Nhập linh kiện, chịu thuế cả xe?

14/07/2011 03:30

Chỉ vì một vài linh kiện nhập khẩu mà phải chịu thuế cả chiếc xe. Lại một nghịch lý do luật “đá” nhau mà ra!

Nhập linh kiện, chịu thuế cả xe?

Chỉ vì một vài linh kiện nhập khẩu mà phải chịu thuế cả chiếc xe. Lại một nghịch lý do luật “đá” nhau mà ra!

27%: Mức thuế nhập khẩu linh kiện ôtô nếu đạt tiêu chuẩn về độ rời rạc; nếu không sẽ phải chịu thuế đến 83%.

Ít nhất 2 doanh nghiệp ôtô là Vidamco và Tổng Công ty Công nghiệp Ôtô Việt Nam đã phải dừng hoạt động nhiều ngày qua vì vướng mắc thuế nhập khẩu linh kiện. Vướng mắc này xuất phát từ việc cơ quan hải quan cho rằng linh kiện ôtô nhập khẩu của một số doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn về độ rời rạc theo quy định trong Quyết định 05/2005 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Vì thế, chiếc ôtô có sử dụng linh kiện này phải chịu mức thuế 83% theo Thông tư 184 của Bộ Tài chính (nếu linh kiện đạt tiêu chuẩn rời rạc thì chỉ chịu thuế cao nhất là 27%).

Câu chuyện bắt đầu từ việc cơ quan hải quan yêu cầu truy thu đến chục tỉ đồng tiền thuế của Công ty Ford Việt Nam nhưng đã trở thành chuyện chung của rất nhiều doanh nghiệp lắp ráp ôtô có nhập khẩu linh kiện. Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu căn cứ như trường hợp của Ford thì số thuế phải truy thu sẽ lên đến cả ngàn tỉ đồng.

Có 2 vấn đề phải giải quyết từ câu chuyện này. Đó là có truy thu thuế hay không và sửa văn bản pháp luật nào, quy định thuế của Bộ Tài chính hay quy định về độ rời rạc của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Cố ý quên

Có truy thu thuế hay không là câu hỏi khó. Khó đến mức đã có đơn vị báo cáo lên tới Thủ tướng để xin ý kiến giải quyết. Cả ngàn tỉ đồng tiền thuế nếu không thu sẽ tạo ra tiền lệ xấu về sự nương tay của cơ quan quản lý, khiến doanh nghiệp bị “nhờn” với quy định và ngân sách thì mất đi nguồn thu lớn. Ngược lại, nếu truy thu thuế thì không ít doanh nghiệp lắp ráp ôtô sẽ gặp khó khăn.

Sự bị động của các bên đang đẩy sự việc đi vào ngõ cụt. Trong khi chờ các Bộ bàn bạc, đã có không ít doanh nghiệp lắp ráp ôtô phải dừng sản xuất. Và Bộ Tài chính đã phải làm trái quy định của chính mình bằng cách tạm cho doanh nghiệp hưởng thuế thấp. Hải quan cũng cho phép thông quan các lô hàng linh kiện nhập khẩu để doanh nghiệp duy trì sản xuất.

Điều cần biết

Các linh kiện ôtô do doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu hoặc mua của các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu thì không được tính là nội địa hóa. Mức độ rời rạc của các linh kiện nhập khẩu được quy định như sau:

• Thân ôtô: Rời thành từng mảng, chưa hàn, tán, chưa sơn tĩnh điện. Trường hợp đặc biệt phải được sự chấp thuận của Bộ Khoa học và Công nghệ.

• Khung ôtô: Đã liên kết với nhau và chưa sơn tĩnh điện. Đối với khung xe có chiều dài từ 3,7m trở lên, được phép sơn tĩnh điện trước khi nhập khẩu.

• Động cơ: Hoàn chỉnh và có thể lắp liền với bộ ly hợp và hộp số.

• Hệ thống truyền động: Đã hoặc chưa lắp cùng với hệ thống phanh.

• Hệ thống điện, đèn và tiện nghi: Hệ thống dây điện, bảng điện, đèn và tiện nghi trong ôtô để rời.

(Trích Quyết định 05/2005/QĐ-BKHC của Bộ Khoa học và Công nghệ)

Trong chuyện này có trách nhiệm của nhiều bên, nhưng trước tiên phải nói đến trách nhiệm của chính các doanh nghiệp ôtô. Công nghệ, thiết kế linh kiện ôtô thay đổi theo thời gian và doanh nghiệp chắc chắn hiểu rõ điều này. Họ cũng đã kinh doanh ở Việt Nam đủ lâu để ghi nhớ các quy định của Thông tư 184 và Quyết định 05. Do đó, lẽ ra trước khi nhập khẩu các sản phẩm không rõ ràng về độ rời rạc, họ phải có ý kiến, đề xuất sớm với các cơ quan quản lý để được điều chỉnh hoặc tư vấn.

Tuy nhiên, không chỉ Ford, nhiều doanh nghiệp đang vướng vào nút thắt này đều không báo cáo. Chỉ đến khi cơ quan hải quan truy thu thuế, họ mới đến gõ cửa các Bộ để kêu cứu. Vì thế, khó tránh việc dư luận đặt dấu hỏi doanh nghiệp vô tình hay cố ý quên để được hưởng thuế thấp. Cho đến nay cũng chỉ có Ford lên tiếng; các doanh nghiệp khác vẫn im hơi.

Các Bộ lại đá bóng

 Câu chuyện sửa quy định cũng chưa có câu trả lời. Cùng đồng tình rằng chỉ vì một hai chi tiết không đạt tiêu chuẩn về độ rời rạc mà áp thuế cả chiếc xe theo mức 82% là chưa hợp lý, nhưng những người có trách nhiệm của 2 Bộ lại cho rằng, không hẳn là do quy định của bộ mình.

Một lãnh đạo của Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, Quyết định 05 (được ban hành từ năm 2005) là để phục vụ mục tiêu nội địa hóa. Công nghệ thì luôn thay đổi, nhưng Bộ Tài chính lại sử dụng các quy định này làm cơ sở thu thuế. Ông này cũng “trách” Bộ bạn chỉ vì một chi tiết không đạt tiêu chuẩn mà thu thuế cả chiếc ôtô, cho dù doanh nghiệp đã thực hiện nội địa hóa một phần, đào tạo công nhân lắp ráp, tạo công ăn việc làm trong nước.

Trong khi đó, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, lại cho rằng, vấn đề nằm ở Quyết định 05 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Ông nói: “Xác định mức thuế nào thì căn cứ vào độ rời rạc; còn mức độ rời rạc thế nào lại căn cứ vào quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ. Do vậy, cơ quan chủ trì vấn đề này phải là Bộ Khoa học và Công nghệ”.

Xem ra khó để phân định trách nhiệm thuộc về Bộ nào. Nhưng rõ ràng nhận định của một lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ là đúng, khi cho rằng, chỉ vì một phần linh kiện chiếm 1-2% giá trị chiếc xe không đạt mức độ rời rạc mà buộc 98-99% giá trị còn lại phải chịu thuế suất 83% là không hợp lý. Điều này có thể khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu xe nguyên chiếc hơn là lắp ráp trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhập linh kiện, chịu thuế cả xe?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO