Những hoạt cảnh giáo dục

KHẢI LY| 22/07/2012 07:24

Có thể nhờ triết học, có thể nhờ cây đàn violon phụ trợ cho tấm bằng tốt nghiệp ngành kinh tế mà cậu du học sinh người Việt đã đến được phố Wall.

Những hoạt cảnh giáo dục

Chuyện ở lớp chuyên sử trong một bộ phim tài liệu mới chiếu gần đây trên VTV. Đã đến giờ dạy, thầy giáo ngó vào lớp chỉ có đúng một trò. Thầy lấy điện thoại ra bấm, đầu dây bên kia lần lượt từng trò cáo bận đi học thêm các môn khác, kỳ thi đại học sắp đến rồi thầy ơi, cho em nghỉ học sử hôm nay.

Đọc E-paper

Thầy quay lại phía ống kính than phiền, tôi thấy có mấy đứa học trò rất giỏi môn sử nên kêu đến đây kèm cặp, hướng dẫn thêm(miễn phí) để các em đi thi Olympic, nhưng phụ huynh không ủng hộ vì mấy em này đều thi đại học khối A (toán, lý, hóa) nên phải chờ lịch học trống thì mới tổ chức lớp được. Đó là những gì đang diễn ra với bộ môn lịch sử ở một trường danh tiếng tại thành phố Đà Nẵng.

Cuộc triển lãm tranh đầu tiên của cậu bé Kiệt diễn ra mới đây tại Hà Nội khi em 9 tuổi. Tác phẩm của em làm mọi người kinh ngạc về trí tưởng tượng và sức biểu đạt nghệ thuật vượt tầm nhìn của một học sinh phổ thông cơ sở. Nhưng chuyện cha mẹ em đồng ý cho con rời khỏi trường quốc tế về nhà, thích học gì thì học, thích vẽ tranh thì vẽ, làm nảy sinh tranh luận không dứt khi xã hội đang chứng kiến thế hệ trẻ là “nạn nhân” của guồng máy học thêm.

Cậu bé Kiệt bỏ trường về nhà một thời gian (có thể sau này cậu sẽ trở lại trường), chỉ đọc truyện tranh tiếng Anh, học tiếng Trung Quốc và vẽ, còn thì cậu chơi suốt, muốn biết cái gì thì nhờ người lớn giải thích, hướng dẫn.

Nhìn lại lý lịch gia đình, bố mẹ cậu đều đang làm việc trong một tổ chức văn hóa quốc tế tại Việt Nam, tin rằng các phụ huynh này hoàn toàn ý thức được hệ quả của cách giáo dục này đối với tương lai con mình.

Với độ tuổi lên 9 và thời gian ở trường ngắn ngủi, nhưng cậu bé này đáp ứng khá tốt các cuộc phỏng vấn về nhiều đề tài của các tờ báo, thông minh, nói lưu loát những suy nghĩ của cậu nhưng vẫn không đánh mất vẻ hồn nhiên.

Mới đây, người bạn vừa định cư ở Mỹ hai năm gọi điện kể chuyện con trai chị đã nhận được học bổng toàn phần vào một trường đại học chuyên về quản trị kinh doanh. Chị chia sẻ sự ngạc nhiên về chuyện cậu con trai học tốt các môn tự nhiên, đồng thời cháu đã vượt qua nhiều học sinh bản xứ để nhận được học bổng vì đã gửi kèm theo hồ sơ xin học bổng những truyện ngắn tự viết bằng tiếng Anh.

Lại một phụ huynh khác khoe vừa qua Mỹ dự lễ tốt nghiệp đại học của cậu con trai. Nhưng niềm vui lớn hơn của vị phụ huynh này là cậu con trai đã được một quỹ đầu tư tài chính nổi tiếng ở New York phỏng vấn và nhận được việc làm phù hợp ngay tại đại bản doanh trên phố Wall.

Hành trình du học của cậu sinh viên này khởi đầu bằng hai năm học triết học, sau đó mới chuyển sang học kinh tế. Tuy nhiên, các sếp ngồi tuyển nhân sự cho quỹ đầu tư tài chính khi phỏng vấn và xem hồ sơ đã chú ý đến bằng tốt nghiệp biểu diễn violon tại một nhạc viện ở Chicago mà cậu sinh viên đã nỗ lực đạt được trong thời gian học quản trị kinh doanh.

Có thể nhờ triết học, có thể nhờ cây đàn violon phụ trợ cho tấm bằng tốt nghiệp ngành kinh tế mà cậu du học sinh người Việt đã đến được phố Wall, trong bối cảnh ở đây đang có hàng nghìn chuyên gia tài chính thất nghiệp, phải tản mác khắp thế giới kiếm việc làm chờ qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những hoạt cảnh giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO