Những con phố Chinatown

BÍCH HỒNG| 21/11/2014 09:17

Bây giờ phố Hoa kiều (Chinatown) không xuất hiện theo cách ngày xưa nữa. Không phải những xe đẩy bánh bao, cháo Tiều, hay nhà buôn lụa nữa.

Những con phố Chinatown

Bây giờ phố Hoa kiều (Chinatown) không xuất hiện theo cách ngày xưa nữa. Không phải những xe đẩy bánh bao, cháo Tiều, hay nhà buôn lụa nữa. Những thương nhân Trung Quốc đi máy bay, tay cắp dự án, mạnh vốn và mạnh quan hệ ở những nơi họ đặt chân và ngắm địa thế để làm giàu. Chuyện người Trung Quốc đến đầu tư cả thế giới quan tâm, vừa chào đón, vừa thận trọng...

Đọc E-paper

Tháo dỡ biển quảng cáo bằng tiếng Trung

Cả thế giới, có nơi nào người Trung Quốc không đặt chân đến? Tôi từng suy nghĩ vậy khi đứng trên đại lộ Yaowrat, con đường một chiều của Bangkok, là khu phố Tàu nổi tiếng của Thái Lan. Ở đâu cũng có một Chinatown tùy theo sự hấp dẫn của mảnh đất đó.

Làm công dân của một đất nước mà dân số chiếm một phần tư dân số Trái đất, họ giống đàn kiến khổng lồ phải chia tách, theo bước chân tha phương tạo ra con phố mang cái tên Chinatown, như một sắc thái văn hóa cho chính mảnh đất bản địa đã cưu mang những người đầu tiên đến tìm đường sống. Cuối cùng, Chinatown lại trở thành nơi thu hút du khách.

Nhưng bây giờ phố Tàu không xuất hiện theo cách ngày xưa. Không phải những xe đẩy bánh bao, cháo Tiều, hay nhà buôn lụa nữa. Những thương nhân Trung Quốc đi máy bay, tay cắp dự án, mạnh vốn và mạnh quan hệ hơn rất nhiều ở những nơi họ đăt chân và ngắm địa thế để làm giàu.

Chuyện người Trung Quốc đến đầu tư luôn là chuyện cả thế giới quan tâm, bởi họ là đối tác có tiềm lực, tác động cả tốt lẫn xấu cho một thị trường.

Tháng10 vừa qua có một dự án "yếu tố Trung Quốc" tại chân núi Hải Vân, sát biển gây dư luận đến nay chưa ngã ngũ. Tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp giấy phép xây dựng dự án "Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế” trên diện tích 200ha cho một công ty của Trung Quốc, với mức dầu tư 250 triệu USD.

Đó là một dự án lớn thuộc Khu kinh tế Chân Mây. Chính quyền Đà Nẵng cho rằng tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép dự án trên phần diện tích đất chồng lấn, chưa phân định rạch ròi giữa hai địa phương.

Một động thái quyết liệt từ lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng là vào đầu tháng 11 đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, với quan điểm nếu dự án World Shine - Huế xây dựng trong khu vực chồng lấn giữa ranh giới của hai địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế thì đề nghị tạm dừng, bởi giữa hai địa phương vẫn chưa thống nhất về địa giới hành chính. Việc phân định sẽ do Chính phủ quyết định.

Tuy nhiên, dư luận rộ lên sự quan tâm địa điểm xây dựng dự án được cho là vị trí nhạy cảm, không nên thu hút dự án đầu tư nước ngoài. Dư luận là một vấn đề không thể không quan tâm.

Và làm ăn thế nào với người Trung Quốc thì lâu nay cũng đã bàn đến nhiều, dù nước ta có mở rộng thị trường và quan hệ làm ăn với cả thế giới, thì cũng không thể "lơ” người láng giềng có tiềm lực mạnh mẽ, đang chi phối rất nhiều lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam và cả thế giới.

Tuy nhiên, qua dự án du lịch của nhà đầu tư Trung Quốc ở khu vực đèo Hải Vân cho thấy nhiều nơi làm ăn, liên kết còn ở thế bị động trong từng dự án. Sự lúng túng này dẫn đến việc nhiều lãnh đạo ngại trả lời công luận tại sao cấp phép hay không cấp phép dự án, tạo ra sự lo lắng không đáng có mỗi khi thấy người Trung Quốc đầu tư, làm ăn tại Việt Nam.

Khách Trung Quốc cập cảng Đà Nẵng

Tại Đà Nẵng cũng từng xảy ra việc chính quyền cho phép các đội trật tự đô thị kiểm tra và tháo dỡ những biển quảng cáo tiếng Trung ở các khu vực tập trung du khách Trung Quốc gần bãi biển, trong khi các bảng quảng cáo tiếng Anh, tiếng Nhật vẫn hiện diện.

Có lẽ chưa bao giờ có một con phố Tàu nào trên thế giới mọc lên nhanh như ở Đà Nẵng. Chỉ trong vòng hơn một năm, tại nhiều con phố cận biển ở Đà Nẵng, hàng loạt nhà mới xây cao tầng, nhà hàng, cửa hàng đặc sản, tiệm giặt ủi, thuê xe máy đều trương bảng hiệu phô trương và mời gọi khách Trung Quốc.

Ngày nào có chuyến bay là những ngày đó khu phố tấp nập mua bán. Để rồi thỉnh thoảng con phố lại nháo nhào lên vì một cuộc kiểm tra không cho phép việc dựng biển bằng tiếng nước ngoài, chủ yếu là tiếng Trung. Cách làm như vậy chỉ gây khó khăn cho chính người địa phương kinh doanh.

Anh Trần Danh Chính, một doanh nhân Việt kiều sống ở Mỹ từng du lịch hơn 200 nước và vùng lãnh thổ, kể về những con phố Tàu khắp thế giới và khách du lịch người Trung Quốc thế này: Người Trung Quốc ít nói tiếng Anh, trừ người Hồng Kông và Đài Loan, còn người lục địa đi du lịch hầu hết chỉ thích được ăn món Hoa, nói tiếng Hoa.

Vì vậy, dù du lịch Âu, Mỹ, họ cũng dành một thời gian khá nhiều để dừng lại ở phố Tàu, nơi họ được ăn uống và mua sắm bằng tiếng quê nhà. Pháp và Mỹ có nhiều kinh nghiệm xây dựng các khu phố dịch vụ dành riêng cho khách đến từ Trung Quốc.

Đó là một thị trường vô cùng lớn đem lại nguồn thu nhập tốt cho ngành du lịch, và xứng đáng có một sự đón tiếp chu đáo, giúp du khách tiêu hết số tiền dự định.

Các thành phố lớn ở Pháp và Mỹ quy hoạch và chủ động quản lý chặt chẽ ngay từ đầu những khu phố thương mại riêng, trong đó tập trung các dịch vụ mà khách Trung Quốc ưa thích, từ khách sạn đến chăm sóc sức khỏe, ẩm thực, mua sắm hàng hiệu, giao lưu với Hoa kiều.

Những khu vực có đặc thù riêng cho khách Trung Quốc, riêng khách châu Âu và khách Mỹ sẽ kinh doanh hiệu quả, vừa đảm bảo yêu cầu an ninh, trật tự.

Những kinh nghiệm này đáng suy nghĩ khi Việt Nam có thị trường khách nói tiếng Trung (Trung Quốc, Hồng Kông, Ma Cao, Singapore) tăng trưởng không ngừng trong 3 năm qua. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, lượng khách du lịch quốc tế giảm, ngành du lịch Việt vẫn có mức tăng trưởng tốt chính là nhờ các thị trường gần như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Không thể vừa vui mừng vì lượng khách nói tiếng Trung tăng nhanh, vừa thả lỏng cho các phố dịch vụ mọc tự phát, rồi bị sức ép của dư luận về phố Tàu, lại ra quân dọn dẹp, gỡ bảng biển dịch vụ bằng tiếng Hoa. Điều này không phù hợp với đặc thù kinh doanh du lịch và có gây ra những hiểu lầm có tính "kỳ thị”.

Đã có hiện tượng một số khách sạn chuyên đón khách Âu Mỹ ở Đà Nẵng từ chối nhận khách Trung Quốc từ các công ty lữ hành. Điều này cũng rất bình thường vì khi đã chuyên thị trường Âu - Mỹ, thì họ không thể đón khách Trung Quốc tốt, bởi hai phân khúc khách hàng có nhu cầu khác nhau hoàn toàn.

Vì vậy, ngay cả các khách sạn cũng nên có sự chuyên biệt hóa về nguồn khách để có những dịch vụ sát với nhu cầu. Tại các khu nghỉ mát 4 - 5 sao ven biển Đà Nẵng, đã có hàng loạt resort chuyên đón khách Trung Quốc với những dịch vụ như sòng bài, sân golf, ẩm thực, có nguồn khách ổn định với công suất phòng từ 80 - 100%.

Thị trường khách nói tiếng Trung khoảng 1,9 triệu/năm nên các hãng hàng không trong và ngoài nước đã cùng lúc khai trương nhiều chuyến bay trực tiếp, hoặc thuê bao chuyến bay hằng tuần. Thị trường đang biến đổi, vấn đề là từ chính quyền đến doanh nghiệp có sự chủ động trong quy hoạch để đón khách hiệu quả và đảm bảo các tiêu chí an ninh trật tự và phát triển hài hòa kinh tế cho địa phương.

Đó mới là phong cách và văn hóa kinh doanh hết lòng vì những người mang lợi nhuận đến mà du lịch Việt phải xây dựng vững chắc từ nền tảng. Kinh tế Việt Nam chắc chắn không thể "bế quan tỏa cảng" với bất cứ láng giềng nào.

>Ulaanbaatar "mùa lạ lùng"
>Nỗi niềm cà phê Tanzania
>
Sắc màu Pakistan
>Du thuyền trên đỉnh Bokor

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những con phố Chinatown
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO