Những người làm sạch dòng kênh

HÀ TIÊN| 14/04/2018 03:22

Sống cùng anh em công nhân Đội Vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm chỉ vài ngày, chứng kiến công việc vất vả hằng ngày, tôi vừa phục vừa biết ơn họ, nên trong bài viết này,

Những người làm sạch dòng kênh

Ở đó có những con người bất chấp nắng mưa, ngày ngày theo xuồng ngang dọc vớt rác làm sạch kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm. Họ là những công nhân của Đội vớt rác thuộc Xí nghiệp 3, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM.

Mười hai giờ trưa, hai chiếc xuồng SG2951, SG 2953 chở theo công nhân nổ máy rời bến Đội Vớt rác cạnh nhà thi đấu Rạch Miễu, quận Phú Nhuận chạy về hướng cầu Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh). Ở chân cầu Bùi Hữu Nghĩa vừa xuất hiện một dề lục bình to tướng bám đầy rác đang chờ họ.

Đúng ngọ, nắng nhảy múa trên mặt kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè làm ai nấy hoa mắt. Một vài người câu cá vừa chửi vừa ném đá xuống xuồng. Chiếc xuồng tăng tốc để tránh bị trúng đá. Người lái xuồng tên Quang nói với tôi: "Dù chính quyền đã cấm câu cá nhưng nhiều người bất chấp. Khi làm nhiệm vụ, chẳng may quẹt vào cần câu là họ hung hăng chửi bới. Xuồng chạy nhanh làm cá không cắn câu thì họ ném đá. Tụi tôi đi làm riết cũng quen nên tránh đi cho lành".

Dạ cầu Bùi Hữa Nghĩa càng thấp hơn khi lục bình và rác cứ dập dềnh dập dềnh tấp thêm vào. Công nhân dùng cây sào dài chừng hai mét gắn vợt  để vớt lục bình và rác cho vào thùng đặt trên xuồng. Chỗ nào lục bình dày quá thì họ dùng sào đập cho tản ra để dễ vớt.

Vừa làm, anh công nhân tên Tuấn vừa nói: "Gặp dề lục bình nhỏ thì vớt theo cách thủ công như đang làm, nhưng gặp đám lục bình vài chục mét vuông lẫn lộn với đủ thứ rác sinh hoạt thì phải dùng xuồng lớn có trang bị cầu cạp mới vớt nổi".

anh-chinh-1184-1523336568.jpg

Tự dưng cơn mưa đổ xuống giữa trời nắng như thiêu đốt. Người đi trên đường Trường Sa và Hoàng Sa cặp mé kênh thắng xe trùm áo mưa hay tìm chỗ trú. Chúng tôi thì lọt thỏm giữa dòng kênh bốc mùi thối vì triều đang xuống,  ai cũng ướt sũng. Cũng may là xuồng sắp cập bến lấy rác không thì chiếc máy ảnh của tôi tha hồ "tắm mưa".

Ngày hôm sau, tôi có mặt tại điểm hẹn bên kênh Tân Hóa -  Lò Gốm cùng với hai công nhân vớt rác. So với kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thì nước trên kênh Tân Hóa -  Lò Gốm đen và hôi hơn. Trông thấy một người đàn ông đang ngó trước ngó sau để ném túi rác to tướng xuống kênh đoạn qua quận Tân Phú, anh công nhân tên Minh vội vả tấp xuồng vào bờ, nói lớn: "Anh ơi, đừng đổ rác xuống kênh, ô nhiễm lắm! Lại bị phạt hành chính nữa đó”.

Dù bất ngờ, người đàn ông trạc ngũ tuần vẫn ném túi rác xuống kênh, rồi buông một câu thách thức: "Không đổ rác xuống kênh thì mấy cậu lấy việc đâu mà làm". Nói xong, ông ta băng qua đường, vào căn nhà khang trang ngay trước con kênh. Có lẽ nhờ nhận được tiền đền bù giải tỏa để khôi phục con kênh Tân Hóa -  Lò Gốm mà ông ta xây được căn nhà ấy.

Chiếc xuồng lại nổ máy. Giọng Minh ôn tồn: "Ngày nào tụi tôi cũng gặp cảnh đó. Mình phải chạy xuồng thật nhanh đến ngăn chặn họ trước khi quá muộn, nhưng như anh vừa thấy đó, có người biết tụi tôi chỉ là kẻ hốt rác, không có quyền phạt người ném rác xuống kênh.

Chuyện bị chửi, thậm chí đòi đánh thì ngày nào cũng xảy ra. Nhưng mình làm công việc chung vì cộng đồng, làm sạch cho phố thị, nên tụi tôi không ngại". Nói xong, Minh lại nhẩn nha hát trên sóng nước: "Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao".

Từ ý kiến của công nhân, Đội Vớt rác và Phân xưởng Sửa chữa thuộc Xí nghiệp 3 Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM đã có sáng kiến làm thêm "te" dang ra hai bên thân xuồng để khi xuồng chạy, rác sẽ tự động gom vào túi lưới ở sau, giảm công sức cho người lao động. Công nhân còn có sáng kiến gắn cẩu cạp vào xuồng để đập rã những dề lục bình lớn, thay cho "chặt chém" thủ công như trước. Hiện xuồng vớt rác có ba loại: 14CV, 24CV và 28CV. Tùy theo mức thủy triều hoặc dề lục bình lớn nhỏ mà công nhân sẽ dùng loại nào cho phù hợp.

kd1-7590-1523336569.jpg

Một lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM cho biết: "Những sáng kiến ấy được đánh giá rất cao, Hội đồng Thi Đua - Khen thưởng của Công ty đã tặng thưởng xứng đáng. Mấy năm qua, một số công nhân của Đội được tuyên dương là gương điển hình trong phong trào thi đua yêu nước của TP.HCM".

Sống cùng anh em công nhân Đội Vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm chỉ vài ngày, chứng kiến công việc vất vả hằng ngày, tôi vừa phục vừa biết ơn họ, nên trong bài viết này, xin có đôi điều về những con người bình dị ấy.

Nguyễn Chí Quang có bốn năm vớt rác, sinh năm 1991, anh là người trẻ nhất Đội. Quang cao to, kiệm lời, đồng nghiệp nhận xét khi vào việc thì rất chăm chỉ. Quang thường đi cặp với anh Lương Mai Tuấn. Anh Tuấn mới về Đội hai năm, trước ở bộ phận xử lý rác trên bờ. Nhà ở huyện Hóc Môn, cạnh bãi rác Đông Thạnh, ngày nào cũng chạy xe gần 20km để đến chỗ làm, giọng sôi nổi, anh Tuấn đùa: "Tôi làm việc với rác, ở cũng cạnh rác".

Người lái xuồng chở chúng tôi trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm là Lê Hồng Minh, trước ở bộ phận xử lý chất thải tại bãi rác Củ Chi, về Đội ba năm nay. Nhà ở tận Hóc Môn, đến nay vẫn chưa lập gia đình. Lương tuy không cao nhưng được đảm bảo, anh em công nhân sống trong tình đồng nghiệp nên rất vui.

Đội phó Đội Vớt rác Trương Phi Long gắn bó với Công ty từ năm 1990, thấm thoát đã 27 năm. Anh cho biết, Đội Vớt rác thành lập tháng 4/2012, đến nay có 42 thành viên. Đội đảm nhiệm làm sạch hai tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (qua các quận 1, 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình) và Tân Hóa - Lò Gốm (qua các quận 6, Bình Tân và Tân Phú).

kd2-4909-1523336569.jpg

Do kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài đến 8,7km nên phải vớt rác hằng ngày, còn kênh Tân Hóa - Lò Gốm thì làm cách ngày. Hiện kênh Tân Hóa - Lò Gốm vẫn ô nhiễm nặng nên công việc tại đây cũng vất vả hơn. Hằng ngày, Đội thu nhặt trung bình từ 7 đến 13 tấn rác, cao điểm là những tháng cuối năm lục bình phát triển nhanh thì lên tới 15 tấn. Lương trung bình của anh em là 7 triệu đồng mỗi tháng nhưng phải làm hết việc chứ không hết giờ.

Ngày 4/4/2017, do mưa lớn đầu mùa, nước thải từ cống rảnh tràn ra kênh làm thiếu oxy nên cá chết hàng loạt, cả Đội phải vớt liên tục hai ngày đêm. Người nào quá mệt thì lên bờ nghỉ, anh em khác xuống thay. Trong Công ty và Đội Vớt rác, có gia đình gồm ông, cha và con cùng làm công nhân, như anh Trương Thanh Hải (con), Trương Văn Tảng (cha) và Trương Văn Bào (ông).

Theo anh Cao Văn Tuấn - Trưởng Phòng Kiểm tra chất lượng Công ty, ngoài nhiệm vụ thu dọn rác trên kênh, nhiều năm qua, công nhân của Đội Vớt rác còn cứu người bị đuối nước hay tự tử trên kênh. Có hôm đang ngủ, anh em trực nghe tiếng la "cứu người" là tức tốc xuống xuồng lao đến.

Cứu được nhiều người nhất là công nhân Trương Tiến Sĩ. Vào mùa mưa, cống ngầm quá tải, nước chảy tràn ra kênh, công nhân hít phải khí mê tan rất độc. Để đảm bảo sức khỏe cho công nhân, Công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ và giải quyết mọi chế độ phúc lợi chu đáo". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những người làm sạch dòng kênh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO