Người Việt phải biết tự trọng

NGUYỄN MINH NHỊ| 17/09/2009 08:31

Những năm 1990, tôi mấy lần có dịp đi nước ngoài, người ta tưởng mình là người Trung Quốc, người Nhật. Xưng là VN, họ trố mắt nhìn như người chưa từng biết!

Người Việt phải biết tự trọng

Sính hàng ngoại, sính chữ ngoại - căn bệnh trầm kha của không ít người Việt - Ảnh Quý Hòa

Cách đây hơn 40 năm, Trường Thủ Khoa Nghĩa Châu Đốc có ra đề thi môn văn cho thí sinh vào đệ thất - lớp 6 hiện nay: "Em hãy bình giảng câu: Xài hàng nội hóa là yêu nước". Trên các báo Sài Gòn thời ấy cũng thường xuyên cổ súy tinh thần này.

Trong khi đó, hàng hóa ngoại nhập, nhất là hàng "viện trợ Mỹ" là chủ yếu trên thị trường. Trong dân người ta truyền miệng nhằm tẩy chay hàng Mỹ: Ăn bột ngọt (mì chính), rau củ có bón phân urê sẽ bị mục xương, ăn cá rô phi bị cùi, sữa bột là sữa tắm cho phụ nữ cô đặc lại... Dân ta tin lắm. Tin không gì ngoài lý do ghét Tây, ghét Mỹ xâm lược, đè đầu cỡi cổ dân ta! Tinh thần ấy là sự hòa quyện và tiếp nối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vừa mới kết thúc và cuộc chống Mỹ cứu nước vừa mới bắt đầu. Đó chính là biểu hiện của tinh thần ái quốc.

Những năm 1990, tôi mấy lần có dịp đi nước ngoài, người ta tưởng mình là người Trung Quốc, người Nhật. Xưng là VN, họ trố mắt nhìn như người chưa từng biết! Ngày ấy hàng không VN bán vé ở một góc nhỏ sân bay của bạn, trông thật tủi. Dân mình thời ấy đi nước ngoài mua hàng lỉnh kỉnh, từ hàng điện tử cho đến xà bông..., nhìn mà cảm thấy ê ẩm trong người!

Nhờ có đổi mới mà nỗi tủi nhục này trong tôi mới được gột rửa dần, thậm chí đôi khi tôi còn cảm thấy hơi "phổng mũi" trước một số bạn bè đến VN tham quan, chia sẻ kinh nghiệm! Nhưng cũng thật trớ trêu là bên cạnh niềm tự hào vừa mới trỗi dậy thì nỗi xót xa cũng ập đến bởi sự "hội nhập" thái quá của một số hạng người, hay nói đúng hơn là bệnh dịch "sính ngoại", "sính sang", "sính bằng cấp", "sính tiếng Tây"...

Trên đường phố ta mà thấy bảng hiệu ngỡ khách sạn, nhà hàng, cao ốc là ở bên Tây (chớ không phải bên Nhật, bên Tàu, bên Thái... vì họ phân biệt hơn ta), thậm chí tên một số dự án đọc cũng ngỡ bên Tây. Thật hết biết! Người Việt mình ở Mỹ phần nhiều đều giỏi tiếng Mỹ, nhưng họ vẫn gọi Hoa-thịnh-đốn, Mễ-tây-cơ, Phi-luật-tân...Tôi biết cách gọi và viết kiểu này hiện đang có nhiều ý kiến, nhưng điều tôi muốn nói là dù vậy thì phẩm chất VN có bị tổn thương không? Ngược lại, ngoại nhập từ đầu đến chân mới là đáng nói.

Xài hàng nội là yêu nước thì người sản xuất cũng phải vì yêu nước mà sản xuất cho đàng hoàng, người bán hàng cũng phải biết lịch sự và trung thực. Đó là phẩm chất vốn có của người VN. Mọi chệch choạc không phải tự nó mà chính là từ giáo dục ở nhà trường, gia đình, pháp luật, dư luận xã hội, và nhất là từ khâu quản lý của chính quyền. Nông dân xài phân giả mà bị "đề nghị phạt"; quảng cáo trên đài nhà nước ai mà không tin; bán hàng đa cấp và giá sữa trên mây (trên cả Tây), người tiêu dùng, nhất là nông dân như lâm vào mê hồn trận, bị vét sạch túi. Còn có chuyện trái khoáy nữa là ông "Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng" có khi là doanh nhân thì bảo vệ người mua hay người bán?

Chúng ta không nôn nóng cầu toàn, mọi việc đều có quá trình, quá độ. Nhưng bước quá độ nếu bước quá dài qua năm ba thập kỷ, đủ cho một thế hệ người trưởng thành và tàn lụi (về hưu) thì sẽ thành văn hóa cộng đồng. Đó là điều đáng sợ. Phải khẩn trương hơn, từ nói đến làm mới bảo toàn văn hóa Việt! Chúng ta muốn sớm trở thành nước công nghiệp trong sự kính trọng của bạn bè, đối tác thì trước hết phải là “người Việt biết tự trọng”!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người Việt phải biết tự trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO