Nhân phẩm một vùng đất

BÍCH HỒNG| 21/03/2015 09:07

Nhiều người hăm hở lên đường làm chuyến phượt Xuân đến các vùng miền nổi tiếng phía Bắc, nhưng hành trình trở về trĩu nặng ưu tư.

Nhân phẩm một vùng đất

Nhiều người hăm hở lên đường làm chuyến phượt Xuân đến các vùng miền nổi tiếng phía Bắc, nhưng hành trình trở về trĩu nặng ưu tư.

Đọc E-paper

"Chúng ta mất Sapa rồi" là lời than thở phổ biến của các "phượt thủ” khi hòa trong dòng người đông đúc lồ lũ lượt chơi Xuân. Sapa với những buổi tối lập lòe ánh đèn, quảng trường nhà thờ inh ỏi tiếng nhạc disco từ các quán cà phê.

Và đường xuống bản Cát Cát chỉ đơn thuần là dãy chợ kéo dài bán hàng thổ cẩm. Rồi những đám trẻ con lặp đi lặp lại những câu xin xỏ hoặc bán hàng với âm thanh đều đều vô hồn, ánh mắt van xin hoặc lạnh lẽo.

Và nhìn theo xu hướng phê phán, Sapa quả nhiên đã biến dạng khá nhiều về môi trường sống, trong đó các điều kiện sống dẫu tốt lên, nhưng có những mất mát về lối sống, ứng xử và phong tục tập quán nhiều thay đổi. Một sự thay đổi đáng báo động về tính bền vững của phát triển lâu dài!

Nhiều người cho rằng, du lịch ở Việt Nam theo khuyến nghị của các nhà tư vấn quốc tế làm đại trà để giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Nhưng sự phát triển quá nóng này đã đè nặng lên một vùng văn hóa. Ngay trong sự đặc sắc về văn hóa đã chứa đựng những mỏng manh dễ tổn thương, nên những gì đang diễn ra ở Sapa sao tránh khỏi biến dạng và mất mát.

Và hầu hết chúng ta nhìn vào một vùng đất đều mong muốn áp đặt lên đó những nhu cầu của chính chúng ta, nhu cầu thưởng thức văn hóa nguyên sơ, nhu cầu về môi trường thiên nhiên, nhưng chỉ muốn trả một món tiền rất tượng trưng cho những thứ đã hưởng thụ.

Tôi nhớ lại câu chuyện hơn 15 năm về trước có dịp đi về các vùng miền núi phía Bắc. Khi ấy chợ du lịch ở Sapa hay Bắc Hà đều đã manh nha, nhộn nhịp, nhưng chưa (tạm gọi là) xô bồ như hiện nay. Trong đêm, tôi gặp một phụ nữ ngồi thêu ở chân cầu thang nhà. Tôi đề nghị sẽ chờ mua chiếc khăn thổ cẩm chị đang thêu dở.

Người phụ nữ HMông đã vui vẻ tiếp tục thêu, vừa trò chuyện về gia đình, về những đứa con, những suy nghĩ hồn nhiên và tốt đẹp. Đến hai giờ sáng chị hoàn tất chiếc khăn và nói với tôi một con số. Tôi thấy số tiền chị yêu cầu rất xứng đáng, dù nó đắt gấp ba lần chiếc khăn bán ngoài chợ.

Người đàn bà HMông hồn nhiên ấy đã biết trân trọng lao động, biết gửi gắm tâm hồn qua câu chuyện với khách, và không tiếc công sức giữa đêm khuya để làm sản phẩm theo mong muốn của khách.

Trở về thành phố, trước ánh mắt thờ ơ của nhiều người khi nhìn miếng khăn vuông thổ cẩm với hoa văn của người HMông, tôi thường phải kể kèm theo cảm xúc của mình về một đêm ngồi bên người phụ nữ ở chân cầu thang, lắng nghe những câu chuyện của chị về bản làng và gia đình, và chờ đợi chị ấy thêu nốt những hoa văn cuối cùng. Và tôi thấy ai cũng trân trọng câu chuyện đó!

Vì vậy, tôi nghĩ rằng phẩm giá của một vùng đất không hề bị tổn thương dù nó đang có những vấn đề phải đối mặt. Trách nhiệm chính là ở những người khách thậm xưng về văn hóa, nhân danh đem sung túc và văn minh đến một vùng đất khác để hưởng thụ tham lam, nhưng tìm mọi cách trả lại ít tiền nhất, ít tốn công sức, trách nhiệm nhất, ít tình cảm nhất!

>Chiêm ngưỡng Sapa từ trên cao
>Sapa qua ống kính nhiếp ảnh gia Thái Lan
>
Thu này ở Sapa...
>Đến Sapa lại tiếc Pleiku

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhân phẩm một vùng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO