Nhà có bà người

VŨ KIM LIÊN| 28/11/2011 08:54

Ba mươi tuổi, mẹ tôi trở thành góa bụa. Lúc bố mất, chị Lam bảy tuổi, còn tôi mới lên bốn. Nhà chỉ có ba mẹ con đàn bà, con gái nương dựa vào nhau trong một gian nhà tập thể. Năm tháng trôi qua, nhờ sự giúp đỡ của cơ quan và sự tảo tần của mẹ, chúng tôi lớn dần lên và cũng có được một mái nhà riêng.

Nhà có bà người

Ba mươi tuổi, mẹ tôi trở thành góa bụa. Lúc bố mất, chị Lam bảy tuổi, còn tôi mới lên bốn. Nhà chỉ có ba mẹ con đàn bà, con gái nương dựa vào nhau trong một gian nhà tập thể. Năm tháng trôi qua, nhờ sự giúp đỡ của cơ quan và sự tảo tần của mẹ, chúng tôi lớn dần lên và cũng có được một mái nhà riêng.

Ngôi nhà gỗ đơn sơ, lợp ngói, của nả chẳng có gì nhiều ngoài một cái tủ cũ kỹ, bé tí được chế từ cái thùng đạn thời chiến tranh. Một chiếc valy con ông ngoại cho lúc mẹ đi thoát ly. Vài ba cái chậu, xoong, nồi, mấy chiếc bát... đủ cho ba mẹ con sinh hoạt hằng ngày.

Mặc dù chỉ hơn tôi ba tuổi, nhưng chị Lam luôn tỏ ra là một người lớn. Chị dành lấy mọi việc trong nhà để mẹ tôi yên tâm đi làm, kể cả việc dạy dỗ đứa em lười nhác là tôi học hành hàng ngày. Học hết cấp ba, chị thi đỗ vào một trường Trung cấp.

Trước khi lên đường, chị trao lại toàn bộ sách vở cho tôi. Chị dặn dò tôi ở nhà chịu khó học tập và làm việc nhà đỡ đần cho mẹ. Chị Lam đi rồi, căn nhà như rộng thêm ra.

Mấy năm sau, chị tốt nghiệp, ra trường rồi đi làm, cũng là lúc tôi bước chân vào trường Cao đẳng và mẹ về nghỉ hưu. Ngày giỗ bố, chị Lam dẫn về một người con trai và giới thiệu đó là người yêu của chị. Lúc chỉ có hai chị em, tôi bảo:

- Em thấy anh ấy lành quá chị ạ. Đàn ông gì mà ít nói thế?

Chị cụng vào đầu tôi:

- Em nhìn thế nào mà lại bảo anh ấy lành?

Thấy chị có vẻ mãn nguyện, tôi không nói gì thêm. Mấy tháng sau, đám cưới chị được tiến hành. Hôm đưa dâu, trời mưa tầm tã. Mẹ tôi kéo áo lau nước mắt:

- Số chị mày rồi khổ con ạ!

Dẫu chẳng biết số má là gì nhưng nghe mẹ nói, tôi cũng thấy chạnh lòng.

... Tốt nghiệp loại ưu, tôi được điều về công tác ở gần nhà. Ngoài giờ đi làm, hai mẹ con quấn quýt bên nhau. Nhiều lần, mẹ ướm hỏi chuyện riêng tư, tôi chỉ cười:

- Con không lấy chồng đâu mẹ ạ!

- Cha bố cô, định làm bà cô già hay sao?

- Con ở với mẹ, sao mẹ lại nói con là bà cô? Mẹ cần có cháu bế thì đã có bé Sen con chị Lam rồi. Nếu mẹ thấy chưa đủ thì để con bảo chị...

Nói đến đấy, tôi im bặt vì biết mình lỡ lời. Mẹ tôi thở dài như muốn chấm dứt cái sự ngang ngạnh của tôi.

Hai mẹ con cứ sống như vậy mà tôi thì không hề nghĩ tới chuyện một ngày nào đó mẹ sẽ lại tiễn tôi đi lấy chồng như đã từng đưa chị Lam về nhà chồng. Thỉnh thoảng vợ chồng chị đưa bé Sen về thăm bà ngoại. Những ngày ấy cả nhà tôi rất vui.

Bẵng đi gần một năm, không thấy anh chị đưa cháu về chơi, mẹ sốt ruột bắt tôi xin nghỉ để đi thăm cháu. Lâu mới gặp, tôi thấy chị gái mình gầy rộc, hốc hác hẳn. Đôi mắt chị thâm quầng, mệt mỏi. Tôi thăm dò:

- Chị bị bệnh phải không?

- Chị có ốm đau gì đâu.

Nói rồi, chị quay mặt đi, giấu hai hàng nước mắt. Đêm nằm, chị mới kể cho tôi nghe mọi chuyện. Lâu nay, chị luôn tin tưởng anh Hùng, chồng chị. Nhưng chẳng hiểu vì sao mấy tháng nay anh lại đổ ra ham mê cờ bạc, rượu chè.

Hầu như hôm nào đi làm về, trong người anh cũng có chút ít men rượu. Ban đầu anh bảo, bạn bè cũ gặp nhau, uống chút cho vui, với lại nhiều khi công việc cũng cần phải có ít rượu cho dễ thông đường...

Có những lần anh Hùng say đến nỗi không biết đường về nhà, chị phải đi tìm. Đến tìm thì anh lại mắng chị làm mất sĩ diện, làm hỏng việc của anh!... Chị động viên, khuyên nhủ mãi chẳng được. Không khí gia đình lúc nào cũng căng như sợi dây đàn. Bạn bè động viên, cơ quan nhắc nhở mà nào anh ấy có nghe.

Một lần bé Sen bị ho, tưởng chỉ đơn giản như mọi lần nên chị cho bé uống thuốc rồi đưa đến lớp mẫu giáo. Công việc cuối năm nhiều quá nên chị không thể nghỉ để ở nhà trông con. Đến chiều, cô giáo của bé Sen đến cơ quan tìm và cho chị biết bé bị sốt cao, khó thở phải đưa vào bệnh viện.

Chị vội vàng lao đến với con. Chân chị khuỵ xuống khi nhìn thấy các bác sĩ đang cho bé thở oxi. Sau đó, chị được biết Sen bị viêm phổi cấp tính, may mà được đưa đi viện kịp thời. Đêm ấy, anh Hùng không về nhà.

Một mình chị ngồi bó gối nhìn bé Sen thiêm thiếp trên giường bệnh. Thương con rồi lại trách chồng vô tâm khiến chị không sao chợp mắt nổi. Mãi trưa hôm sau anh mới về nhà. Nghe tin, anh vào viện thăm con. Câu đầu tiên anh nói với chị:

- Cô trông nom thế nào mà để con bé ốm đi viện cũng không biết?

Chị ngước đôi mắt mệt mỏi nhìn anh, còn bé Sen cứ ôm chặt lấy mẹ, hệt như những lần bố say rượu ở nhà. Anh hầm hầm bỏ về, để lại câu nói:

- Cô chỉ là đồ vô tích sự!

Mất một tuần lễ, bệnh của bé Sen mới ổn định và được ra viện. Anh vẫn cứ đi tối, ngày. Mãi sau này chị mới biết đêm ấy anh đã đi đánh bài cả đêm rồi bị thua cháy túi, hôm sau về nhà lấy tiền mới hay chuyện bé Sen bị ốm.

Cuộc sống của chị cứ thế trôi đi từng ngày. Từng ngày nặng nề, ngột ngạt. Chị chỉ còn biết hy vọng anh sẽ nghĩ lại và trở về đích thực là người đàn ông khi xưa chị đã từng yêu tha thiết. Nhưng càng ngày anh càng tỏ ra bất cần hơn. Đến lúc không chịu đựng được nữa, chị mới hỏi:

- Anh còn muốn gì nữa?

Thật không ngờ, anh hét toáng lên:

- Tôi cần một đứa con trai chứ không cần cái loại “vịt giời” như cô!

Thì ra là thế, dăm năm trước, khi sinh bé Sen, chị tôi phải mổ và từ đấy, chị vĩnh viễn không còn khả năng sinh nở được nữa. Biết vậy, chị đã hết lòng chăm lo, chiều chuộng chồng con... Vậy mà,...

Nhớ lại câu nói của mẹ ngày chị đi lấy chồng, tôi bất giác thở dài: Không lẽ trên đời này có số thật? Bỗng dưng tôi cảm thấy ân hận vô cùng bởi lời nhận xét hồ đồ của mình về ông anh rể tương lai hồi ấy.

Hai tháng sau, chị Lam ra Tòa li dị. Gia đình chồng đòi nuôi bé Sen. Chị xin chuyển về quê công tác.

Chiếc valy - kỷ vật của ông ngoại được mẹ tặng lại lúc chị đi học và bôn ba theo chị những năm tháng dài bên chồng, con giờ lại trở về đúng vị trí năm xưa.

Và, thế là nhà tôi lại có ba người. Ba người phụ nữ mà mỗi cuộc đời đều có một nỗi niềm riêng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà có bà người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO