![]() |
Khi có dịp đi Nội Mông, nhìn vào lịch trình ba chuyến bay trong ngày đầu tiên, chúng tôi có chút phân vân. Bù lại, hành trình có nhiều tuyến điểm, nhiều tên gọi gợi tò mò, như thăm khu lăng mộ Thành Cát Tư Hãn, khu lăng mộ mỹ nhân Vương Chiêu Quân, chinh phục thảo nguyên Xilamuren, sa mạc Vọng Âm, chùa cổ Đại Chiêu, cùng các tuyến điểm hấp dẫn khác tại thủ phủ Hohhot, thành phố Bao Đầu..., nên cuối cùng trước giờ khởi hành, đoàn khảo sát cũng gom đủ số lượng.
Đoàn khách Việt đầu tiên
![]() |
Băng qua sa mạc Vọng Âm |
Khoảng cách 450km từ Bắc Kinh đến Hohhot chỉ khoảng 1 giờ bay, 5 giờ ô tô theo đường cao tốc và khoảng 6 giờ theo xe lửa, thế nhưng đối với du khách Việt, đây là tuyến điểm hoàn toàn mới. Chính những đối tác làm việc lâu năm tại các công ty hàng đầu Trung Quốc, cùng các nhà quản lý, kinh doanh du lịch tại khu tự trị Nội Mông xác nhận chúng tôi là đoàn du lịch VN đầu tiên đặt chân đến xứ sở này! Lý do là du lịch nơi đây chỉ thích hợp trong mùa hè và thu; lại là loại hình du lịch chủ yếu mang tính khám phá, mạo hiểm; giá tour trọn gói còn cao so với những tuyến điểm khác tại châu Á. Vì vậy, xứ sở Nội Mông tìm đỏ mắt cũng không có hướng dẫn viên biết nói tiếng Việt, phải điều hướng dẫn viên từ Bắc Kinh lên. Người hướng dẫn viên Bắc Kinh phải dịch ra tiếng Việt từ tiếng Hán hoặc tiếng Mông Cổ từ hướng dẫn viên Nội Mông.
Nội Mông giáp với Mông Cổ và Liên bang Nga, có hơn 880.000km2 thảo nguyên, tập trung những đồng cỏ lớn, tạo ra ngành công nghiệp chăn nuôi và kinh doanh sữa hàng đầu Trung Quốc, cũng như góp phần vào lĩnh vực kinh doanh du lịch. Trong số các thảo nguyên Nội Mông, Xilamuren được chọn làm điểm chính đưa khách đến tham quan, ngủ lại vì khu này nằm gần thủ phủ Hohhot nhất, lại tập trung nhiều người Mông Cổ từng quen với đời sống thảo nguyên cũng như giữ được sắc thái văn hóa truyền thống người Mông Cổ.
![]() |
Trước khi thưởng thức món thịt dê nguyên con, khách phải tham gia nghi thức tế dê |
Nhiệt độ ban ngày và ban đêm trên thảo nguyên Xilamuren có thể chênh nhau 20oC. Mùa đông thảo nguyên băng tuyết rơi trắng xóa, trong mùa hè trời nắng chói chang, có nhiều gió. Chống chọi với thiên nhiên, người Mông Cổ trên thảo nguyên dựng nên những căn lều (Mông Cổ bao) tròn, khung được phủ bằng vải dày, bạt hoặc bằng da thú, vừa tránh gió mạnh vừa chống lạnh. Những bánh xe nằm dưới Mông Cổ bao cũng thể hiện tính xê dịch của người Mông Cổ sống trên thảo nguyên.
Khách từ xa đến, luôn được đón tiếp trọng thị thông qua những hội hè bằng các lễ nghi, lời ca tiếng hát, cung đàn. Ẩm thực xứ sở này gồm hai loại chính là hồng thực (các loại thịt động vật như dê, cừu, ngựa, bò...) và bạch thực (chế biến từ sữa dê, sữa ngựa, như kẹo, phomát, bánh...). Người dân nhiệt tình mời rượu khách, trước khi uống khách phải làm phép tạ ơn trời đất. Nghi thức tế nguyên con dê quay cũng diễn ra khá ly kỳ và nhuộm màu tâm linh, thành kính như chính người thảo nguyên đã và đang hướng về Thành Cát Tư Hãn - vị Đại Hãn của dân tộc Mông Cổ qua ngàn đời nay, và sẽ còn hiện diện ở ngàn đời sau!
Đến thảo nguyên mà thiếu trò phi ngựa, bắn cung và ngủ đêm trong những căn lều Mông Cổ bao thì xem ra khách còn “nợ” người dân nơi đây. Ngành du lịch xứ sở này đã biến mô hình Mông Cổ bao thành những căn phòng với nhiều tiện nghi tiêu chuẩn khách sạn 2 sao phục vụ du khách.
Băng qua sa mạc vọng âm
Sa mạc chúng tôi tiếp cận mang tên Vọng Âm. Thật ra, Vọng Âm ở đây không phải tên riêng mà để chỉ tính chất của vùng đồi cát bạt ngàn. Ở đây, khi trời không mưa, liên tục phát ra những thanh âm lạ, huyền bí. Nhiều nhà khoa học đã lý giải khác nhau về thanh âm trên sa mạc. Một chuyên gia địa hình Nhật Bản khẳng định trong cát sa mạc có... trống. Một nhà khoa học Nội Mông khẳng định trong cát sa mạc có nước, nước kết hợp với gió và ánh nắng mặt trời tạo ra khí và phát ra âm thanh vang vọng khắp nơi.
Tại sa mạc Vọng Âm có nhiều loại hình để khách một lần nếm mùi gió cát: xe máy địa hình, jeep 4 chỗ, ô tô trang bị kiểu xe tăng; ngựa, lạc đà... Hoặc nếu muốn tìm cảm giác mạnh, có thể đi bộ vào sa mạc, sau khi thuê tất màu đỏ bằng loại vải dày bao quanh chân để chống nóng, khẩu trang ngăn bụi và chiếc mũ cao bồi cùng cây gậy dẫn đường.
Tận mắt chứng kiến những hình thù đẹp kì ảo từ những khối cát khổng lồ chạy khắp chân trời mới có cảm giác “trên thảo nguyên, không có khái niệm biên giới.
Nhàn du, thư thả hơn, khi từng người thuê lạc đà hai bướu đi vào sa mạc. Cứ hai lạc đà có một người hướng dẫn địa phương dắt. Khách ngồi trên lưng lạc đà chiêm ngưỡng màu trắng của cát, màu hồng ánh mặt trời, và lắng nghe thanh âm kì lạ vang lên, kịp hình dung bước đường của các thương nhân ngày xưa trong hành trình “con đường tơ lụa”, và vó ngựa chinh chiến của quân Thành Cát Tư Hãn...