Nhóm tín dụng và lộ trình giảm lãi suất

Chuyên gia tài chính VŨ ĐÌNH ÁNH| 28/02/2012 09:49

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã phân bổ tín dụng theo 4 nhóm: nhóm 1 được tăng trưởng tín dụng ở mức tối đa 17%, nhóm 2 là 15%, nhóm 3 là 8%, và nhóm 4 là 0%, nhưng vẫn chưa đưa ra quyết sách nào liên quan đến lộ trình giảm lãi suất cho vay và làm thế nào để giảm được lãi suất cho vay.

Nhóm tín dụng và lộ trình giảm lãi suất

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã phân bổ tín dụng theo 4 nhóm: nhóm 1 được tăng trưởng tín dụng ở mức tối đa 17%, nhóm 2 là 15%, nhóm 3 là 8%, và nhóm 4 là 0%, nhưng vẫn chưa đưa ra quyết sách nào liên quan đến lộ trình giảm lãi suất cho vay và làm thế nào để giảm được lãi suất cho vay.

Lãi suất, một trong những nguyên nhân khiến năm 2011 có tốc độ tăng tín dụng thấp so với chỉ tiêu đặt ra và trái ngược với kết quả luôn vượt chỉ tiêu của các năm trước. Việc phân bổ tín dụng theo 4 nhóm có 4 ý lớn.

Thứ nhất, đảm bảo giao chỉ tiêu cho từng ngân hàng (NH) và mục tiêu chung của năm 2012 là tăng trưởng tín dụng từ 15 - 17%. Nhưng NHNN vẫn chưa công bố bao nhiêu NH được 17%, bao nhiêu NH được 15%.

Thứ hai, việc phân nhóm căn cứ vào thực trạng, khả năng hoạt động của từng ngân hàng thương mại (NHTM) để ra chỉ tiêu, khắc phục được bất cập của năm 2011.

NHNN giao chỉ tiêu chung là 15 - 17% cho các NHTM mà không quan tâm đến khả năng thực của từng NHTM nên chỉ đạt trên 10%.

Bởi trên thực tế vẫn có NH có khả năng tăng tín dụng ở mức cao hơn và có NH tăng mức thấp hơn.

Thứ ba, khi phân nhóm, nhóm 4 không được tăng và nhóm 3 tăng thấp. Điều này sẽ thúc ép các NHTM thuộc nhóm 1 và 2 duy trì khả năng để có thể đứng trụ ở nhóm 1 và 2 sau khi NHNN xem xét lại vào 6 tháng sau (cuối quý III), đồng thời tạo động lực cho các nhóm 3 và 4 nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động để được chuyển nhóm.

Thứ tư, việc phân nhóm sẽ tác động đến chính sách lãi suất. Do không được tăng tín dụng, nhóm 3 và 4 không có sức ép phải tăng lãi suất huy động mà chỉ sử dụng phần vốn hiện có.

Việc phân nhóm cũng sẽ giảm bớt tình trạng phá rào liên quan đến trần huy động lãi suất. Như vậy, cùng với diễn biến lạm phát năm 2012, nhiều khả năng lãi suất huy động (hiện là 14%) có thể được đẩy xuống và lãi suất cho vay cũng giảm giúp DN phục hồi sản xuất.

Thực ra, trong một nền kinh tế thị trường, tự do hóa về lãi suất, không ai đi giao chỉ tiêu tín dụng cho các NH. Các NH chỉ làm một nhiệm vụ là đảm bảo các chỉ tiêu liên quan đến quản trị rủi ro, an toàn của mình. Nhưng, hiện nay, quy mô tín dụng của Việt Nam đã tăng quá lớn, buộc phải kìm lại.

Chất lượng tín dụng có vấn đề, thể hiện ở tỷ lệ nợ xấu gia tăng, bắt buộc các NH phải xử lý. Trong hệ thống NH của Việt Nam, tiềm lực các NH không đồng đều nhau, nhiều NH mới thành lập khả năng đảm bảo an toàn kém.

Do đó, sau động thái quản lý về lãi suất mà việc để trần lãi suất huy động là một ví dụ, NHNN buộc phải kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, nếu không nó sẽ vô hiệu hóa lẫn nhau.

Bước tiếp theo, NHNN phân loại NH để vừa làm lành mạnh hóa thị trường tín dụng, vừa sắp xếp lại hệ thống theo chương trình của năm 2012. Ở đây, ngoài chuyện động chạm về NH thì thông qua đó, NHNN có thể “ép” các NHTM phải kiểm soát chất lượng tín dụng hay nói cách khác là lựa chọn khách hàng cho vay.

Năm 2012, mọi hoạt động của NH đều xoay quanh chỉ tiêu 15-17%. Mức tổng tín dụng này là phù hợp với nền kinh tế. Nếu đạt mức này, các DN trông cậy vào nguồn tín dụng có thể phục hồi. Tuy nhiên, trong lịch sử tài chính Việt Nam, quý IV là quý tăng tín dụng khủng khiếp nên hoàn toàn có thể điều chỉnh mục tiêu cho cả năm. Nhưng quan trọng nhất bây giờ không phải là quy mô tín dụng mà là chất lượng tín dụng.

Chỉ thị 01/CT-NHNN có nêu định hướng tín dụng cho năm 2012, trong đó có phần liên quan đến khu vực nông thôn, DN vừa và nhỏ, xuất nhập khẩu... Nhưng trên thực tế, mới có khu vực nông thôn được giảm chút ít tỷ lệ dự trữ bắt buộc khoảng 0,5% cho khối NH có tỷ trọng cho vay tín dụng nông nghiệp nông thôn lớn. Các NH thường có chính sách ưu đãi về lãi suất song những ưu đãi đó chưa đủ mà cần bổ sung thêm.

Chỉ tiêu liên quan DN vừa và nhỏ cũng rất mù mờ, trong khi ở Việt Nam đại đa số là DN vừa và nhỏ. Nếu ưu tiên cho DN vừa và nhỏ thì đồng nghĩa với ưu tiên gần hết, chỉ loại trừ mấy NH lớn. Đặt ra một chính sách chung cho tất cả đối tượng như thế thì liệu có cần hay không?

Chúng ta nên làm ngược lại, có một chính sách tín dụng như với bất động sản hay chứng khoán, tức là ra một chính sách cho những NH lớn và chính sách còn lại là cho những NH nhỏ. Như vậy, NHNN vẫn nợ cái đó, không làm rõ được quan điểm về tín dụng cho các DN vừa và nhỏ.

Cải thiện, nâng cao chất lượng sử dụng vốn tín dụng đòi hỏi phải có thời gian. Nhưng tổng tín dụng 15-17% cũng là chỉ tiêu đề ra của năm 2011 mà kết quả chỉ đạt trên 10%. Mấu chốt vấn đề nằm ở đâu, NHNN phải tìm ra và xử lý được để đảm bảo được tốc độ tăng 15-17% cho năm 2012, bởi nếu dưới mức đó, DN tiếp tục gặp vấn đề về tiếp cận tín dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhóm tín dụng và lộ trình giảm lãi suất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO