Người Việt ở Lào và Thái

VĂN CÔNG HÙNG| 11/05/2010 09:36

Păk Sế là thị xã lớn thứ ba trong hệ thống các đô thị của Lào, nhưng lại rất nhỏ so với các thị xã ở Việt Nam. Ở đây rất đông người Việt, những người Việt tha hương đã hai ba đời nhưng rất may mắn là họ vẫn học và nói tiếng Việt

Người Việt ở Lào và Thái

Sa Van người tìm nhau

Păk Sế là thị xã lớn thứ ba trong hệ thống các đô thị của Lào, nhưng lại rất nhỏ so với các thị xã ở Việt Nam. Ở đây rất đông người Việt, những người Việt tha hương đã hai ba đời nhưng rất may mắn là họ vẫn học và nói tiếng Việt. Thường là họ sang từ những năm 30 thế kỷ trước trong những cuộc di dân đầy máu và nước mắt.

Lò chả của người Việt ở U Bon

Khi sang Thái, chúng tôi cũng gặp những người Việt tha hương như thế. Gặp đồng hương họ rất mừng, nhưng hỏi gốc gác thì ú ớ, vì là thế hệ thứ hai hoặc thứ ba rồi, bố mẹ, ông bà họ, những người Việt chính cống, khi sang là những thanh thiếu niên mười sáu, mười bảy tuổi, giờ đã ra người thiên cổ. Mà khi họ chết thì đường sá chưa thông thương như bây giờ. Hồi ấy, nói đến Việt Nam là thấy xa vời vợi...

Bây giờ, xe đò, máy bay... đủ cả. Từ Pleiku hoặc Quy Nhơn đều có xe chất lượng cao chạy thẳng đến Păk Sế một tuần mấy chuyến, Đà Nẵng, Huế, Đông Hà lại càng dễ nữa khi xe chạy đường cửa khẩu Lao Bảo, chưa kể họ có thể tự lái xe nhà về Việt Nam.

Một đặc trưng của Việt kiều ở Lào và Thái là họ đều nói tiếng... Huế. Gặp những người nói tiếng Huế dẻo quẹo, cả những phương ngữ như “nh” thành “d”, thành ra "nhớ nhà" thành "dớ dà", nhưng khi hỏi thì lại quê gốc ở... Ninh Bình. Thì ra họ sống trong cộng đồng và học tiếng lẫn nhau, lấy tiếng Huế làm tiếng... Việt.

Bên cạnh hệ thống trường học của nước bản địa thì cộng đồng người Việt đều có các lớp học tiếng Việt do hội người Lào gốc Việt (hoặc người Thái gốc Việt, họ thích lấy tên này chứ không chịu là hội Việt kiều hoặc hội người Việt Nam) bảo trợ và có treo thưởng hẳn hoi.

Tôi biết mỗi hè đều có một vài chuyến du lịch của các cháu học sinh ở Păk Sế về Việt Nam. Đây là các cháu đoạt giải trong cuộc thi viết chữ Việt đẹp. Cháu Trần Thị Thu Nhi, tên Lào là Chăn Đa, con chị chủ quán phở, đang rất háo hức vì cháu được giải ba cuộc thi này. Đây là một gia đình Việt thành đạt, bố người Nam Định, mẹ người Quảng Bình, sang Păk Sế năm 1930 khi thị xã này đang còn là một... khu rừng. Đến cháu Nhi này là thế hệ thứ tư rồi mà phong cách Việt vẫn còn rất đậm. Mấy anh chị em quây quần trong một dãy nhà lầu gồm nhà hàng, khách sạn, tiệm internet...

Khách sạn tôi ở thuộc loại khá nhất Păk Sế nhưng không có internet (và cũng không có kem đánh răng, dép đi trong phòng...). Đêm đầu tiên, tôi phải ra phố để dùng internet và vào đúng nhà này. Đang loay hoay đổi font chữ thì chợt nghe tiếng Việt. Mừng húm! Thì ra người mẹ đang dạy con tiếng Việt.

Ở đây còn khu chợ, khu phố Đào Hương, của một người phụ nữ Việt giàu có nổi tiếng ở Lào, còn đậm chất Việt hơn. Sang thành phố U Bon ở Thái Lan cũng có một khu phố toàn người Việt và chuyên làm giò chả, thuê rất đông nhân công Thái làm mà không mất công thức gia truyền. Thế nên, nhiều lúc anh em chúng tôi đang đi giữa đất Lào, đất Thái mà cứ tưởng như đang ở Việt Nam...

Ở Muk Da Han có nguyên một cái chợ âm dưới lòng đất ngay bên bờ sông Mê Kông, tên là chợ Đông Dương nhưng đến một nửa là người Việt, toàn nói tiếng Huế, dù chả phải người Huế. Vợ chồng anh Trần Văn Sanh, chị Mai Thị Khen có sạp hàng rất lớn nhưng chị chưa về nước lần nào.

Cháu Trần Thị Văn, tên Lào là Madi Văn, con thứ tư của anh chị, rất xinh gái, đi mua đãi chúng tôi mỗi người một ly cà phê to tổ bố, hút bằng ống hút. Vật giá ở Lào, trừ ô tô, còn là đều đắt hơn ở Việt Nam. Như cái phòng tôi ở giá 30USD, nếu ở Việt Nam giá 300 ngàn đồng là hết ngạch. Internet 6 - 8 ngàn kíp một giờ, tức khoảng 12 -15 ngàn đồng Việt Nam.

Ông Nip Pôn và Bác Hồ

Ở U Bon có sân bay U Bon, đây là một trong ba sân bay mà ngày xưa Mỹ đã thuê của Thái Lan để dùng cho máy bay quân sự đi ném bom Việt Nam (U Bon, U Đon và U Ta Pao). Ông Nip Pôn, tên Việt là Bôn, giờ là Chủ tịch Hội Người Việt ở U Bon (hiện chia ra làm ba hội và hội cũ của ông đổi tên là Hội Người Thái gốc Việt, còn hai hội kia là Hội Yêu tiếng hát và Hội Công nhân thợ may), kể rằng, thời chiến tranh, ở đây máy bay lên xuống nườm nượp, có lần một tiểu đội đặc công Việt Nam đã vào tận sân bay này để phá máy bay, nhưng bị lộ ngay từ vòng ngoài. Ba chiến sĩ hy sinh và sáu người bị bắt, ra tòa án Thái Lan, và... được thả.

Lý do là cả sáu chiến sĩ đều nói rằng: "Chúng tôi không đánh Thái Lan mà đánh Mỹ. Mỹ mang bom sang Việt Nam ném, chúng tôi đánh máy bay Mỹ".

Mấy ngày nay tình hình Thái Lan bất ổn, hết áo xanh đến áo đỏ biểu tình. Ở ngoài nghe có vẻ căng thẳng, nhưng ông Bôn bảo, ngay vợ chồng ông, hai người theo hai Đảng, ăn cơm chung ở nhà xong là hai người hai phe ra đường biểu tình, giơ... nắm đấm cho nhau, xong tối lại về ngủ với nhau.

Ở U Bon có rất nhiều người thờ hoặc giữ các kỷ vật về Bác Hồ. Ông Bôn có một cuốn album chỉ sưu tầm ảnh Bác Hồ, hàng trăm bức ở mọi thời kỳ, từ tấm ảnh thuở Bác phụ bếp trên tàu Latouche-Tréville đến ảnh ở đại hội Tours, từ ảnh Bác tát nước đến ảnh lễ tang Bác... Trong đó có một bức lần đầu tiên tôi thấy, ấy là bức ảnh Bác trong vai nhà sư thời Bác hoạt động ở Thái Lan.

Rất ngạc nhiên là nhiều người nhớ quê mình rất lõm bõm dù họ cũng đã từng về theo đường... du lịch. Ông Bôn kể, cách về Việt Nam dễ nhất là thuê xe Lào để chạy. Xe Việt Nam chưa chạy thẳng sang Thái được và ngược lại. Hôm đi, xe dừng ở biên giới Pak Sế U Bon, xe Thái đón chúng tôi, sau đó đưa đến Muk Đa Han để chúng tôi nhập cảnh Lào bằng đường Sa Vẳn, xe Việt Nam lại chạy xe trống lên đấy đón. Vậy nên cách tốt nhất là thuê xe biển số Lào vì xe Lào chạy được cả sang Thái và Việt Nam.

Điều ấy cũng lý giải tại sao đôi khi ta thấy có xe biển số Lào chạy trên đường. Mà thêm nữa, ở Thái Lan chạy xe tay lái nghịch, nên có cho phép nhập cảnh cũng chả chạy được ở Việt Nam. Ông Bôn còn hí hửng khoe: “Mà sang Việt Nam có nhiều cảnh sát giao thông, mình lái xe Lào phạm luật xuống xin đều được thông cảm. Chỉ có điều đường sá và các quán ăn dọc đường Việt Nam mất vệ sinh quá!”.

Mới đây xem tivi thấy đưa tin bãi đá cổ Sa Pa đã không còn... cổ, bởi bên cạnh những hình vẽ, chữ viết bí ẩn của người tiền sử hàng mấy nghìn năm đã xuất hiện rất nhiều chạm trổ của thanh niên thời nay như một sự... lưu danh thiên cổ. Ở Muk Đa Han cũng có một khu còn cổ hơn ở Sa Pa là vườn quốc gia Pha Taim, nơi có một cái hang lộ thiên mà trên ấy còn lưu những hình vẽ của người tiền sử sống cách đây chừng ba, bốn nghìn năm.

Nườm nượp người đi rồi đến mà chả thấy ai "lưu danh" như người Việt ta cả. Hết sức tự giác từ chuyện không bao giờ thả một đầu mẩu thuốc lá cho đến cái bã kẹo cao su. Nếu có ai đó vứt một cái vỏ chai nhựa nằm tênh hênh đâu đó thì chắc là... quân ta thôi.

Sang U Bon thế nào cũng được giới thiệu đến thăm khu phố giò chả của người Việt, như một sự vinh dự tự hào. Mà tự hào thật. Nguyên chuyện gặp một ông chủ, bà chủ béo múp míp, nói tiếng Việt phe phé, tay bắt mặt mừng và mời nếm giò chả là đủ tự hào rồi.

Chưa hết, mỗi nhà như thế có vài chú người Thái làm thuê, làm chăm chỉ và cần mẫn lắm, đúng nghĩa làm thuê. Đoàn chúng tôi có đến hơn một nửa mua giò chả, thịt bò khô từ đây mang về, cứ làm như các hàng giò chả Việt Nam biến đâu hết, làng Ước Lễ đình công hết...

Về thôi Lào ơi

Rồi cũng phải về, nhoáy cái đã hết tuần. Tiền vẫn chật túi. Cây cầu Hữu Nghị do người Nhật làm bắc qua sông Mê Kông là cửa khẩu Thái Lào. Làm thủ tục từ bên này rồi lên xe Thái sang bên Sa Van Na Khẹt đổi xe. Có một tuyến xe buýt chạy nối hai cửa khẩu qua cầu Hữu Nghị này.

So sánh thì khập khiễng, nhưng quả thực là cửa khẩu Thái hoành tráng hơn, thao tác thủ tục cũng nhanh hơn. Bên Lào rất chậm vì chủ yếu làm bằng tay, thậm chí khách không có bàn hoặc một cái gì tương tự để kê giấy khai.

Đã thế còn... vòi vĩnh. Giá vé ghi xe qua cửa khẩu năm mươi ngàn kíp, họ lấy bảy mươi ngàn, không đưa thì... khỏi qua. Làm gì nhau! Cửa khẩu Việt Nam cũng oách ngang Thái Lan, tất cả thủ tục làm bằng máy, nhanh và gọn. Nói điều này với một người bạn, anh ta trề môi: "Thế mà cũng so sánh". Tôi cũng chả hiểu anh ta nói như thế là thế nào?...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người Việt ở Lào và Thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO