chợ xã mới bắt đầu đông từ ngày 28 Tết. Dễ hiểu thôi, người miền Tây hầu hết sống nhờ vào thửa ruộng, mảnh vườn, nên lo tranh thủ trồng tỉa, bán hàng cho thiên hạ lo Tết trước, rồi mới tới mình sắm sửa.

Ngoài ra, rất nhiều người lên TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai làm việc, thường hai, ba ngày trước Tết mới được nghỉ, lo hối hả về quê, ai không có sức đi xe máy đều phải lo cho được vé xe khách trước nên việc mua sắm đợi về đến nhà mới tính. Tuy đại lộ Đông Tây mở ra và đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương được thông xe tạm thời đã giúp tháo nút thắt giao thông giữa TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam bộ trong dịp Tết năm nay, thế nhưng, đường về chỉ thông đến Tiền Giang. Chúng tôi đã bị kẹt xe suốt bốn tiếng đồng hồ ở phía bờ Vĩnh Long vào đêm 27 Tết và tiếp tục chứng kiến dòng xe nối dài gần chục cây số chờ qua phà Cần Thơ vào ngày 28 Tết.

Nhờ vậy mà tôi càng cảm nhận được sự bồn chồn của những ai trông về nhà đón Tết như thế nào. Tội nghiệp các bác chạy xe ôm tranh thủ kiếm tiền tiêu Tết, nhưng lại được cảm ơn rối rít vì giải quyết nỗi bồn chồn của mọi người với giá hữu nghị, từ vị trí xe khách bị kẹt đến cổng bến phà chỉ lấy 5.000 - 10.000 đồng. Hành khách chủ động xuống xe đò, chịu tốn tiền xe ôm để lên phà, rồi tốn thêm lượt tiền xe về nhà nữa, nhưng ai cũng mãn nguyện. Còn tài xế xe khách như trút được gánh nặng, không phải nghe những lời than phiền đến sốt ruột.

Mùng 4 Tết, chúng tôi trở lại miền Tây, rất ngạc nhiên khi thấy không khí sắm Tết từ Long An, Tiền Giang đến Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, An Giang vẫn còn. Hầu hết các tiệm tạp hóa ở hai bên các bến phà Cần Thơ, Đình Khao, Cổ Chiên, Vàm Cống... cho đến các tiệm từ thành phố, thị xã, thị trấn đến các xã vùng xa đều có những gói quà làm sẵn hoặc bày đầy bánh hộp, nước ngọt chai lớn, nước giải khát đóng thành từng lốc.

Chị Nguyệt Hằng ở huyện Bình Minh (Vĩnh Long) chỉ tôi xem gói quà con trai chị mới mang về biếu và nói: “Chắc chắn không ai cộ trái cây về miền Tây. Còn mua quà gói sẵn từ thành phố, nếu đi xe đò thì bất tiện, đi xe máy cũng khó chở, nên ai cũng về gần đến nhà mới mua. Có người về trước, nhưng cũng nhiều người “đến mùng” mới về, nên từ dạo dân quê học người thành phố tặng gói quà lớn, nhiều tiệm tạp hóa ở tỉnh không nghỉ ngày nào và mặt hàng chính là gói quà Tết”.

Nét riêng chưa trọn

Phải nói là người miền Tây đã nhạy bén hơn nhiều để nắm bắt cơ hội kinh doanh vào dịp lễ, Tết. Những trái dưa hấu ngon nhất, đẹp nhất luôn được ưu tiên chở về Sài Gòn bán cho được giá, nhưng ở Sài Gòn chưa thấy bán miếng đế chưng dưa như ở các chợ dưa miền Tây.

Bánh tét - món ăn đặc trưng của miền Nam - đã được gắn thương hiệu, như bánh tét lá cẩm - đặc sản Cần Thơ - nổi tiếng nhất là Chín Cẩm, Minh Tân; bánh tét xứ Trà Cuông (Trà Vinh) đã có thương hiệu Hai Lý. Chả hoa, chả nhồi patê trứng muối Năm Thụy không chỉ bán ở Trà Vinh mà có mặt đến Cần Thơ, Tiền Giang, An Giang... Người dân miệt này thích đãi khách loại chả này cho khác với chả lụa, giò thủ ở đâu cũng có.

Du khách làm điền chủ ở Mỹ Khánh

Những nét riêng cho cái Tết ở miền Tây đang dần hình thành, không chỉ trong việc ăn uống mà cả trong vui chơi, du lịch. Nổi bật vào dịp Tết này phải kể đến Khu du lịch Vinh Sang ở Cù lao Minh (Vĩnh Long) và Làng du lịch Mỹ Khánh ở huyện Phong Điền (Cần Thơ). Khu du lịch Vinh Sang giữ được không gian thiên nhiên gần trọn vẹn, phát triển khá tốt khu nuôi và bảo tồn các loài chim, thú quý hiếm; cho khách tham quan, cưỡi đà điểu và bán trứng đà điểu như món quà tặng quý giá vào ngày Tết.

Nơi đây mới đầu tư thêm khu trò chơi trượt cỏ và những nhà nghỉ trên sông khá đẹp. Có thể nói, việc kết nối tốt giữa khu Vinh Sang với các chủ vườn trái cây để tổ chức du lịch vườn đã làm cho cù lao Minh sung túc hẳn lên. Còn ở Khu du lịch Mỹ Khánh đặt trọng tâm tái hiện cuộc sống nông thôn Nam bộ xưa với dịch vụ “Một ngày làm điền chủ” cũng tạo sự hiếu kỳ đối với du khách.

Thế nhưng, cả Vinh Sang lẫn Mỹ Khánh có vẻ vẫn chưa đủ hấp dẫn du khách thành thị đi chơi dịp Tết bởi thiếu quan tâm đến những chi tiết tạo nên sự hoàn hảo để làm hài lòng khách. Khu du lịch Vinh Sang cho người ta cảm giác làm vua và hoàng hậu theo kiểu tuồng Tàu, hơi bị sượng trong cảnh thiên nhiên vườn, ruộng, sông nước.

Đưa khách đi tát mương bắt cá, ăn bữa cá nướng dân dã trong vườn, nhưng đến khi khách tắm để ra về thì Vinh Sang lại không chuẩn bị xà bông lẫn khăn tắm, khiến khách hoặc lỡ tắm ướt rồi đành mặc đồ vào cho quần áo thấm khô người, hoặc chưa tắm thì bỏ tiền mua khăn với giá gần gấp đôi ở chợ.

Làng Mỹ Khánh cho du khách làm điền chủ Nam bộ, nhưng vợ điền chủ không mặc bà ba gấm, lụa, mà trở thành các “thím xẩm Chợ Lớn” trong y phục người Hoa. Mỹ Khánh muốn tái hiện làng quê Nam bộ, nhưng những nhà nghỉ lại theo kiểu Tây Nguyên. Một điều đáng khen ở Vinh Sang lẫn Mỹ Khánh là không ngại yêu cầu “khách không hái trái cây, nếu hái một trái sẽ bị phạt 100.000 - 200.000 đồng” như ở khu du lịch miệt vườn Lái Thiêu (Bình Dương), khách có lòng tự trọng đã biết cùng giữ gìn cảnh quan thiên nhiên. Tuy nhiên, khi giới thiệu khách vào vườn, với những loại trái cây khách được hái ăn tại chỗ và mua mang về (có chủ vườn đi theo hướng dẫn trái chín để không làm hư cây), chủ vườn lại bán với giá mắc hơn khách mua lẻ ngoài chợ.

Còn ở Cần Thơ, ngôi chợ cổ trên đường Hai Bà Trưng liền kề với bến Ninh Kiều, có kiến trúc được xem là đẹp nhất miền Tây Nam bộ, hiện là nơi bán hàng thời trang, sản phẩm lưu niệm thì lại nhếch nhác ngay mặt tiền trong những ngày Tết. Thương cho chú mục đồng và con trâu đất hiền lành được đặt bên cạnh nhà hàng Sao Hôm để trang trí cho không gian chợ cổ, vậy mà người ta cứ tự nhiên bắt trâu mang nào là báo, nón bảo hiểm, đặt dưới chân trâu bao thứ rác!

Đã có một thời các công ty du lịch chọn miền Tây Nam bộ làm tour chủ lực để giới thiệu với du khách nước ngoài phong tục Tết Nam bộ Việt Nam. Song, bây giờ phải thông cảm cho người dân đồng bằng đang nửa thôn quê, nửa lên đô thị, nên ăn Tết hay làm du lịch đều có chút khác xưa chăng?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nửa cảm, nửa thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO