Những miền sông hoa

ĐOÀN ĐẠI TRÍ| 06/03/2015 04:42

Những chiếc ghe chở đầy hoa ngược xuôi khắp chợ nổi ở ngã ba, ngã tư sông, tỏa đi khắp các thôn ấp trên những dòng sông Tiền, sông Hậu... như tín hiệu của mùa Xuân đã ngập tràn.

Những miền sông hoa

Những chiếc ghe chở đầy hoa ngược xuôi khắp chợ nổi ở ngã ba, ngã tư sông, tỏa đi khắp các thôn ấp trên những dòng sông Tiền, sông Hậu... như tín hiệu của mùa Xuân đã ngập tràn.

Đọc E-paper

Không phải những đường hoa, chợ hoa tấp nập, ngày Tết ở các tỉnh miền Tây, những dòng sông hoa mới là hình ảnh gần gũi và thân thuộc nhất. Từ những dòng sông Tiền, sông Hậu rộng lớn cho tới những con kênh nhỏ bé đều rộn ràng những ghe thuyền chở hoa ngược xuôi tươi thắm.

Nào là mai vàng, tắc cam, mào gà, kiểng lá, đồng tiền... từ mọi ngóc ngách đang đổ về các chợ nổi ở ngã ba, ngã tư sông rồi lại từ đó tỏa đi khắp các thôn ấp, làm nên một bức tranh miệt vườn vô cùng rực rỡ.

Mọi ngày, dòng kênh Chợ Gạo (Tiền Giang), con kênh huyết mạch nối liền Sài Gòn - Mỹ Tho, cũng rất đông vui, nhộn nhịp nhưng chủ yếu thương lái vận chuyển lúa gạo, dừa khô hay có khi là cả vật liệu xây dựng nữa, chứ không phải khắp mặt sông đầy thuyền hoa, cây kiểng như bây giờ.

Bà Phạm Thị Vân, 57 tuổi, một người dân sinh sống lâu năm ở thị trấn Chợ Gạo, sát bên dòng kênh có từ thời Pháp thuộc này, chia sẻ: "Từ con nước nổi vừa rồi (khoảng 15 âm lịch) đã thấy hàng trăm thuyền ghe chở hoa, trái cây miệt vườn dưới vùng Cái Bè, An Hữu, Phong Điền... men theo sông Tiền rồi ngược qua đây để đổ hàng lên Sài Gòn phục vụ Tết. Có hôm, do thuyền lớn chở cát đá ở phía Tân An (Long An) về choán hết đường nước, các thuyền hoa phải cập lại ở thị trấn này qua đêm rồi mới đi được. Lúc ấy, cả ngã ba rộng lớn này rực một màu hoa...".

Suốt chiều dài hàng chục cây số ở bên bờ sông Hàm Luông đoạn chảy qua vùng đất Chợ Lách (Bến Tre) cũng có hàng trăm chiếc thuyền sẵn sàng để vận chuyển hoa, kiểng đi bán. Từ hàng trăm năm qua, mảnh đất Cái Mơn nhỏ bé (thuộc huyện Chợ Lách) này cùng với Sa Đéc (Đồng Tháp) đã được coi là vựa hoa lớn nhất của Nam bộ.

Dừng chân, chúng tôi thấy gia đình anh Trần Văn Quy đang vội vã vận chuyển hoa lên ghe để đưa đi chợ nổi bên Cần Thơ. Anh bảo, hoa miệt vườn chỉ có một cách chuyên chở duy nhất là dùng ghe mà thôi.

Chỉ những ai không hiểu, không trân trọng hoa mới đưa lên... xe tải để chở vì làm như thế hoa sẽ mau héo, dễ bị bung quá sớm. Không riêng gì gia đình anh mà hàng trăm hộ gia đình ở đây cũng dùng ghe chở hoa đi bán ở các khu chợ nổi, các thành phố, thị xã khác.

Những chiếc thuyền hoa cứ nối nhau xuôi theo những dòng sông, có khi phải tới giao thừa mới cập bến. Cũng có khi lỗ vốn trở về vì hoa mất giá. Nhưng không ai thấy vội vàng vì bao đời nay, những dòng sông hoa vẫn nhẹ nhàng trôi như thế.

Sứ mệnh mang mùa Xuân đến như đã ăn sâu vào tiềm thức người dân miệt Cái Mơn này rồi. Với họ, may mắn là thiên nhiên đã ban cho mảnh đất nhỏ bé nằm giữa hai bờ sông Hàm Luông, Cổ Chiên phù sa tươi tốt để từ đó, hương hoa, cây trái mới bung nở, đẹp đẽ hơn những vùng quê khác.

Hoa miệt đồng bằng

Do công việc, tôi đã có rất nhiều chuyến đi về khắp các vùng quê xa xôi của miệt đồng bằng, đi đâu cũng thấy những mái nhà gỗ đơn sơ, những dòng kênh với đôi mái chèo buộc túm buông lững lờ...

Tuy nhiên, cảm giác ấy mau chóng qua đi mùa Xuân này, khi những con kênh chỉ có lục bình trôi nay ngập tràn những con thuyền hoa rộn ràng màu sắc. Ở đó, những đứa trẻ đang háo hức chờ đợi những chiếc thuyền hoa nhỏ bé như một tín hiệu thân thương của mùa Xuân trên mảnh đất quê hương.

Không phải bộ quần áo mới, cũng chẳng phải những bản tin quảng cáo rộn ràng trên tivi, mà chính những chiếc thuyền gỗ lỉnh kỉnh chậu kiểng đủ màu sắc trôi qua dòng kênh quen thuộc này mới là mùa Xuân của chúng.

Tôi vẫn nhớ ánh mắt vui mừng, giọng nói như tiếng chim hót của mấy cậu bé bên bờ kênh Mồi Gọ, một con kênh yên bình ở vùng biên giới Mộc Hóa (Long An). Lúc đó, mấy chiếc thuyền hoa ngược từ phía sông Vàm Cỏ Tây lên đây, neo lại để bán hoa.

Vợ chồng người chủ ghe bắt đầu vận chuyển những chậu cúc vàng, những cây tắc sai trĩu quả màu cam tươi, những bông mào gà cao vút... Hàng chục đứa trẻ đứng đó, ngó nghiêng thích thú nhưng không đứa nào dám hỏi han, trả giá. Có lẽ, chúng chờ ba má đi bán lúa, bán gà dưới chợ về để có tiền mua một chậu hoa, chưng trước nhà dịp Tết.

Rồi hình ảnh những cụ ông, cụ bà người Khmer ở vùng Châu Đốc (An Giang) chống gậy, tựa lưng vào gốc cây trước nhà nhìn ra phía xa xa dòng sông Hậu mênh mông, chờ đợi những chiếc thuyền hoa để đếm tuổi mình, đếm những mùa Xuân đi qua đời người.

Không lịch, không nghe dự báo thời tiết, họ chỉ đếm thời gian bằng những con nước sông Hậu lớn ròng, đón những mùa đến và đi bằng những chiếc thuyền trên dòng sông trước nhà.

Thấy ghe dưa hấu xanh, lúa vàng xuôi xuống hạ lưu tức là đang mùa Hạ, những ghe chất đầy hoa kiểng, hoa cảnh chậm rãi ngược lên phía thượng nguồn tức là mùa Xuân đã về. Người già, trẻ nhỏ cùng theo nhau ngắm những khúc sông quen thuộc mà lạ lẫm này với tiếng nhạc lòng phơi phới của mùa Xuân mới.

>Đời ghe lu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những miền sông hoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO