Những tháp cổ trầm mặc với thời gian

HỒNG BÍCH| 03/08/2018 03:38

Một trong những điểm đến ưa thích nhất của tôi mỗi khi có dịp lái xe ven biển miền Trung là tìm đến thăm những ngôi tháp cổ có phong cách kiến trúc kỳ lạ của người Chăm.

Những tháp cổ trầm mặc với thời gian

Năm 1997, khi tấm bia khổng lồ chi chít những dòng chữ Sanskrit được tìm thấy ở độ sâu 2,6m trước thềm tháp giữa tại nhóm ba tháp Chiên Đàn (tỉnh Quang Nam hiện nay), chúng tôi đã chứng kiến niềm hạnh phúc không bút nào tả xiết của những nhà nghiên cứu văn hóa Chămpa. Họ hy vọng sẽ tìm ra những bí ẩn của nhóm ba tháp tuyệt đẹp này, thế nhưng đến nay vẫn chưa ai đọc được nội dung những dòng chữ Sanskrit trên tấm bia này.

Những bi ký này còn bí mật, thì khó xác định được vị vua nào đã dâng lên các vị thần ngôi đền tháp đặc biệt này, khó biết được các tháp đã được xây dựng giữa các cuộc binh đao khói lửa, hay những năm hòa bình hiếm hoi trên đất Chiêm Thành trong hai thế kỷ XI và XII.

Bây giờ đi trên quốc lộ 1A, đoạn qua xã Tam An, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam, những ngôi đền vẫn đứng trong nắng chiều nhuốm màu u hoài, vẫn hiển hiện như thế trong một nghìn năm dày đặc các cuộc chiến tranh nối tiếp nhau.

Trong khi nhiều đền tháp Chămpa biến thành phế tích như Phật viện Đồng Dương, các ngôi tháp khác trống trơn, hiện vật lưu lạc ở các bảo tàng, các bộ sưu tập tư nhân khắp thế giới, không ai hiểu tại sao đây là nhóm tháp giữ được nhiều tác phẩm điêu khắc nhất so với thánh địa Mỹ Sơn, tháp PôKlông Garai và các nhóm tháp rải rác từ Quảng Nam đến Bình Thuận.

Ông Nguyễn Văn Sơn 80 tuổi, suốt đời chưa một lần rời đất Tam An, giải thích rằng dường như có một điều kỳ bí nào đó làm cho dân làng đoán trước được chuyện xấu sắp xảy ra với ngôi tháp Chiên Đàn. Những kẻ săn vàng Hời từng dùng thuốc nổ, làm cho pho tượng linga có kích cỡ lớn bị mất một phần đế, đã không tìm được gì, còn bị thương, bỏ chạy không bao giờ dám trở lại khu đất thiêng này.

Nhiều kẻ săn đồ cổ khác không gặp may, ít khi đem được các hiện vật của Chiên Đàn ra khỏi nơi mà chủ nhân cũ đã để lại. Người làng vẫn nhớ cách nay 50 năm, tháp Chiên Đàn bị biến thành lô cốt của lính Cộng hòa để khống chế một vùng đồng bằng gồm nhiều xã.

thap co Champa, Quang Nam

Người ta rỉ tai nhau hầu hết những người lính ấy không ai trở về lành lặn. Chính trong giai đoạn này tháp Chiên Đàn bị phá huỷ mất phần chóp, nay chỉ còn lại phần đế và thân, nhưng bấy nhiêu cũng đủ để ngày nay chúng ta sững sờ ngắm nhìn những kiệt tác cộng hưởng giữa tôn giáo, vương quyền và nghệ thuật.

Nếu dành thật nhiều thời gian để tìm hiểu lịch sử Chămpa, tìm hiểu những mốc thời gian vẽ nên hành trình xây dựng những ngôi tháp đồ sộ, kiến trúc đẹp tuyệt trần như vậy, sẽ càng cảm phục người xưa khi đứng trước những phế tích đổ vỡ như Mỹ Sơn, Chiên Đàn, Đồng Dương.

Tiếp cận lịch sử của một vương quốc đã tàn vong trên nền những ngôi tháp cổ tạo cho người ta hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Có rất nhiều thuyết về các tiểu vương quốc, hay vương quốc Chămpa được ghi lại trong sử Trung Hoa và Việt Nam. Trên một dải đất suốt từ đèo Ngang đến sông Đồng Nai từng có những tộc người sinh sống, chống lại nhà Hán và lập quốc vào những năm 190 sau Công nguyên.

Theo sử liệu, hai thế kỷ XI và XII trên đất Chiêm Thành đầy những biến động, chiến tranh liên miên với Đại Việt và Chân Lạp. Chính trong hai thế kỷ này, các đền tháp Chiên Đàn, Bàng An vẫn được xây dựng dù các vua Chămpa đã chuyển kinh đô về Đồ Bàn. Các nhà nghiên cứu phỏng đoán đền tháp này được các vị tiểu vương xây dựng để cầu khẩn thần linh dẫn dắt họ đi qua cuộc chiến tranh khốc liệt để giữ đất.

Nếu như du khách ưa thích nền văn hóa Chămpa sẽ cảm nhận được một giai đoạn  lịch sử qua những di vật điêu khắc còn để lại từ Quảng Trị tới Ninh Thuận.Nhưng trên hiện vật điêu khắc nơi đá sa thạch bao quanh chân tháp có chiều dài nhiều mét, những hàng chiến binh tay không rời vũ khí, cùng với các vũ nữ, nhạc công nhảy múa say sưa luôn gợi đến khúc ca khải hoàn của các vị vua. Cũng tại tháp Chiên Đàn hiện còn giữ được tượng linga lớn nhất trong số những linga phát hiện được ở Việt Nam.

Nhiều người đến tháp Chiên Đàn thường hình dung hình ảnh của Rudravarman III (1060 - 1080), một vị vua nhiều tham vọng đã tiến hành ba cuộc chiến tranh ra tận Thăng Long và sang Campuchia trong vòng 20 năm. Rất có thể cách nay 1.000 năm, chính Rudravarman III đã tổ chức nghi lễ khấn nguyện thần linh ước vọng mở cõi tại tháp Chiên Đàn.

Liệu có một ngày, những tư tưởng cát cứ văn hóa địa phương được dỡ bỏ và bức tượng thần Siva cao hơn hai mét, với một nghìn năm tuổi đang trưng bày ở Bảo tàng Điêu khắc Chămpa (Đà Nẵng) được trả về đúng chỗ cũ, trên bệ thờ của một ngôi tháp tại thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), để cho một di tích có lại giá trị tinh thần từng lưu giữ. Trả lại hiện vật cho các di tích văn hóa là một hướng đi các bảo tàng trên thế giới đã làm và bắt đầu được nói đến ở Việt Nam.

Những ai từng có lần tham dự các lễ hội của người Chăm Ninh Thuận có thể nhận thấy nghi thức trang nghiêm của các buổi cúng tế trong các tháp cổ ở nơi này. Bàn thờ tế lễ rất đơn sơ với ánh nến, nước trong, nhưng thái độ ngưỡng vọng trước sự hiện diện của thần linh thì không thiếu.

Nguoi-Cham-6157-1533011800.jpg

Những ngôi tháp cổ Ninh Thuận vẫn giữ được nhiều pho tượng thần có niên đại cách nay từ 600 - 800 năm trên bàn thờ và các lễ hội của họ chứa đựng sức sống mạnh mẽ bởi sự giao thoa giữa niềm tin tôn giáo, cái đẹp của điêu khắc dân gian và nghệ thuật biểu diễn.

Từ những lễ hội của người Chăm Ninh Thuận, khi đến với các tháp cổ Dương Long, Bánh Ít ở Bình Định, hay Chiên Đàn, Mỹ Sơn, Khương Mỹ (Quảng Nam), ngẫm nghĩ về thực trạng những ngôi tháp cổ hoang vắng dù đang được chăm sóc, trùng tu với  hàng trăm nghìn USD vẫn không khỏi mang hai chữ "phế tích" đón du khách vì thiếu hẳn các hiện vật điêu khắc vốn là thứ ngôn ngữ chính mà văn hóa Chămpa để lại.

Trả lại cho các di tích đền tháp cổ Chăm Pa những tác phẩm nghệ thuật vốn dĩ là của nó, không chỉ để khuếch trương giá trị thật sự, mà còn nhằm cung cấp cho khách những sản phẩm du lịch trọn vẹn, tiêu biểu và đắt giá.

Văn hóa Chămpa là mỏ vàng trên hành trình du lịch di sản miền Trung. Nó góp thêm những điểm đến chiêm ngưỡng văn hóa có phong cách Ấn Độ giáo, vào những ngôi làng của bà con người Chăm theo Hồi giáo, những ngôi làng còn giữ nguyên vẹn lối sống, cưới xin, trang phục xa xưa rất thú vị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những tháp cổ trầm mặc với thời gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO