Người ta chê người mình

KHẢI LY| 27/09/2014 03:50

Khi phân tích những va chạm dẫn đến việc lộn xộn ở những trung tâm du lịch lớn, du khách nội địa bắt đầu bực mình vì bị đối xử "tệ” ngay trên chính quê nhà, có người giải thích đó là vì những cuộc va chạm văn hóa khi Việt Nam mở cửa.

Người ta chê người mình

Khi phân tích những va chạm dẫn đến việc lộn xộn ở những trung tâm du lịch lớn, du khách nội địa bắt đầu bực mình vì bị đối xử "tệ” ngay trên chính quê nhà, có người giải thích đó là vì những cuộc va chạm văn hóa khi Việt Nam mở cửa.

Đọc E-paper

Tại sao, có phải vì du khách Việt chi tiêu ít hơn khách nước ngoài, hay còn điều gì đó sâu xa? Còn nhớ ở Phan Thiết có một cửa hàng bán sản phẩm làm từ da cá sấu đã "dám" treo bảng không tiếp người Việt. Dư luận phản ứng dữ dội.

Chiếc bảng đã được tháo xuống, nhưng trong lòng người Việt khi đi du lịch đây đó vẫn còn lưu giữ chút uẩn ức khi bắt gặp những ánh mắt lạnh nhạt mỗi khi bước vào nhà hàng, khách sạn, hoặc bị nhân viên nhìn chằm chằm khi vào cửa hàng thời trang.

Ở Hội An, địa phương nổi tiếng thân thiện, gần gũi nhưng thỉnh thoảng người làm dịch vụ vẫn bị dư luận chê bai . Nhiều người Việt cho rằng nếu vào cửa hàng, quán cà phê, nhà hàng đang có khách nước ngoài, thì chắc chắn người Việt sẽ phải chờ đợi phục vụ sau.

Sự lạnh nhạt dẫu tinh vi cũng không thể qua mặt khách hàng. Nhiều cuộc cãi cọ không đầu đuôi đã diễn ra, mà cả chủ lẫn khách đều không cắt nghĩa rõ ràng cái làm cho họ khó chịu về nhau.

Nhưng đó là sự thật. Và sau những than phiền của khách hàng trong nước, giới kinh doanh cũng nhiều người có "tâm sự" đa chiều. Bà chủ một spa ở quận 1, TP.HCM sau một thời gian nhắm vào khách nội địa cao cấp đã phải chuyển hướng sang khách nước ngoài.

Chị sử dụng câu tục ngữ "Nén bạc đâm toạc tờ giấy" theo nghĩa không chuẩn, nhưng ý muốn nói khách hàng Việt coi đồng tiền rất to, muốn chỉ một lần đi spa ra là phải đẹp ngay, khỏe ngay, mà không chịu hiểu đi spa chăm sóc sức khỏe, nhan sắc là một quá trình lâu dài.

Sự không hiểu biết của một số khách hàng Việt đã tạo ức chế, đến mức bà chủ quyết định chuyển hẳn sang phục vụ cho người nước ngoài.

Hãy để ý nhân viên phục vụ khách sạn thích xách đồ lên phòng cho người nước ngoài hơn người Việt. Người phục vụ nhà hàng cũng thích khách Tây hơn khách Việt.

Vấn đề là người Việt chưa quen với chuyện chi tiền "tip", ít cảm ơn người phục vụ mình, trong khi khách Âu - Mỹ coi đó là chuyện đương nhiên, không phân biệt dịch vụ sang hèn. Khi được phục vụ món ăn, thức uống, khách nước ngoài còn luôn miệng cám ơn rất lịch sự khiến nhân viên vui vẻ.

Nhiều nhà hàng ở Việt Nam ghi rõ khoản phí phục vụ trên hóa đơn còn bị khách càu nhàu, vì vậy chuyện tự giác cám ơn bằng món tiền nhỏ vẫn chưa được người Việt để ý chi trả mọi nơi mọi lúc. Có những bàn tiệc sang trọng, đông vui, nhân viên phục vụ tận tình nhưng khách không để lại tiền "tip" cũng không phải chuyện lạ.

Chẳng hiếm những mâu thuẫn xảy ra khi khách vào nhà hàng ăn nhưng lại mang theo rượu. Khi nhân viên thông báo phải chi trả 10% phí phục vụ trên giá chai rượu (theo quy định riêng của nhiều nhà hàng) thì xảy ra tranh cãi, thậm chí khách hàng xô ghế đứng dậy đi ra. Một vài sự khác biệt đó dẫn đến nhân viên phục vụ thích khách Âu - Mỹ hơn là chuyện không tránh khỏi.

Nhiều chủ cơ sở dịch vụ còn cho biết, khách hàng Việt đi đâu cũng ồn ào, nên nếu chỗ họ đón khách Việt thì khách nước ngoài sẽ không đến.

Nghịch lý này tồn tại khiến người làm dịch vụ nhiều lúc "muối mặt" đuổi khéo khách Việt để đón khách Tây, dẫn đến xuất hiện những clip, hình ảnh mỉa mai người Việt ngay trên đất nước mình. Điều đó cho thấy mâu thuẫn giữa chủ cơ sở dịch vụ và khách hàng có thể xảy ra ở ngay nơi dịch vụ cao cấp chứ không chỉ trên đường phố.

Có khi nào bạn tự an ủi rằng, cái quán kia đông khách Tây vào, nhất định chẳng hợp với ta, vậy ta sẽ chọn một quán khác?

>Du lịch nhìn từ con phố tây
>Phượt cùng khách Tây
>
Đừng giận, khi người trẻ mê người trẻ
>Bị cấm cửa, mới giật mình!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người ta chê người mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO