Người Ơ Đu trên quê mới

NGỌC MINH - ĐÔNG QUANG| 09/04/2010 08:16

Ơ Đu là một trong năm dân tộc ít người nhất của Việt Nam (dân số dưới 1.000 người), hiện có mặt duy nhất tại huyện miền núi huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Người Ơ Đu trên quê mới

Ơ Đu là một trong năm dân tộc ít người nhất của Việt Nam (dân số dưới 1.000 người), hiện có mặt duy nhất tại huyện miền núi huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Đứng trước nguy cơ bị biến mất, dân tộc Ơ Đu đã được Nhà nước quan tâm đặc biệt với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao dân trí, khôi phục và bảo tồn văn hóa... Chỉ riêng từ 2007 - 2010, các cấp chính quyền đã và đang đầu tư khoảng 90 tỷ đồng cho công việc này. Người Ơ Đu đã được chuyển từ quê cũ bên dòng Nậm Nơn đến quê mới tại bản Văng Môn, xã Nga My cùng huyện. Khó khăn còn bộn bề và mối lo về những người Ơ Đu bị biến mất vẫn không nguôi...

Mới ưng con mắt...

Quê mới của người Ơ Đu được xây dựng khá bài bản. Bản nằm bên đường lớn, có điện, có bể chứa nước, nhà ngay hàng thẳng lối. Vậy nhưng khi tiếp xúc với người dân thì họ vẫn còn những băn khoăn về nôi ở mới. Anh Lo Văn Tiến, một người dân của bản, nói: “Bản có đẹp, nhưng chỉ sướng con mắt thôi còn chưa ưng cái bụng”. Tôi hỏi vì sao, anh bảo tìm trưởng bản mà hỏi sẽ biết ý bà con.

Một góc bản Vang Môn, xã Tương Dương, Nghệ An - quê mới của người Ơ Đu

Nhà trưởng bản Lo Văn Tình được xây dựng khác với đa phần nhà bà con trong bản, bởi có cột gỗ, có sàn, có vài gian phòng riêng. Trưởng bản cho biết: “Mình có điều kiện hơn bà con nên khi được Nhà nước hỗ trợ, mình thêm vào xây nhà theo ý mình, còn bà con được ở nhà xây sẵn. Dân mình cùng ý cả thôi. Bản đẹp sướng con mắt nhưng chưa ưng cái bụng”.

Ông Tình cho biết thêm, để phục vụ công trình thủy điện Bản Vẽ, bắt đầu từ năm 2006, người Ơ Đu sống dọc sông Nậm Nơn thuộc xã Kim Đa được chuyển đến nơi ở mới. Bản mới Văng Môn có 82 hộ với 368 nhân khẩu, diện tích đất, cả ở và sản xuất là 560ha. Dân bản về đây sống chủ yếu bằng trồng lúa, ngô, sắn, rau củ, nuôi trâu, bò, heo.

Khu tái định cư đất không màu mỡ năng suất cây trồng thấp, rừng ở đây cũng là rừng non nên chưa thể khai thác được gì. Cách thức canh tác của bà con cũng chưa thích ứng được với môi trường sản xuất mới. Chính vì thế cuộc sống của bà con khá vất vả, phải phụ thuộc vào trợ cấp của Nhà nước.

Nhưng điều bà con băn khoăn nhất không chỉ là khó khăn trong sản xuất, mà còn là nôi ở, nhất là nhà xây theo hình hộp, không phù hợp với quan niệm và lối sống của người Ơ Đu, mái che hẹp nên nắng thì nóng còn mưa thì tạt; bếp được xây liền với với nhà, lại bí khói gây ngột ngạt.

Lo Hân, đứa trẻ hiếm hoi của người Ơ Đu

Nhà làm cũng không đúng hướng. Nhà ở dân tộc mình phải quay đầu vào núi, nhưng khi dựng họ không hỏi ý kiến dân mình, vì thế có gia đình không chịu vô ở. Nguồn nước của bản được dẫn bằng đường ống từ trên núi xuống, nhưng lại từ khe nước đá vôi nên không thể ăn uống được. Nhiều hộ dân đã phải đào giếng mới có nước dùng. Cứ ba hộ được xây một bể nước sinh hoạt và một nhà tắm, nhưng bể nước hiện bỏ khô còn nhà tắm thì bỏ hoang”.

Chị Mong Thị Hoàn, một hộ dân có nhà hộp, nói: “Nhà của người mình ở phải có gian cho ông bà tổ tiên, gian cho tiếp khách, gian cho con trai con dâu. Vậy mà Nhà nước cứ xây chung chạ!”.

Tiếng mẹ đẻ đang "theo người già"

Tiếng mẹ đẻ muốn được duy trì phải có sự kế tục, nhưng với người Ơ Đu, đã không có điều đó. Ông Tình cho biết: “Trẻ con Ơ Đu giờ đứa mô lớn lên cũng được đi học, đều nói tiếng Kinh, rồi đến tiếng Thái. Ngay mình 48 tuổi cũng không còn biết mấy tiếng mình. Cả bản chỉ còn 6 ông bà già nói được khoảng 70 - 90% tiếng mình, nhưng mấy người già đó sắp về với mường Then (trời), khi mô thì khó biết lắm. Tiếng mẹ đẻ cũng đi theo người già thôi”.

Tôi được biết, năm 2007, huyện tổ chức một lớp dạy tiếng Ơ Đu cho 60 người, nhưng năm 2008, kiểm tra thì vẫn “như chưa học”, vì lớp học không được tổ chức thường xuyên.

Học sinh Ơ Đu trong giờ học

Tôi được ông trưởng bản đưa tới thăm Phân hiệu bản Văng Môn của Trường Tiểu học xã Nga My. Khi đi ngang qua một lớp học, Tôi được các em “Chào chú, chào chú” bằng tiếng Kinh. Thầy Lê Tuyên Huấn, người phụ trách lớp học, bảo: “Các em đều là người Ơ Đu đấy anh ạ”. Hỏi thầy Huấn, mình là người Kinh thì dạy các em có khó khăn gì về ngôn ngữ không, thầy bảo vì các em cũng nói được tiếng Kinh nên không khó khăn gì.

Thầy Huấn điểm danh qua, các em lần lượt đứng dậy và nói theo tiếng Kinh tên mình rõ ràng, mạch lạc. Ngay cả tên họ của mình, người Ơ Đu cũng đặt theo người Thái và người Khơ Mú. Tôi hỏi có cháu nào trong lớp biết tiếng Ơ Đu không, cả lớp ngơ ngác rồi... cười.

Thấy thế hệ tương lai của người Ơ Đu học bài bằng tiếng phổ thông, trưởng bản Lo Văn Tình trầm tư: “Nhưng cũng chịu thôi, phải để con em mình bắt kịp với con em các dân tộc khác. Mà như thế thì phải học bằng tiếng phổ thông. Trẻ con không biết tiếng dân tộc mình, phụ nữ không biết dệt vải theo dân mình, đàn ông thì chỉ biết thổi khèn, thổi sáo của người Thái, người Khơ Mú, ăn mặc cũng giống họ, giờ giống thêm cả người Kinh. Nhà nước cho bảo tồn, khôi phục bản sắc văn hóa nhưng làm nhà cũng không hỏi người mình, dạy tiếng mình cũng không liên tục thì khó cho người mình quá!”.

Tộc người Ơ Đu còn có tên khác là Tày Hạt (theo tiếng Thái nghĩa là người “đói rách”). Xưa kia người Ơ Đu cư trú chủ yếu dọc theo sông Nậm Mộ và Nậm Nơn. Ngôn ngữ Ơ Đu thuộc ngữ hệ Môn - Khmer. Tuy nhiên ngày nay tiếng nói, cách dệt thổ cẩm, trò chơi… của người Ơ Đu đã bị pha trộn với người Thái, người Khơ Mú nên khó nhận biết nét riêng.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người Ơ Đu trên quê mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO