Ngôi chùa ở phố núi Pleiku

BÍCH HỒNG| 23/09/2017 01:16

Trước đây, sống giữa núi rừng bao la, người Tây Nguyên nhìn vào mỗi gốc cây, con suối đều có thái độ kính ngưỡng từ sự biết ơn thiên nhiên cùng những vị thần cai quản.

Ngôi chùa ở phố núi Pleiku

Trước đây, sống giữa núi rừng bao la, người Tây Nguyên nhìn vào mỗi gốc cây, con suối đều có thái độ kính ngưỡng từ sự biết ơn thiên nhiên cùng những vị thần cai quản.

Đọc E-paper

Người Tây Nguyên, từ hệ Môn-Khmer đến hệ Nam Đảo với hơn 20 tộc người đã sáng tạo nên những giá trị văn hóa tín ngưỡng vô cùng đặc sắc, và trong những thập niên đầu thế kỷ XX, các tôn giáo đã xuất hiện giữa những khu rừng xanh thẳm, để lại nơi đây những chùa chiền, nhà thờ có kiến trúc vô cùng đặc sắc. Và đó là điểm tựa tinh thần của những người sống giữa thiên nhiên hoang dã.

Tôi cảm nhận được điều đó rất mạnh mẽ khi bước lên ngọn đồi xanh rậm rạp, nơi có ngôi chùa Minh Thành thuộc phường Hội Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Chỉ nhìn những mái ngói xanh cong cong, nhìn chiếc tháp vút lên là biết ngôi chùa Minh Thành thuộc hệ phái Bắc Tông.

Chùa do Hòa thượng Thích Giác Đạo khai mở năm 1964. Đến năm 1972, nhà chùa định mở mang khuôn viên đồng thời xây dựng một số hạng mục mới nhưng không thực hiện được. Mãi đến năm 1997, chùa Minh Thành được khởi công trở lại với kế hoạch xây dựng dự kiến kéo dài 30 năm.

Đây là ngôi chùa lớn nhất Tây Nguyên. Khi xây chùa Minh Thành, những người thừa hành đã cố gắng tạo ra dấu ấn sâu sắc của triết lý Bắc Tông: mỗi chúng sanh đều có Phật tánh hay pháp thân, mà pháp thân thì lặng lẽ, không sanh, không diệt, trùm khắp pháp giới. Bởi thế nên nơi nào, xứ nào cũng có Phật. Thân Phật chỉ là trong một giai đoạn tạm thời trong muôn triệu giai đoạn, một hóa thân trong muôn triệu hóa thân.

Tôi nghĩ đến những triết lý ấy khi đứng trước chùa Minh Thành và hình dung ra bước chân của những Phật tử quanh vùng Gia Lai này đến đây để tự ngộ về Phật tánh. Những bước chân của những người nông dân đi kinh tế mới sau năm 1975 từ rừng ra tìm đến cửa Phật để lặng nhìn những gương mặt đời sống hóa thân thể hiện thành hàng nghìn bức tượng nhỏ vàng son chói lọi gắn kín hai bên vách.

Phật tánh đã giúp họ sống được ở nơi rừng núi xa lạ. Những người ấy đã luống tuổi, đã thành chủ của những vườn tiêu giàu có lừng danh đất Gia Lai, hoặc đã trải qua những gian khó, hoặc chỉ đơn giản là một người trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc đến cầu cửa Phật một lời giải.

Tôi theo những Phật tử đi xem từng gương mặt trong mấy trăm gương mặt đức Phật thị hiện, là những pho tượng đồng nhỏ do các nghệ nhân chạm khắc, và cũng không ngạc nhiên khi rất nhiều pho tượng phảng phát đường nét của các chủ nhân bản địa, những gương mặt khắc khổ, ánh mắt sâu thẳm của người Giarai, Êđê.

Cũng không lấy làm lạ khi biết nhiều người bản địa đã giác ngộ Phật pháp. Người bản địa Tây Nguyên phần lớn gìn giữ tín ngưỡng đa thần, giữ tốt những lễ hội, tấu lên thật hay những bài cồng chiêng giao tiếp với thần linh. Nhưng một phần không nhỏ đã tìm đến tôn giáo khác, chủ yếu là Tin Lành, để nương tựa vào một giáo lý nào đó nhằm giữ sức mạnh trong cuộc sống.

Người bản địa theo Phật giáo không nhiều, nhưng chùa Minh Thành nổi tiếng vì là công trình phối hợp giữa kiến trúc và điêu khắc, trở thành nơi mà Phật tử tứ phương tìm về chiêm ngưỡng.

Giữa tiếng chuông, tiếng tụng kinh niệm Phật, tôi gặp anh Nguễn Văn Lanh, người huyện Chư Sê - vua đất tiêu lái xe chở cả gia đình đến bái Phật và vãn cảnh chùa. Anh kể, bà con người Kinh di cư từ miền Bắc vào làm ăn sinh sống thích ngôi chùa này, nơi nó không bị cảnh u tối của rừng núi khuất lấp, lại vững vàng trên ngọn đồi cao, phóng tầm mắt nhìn ra núi non trùng điệp rất giống quê nhà cũ. Người Kinh đến từ các vùng rừng núi xa xôi, nhiều lúc hoang mang tìm đường sinh nhai, mà đôi khi tuyệt vọng chỉ biết cầu trời khấn Phật qua cơn gian khó.

Những ngôi chùa miền núi không có cảnh buôn hương bán lễ, chùa Minh Thành cũng thế, hương khói vấn vít trong không trung, có những lúc không một bóng người. Chánh điện chùa Minh Thành bố trí theo hình thức đơn giản của mạn-đà-la (mandala), đó là một vòng tròn tượng trưng đóa sen nở trọn - vòng tròn ấy là căn bản vũ trụ luận của Phật giáo, gồm hai tầng: đại hùng bảo điện và đại bi đường.

Trước cửa chánh điện có tạc tượng Kim Cang Lực Sĩ cao 6 mét, rất sống động với cái nhìn dữ dội, xoáy vào tâm can kẻ tà tâm, ngay đến người thường cũng phải dừng giây lát tự trấn an tinh thần, tự vấn bản thân. Chính giữa điện là tượng Tỳ Lô Giá Na Phật, cao 6 mét, nặng 16 tấn, mỗi cánh sen có chạm khắc nổi những vị Phật, và vách phía sau là bát thập bát Phật (88 vị Phật), ngũ phương Phật (5 vị Phật) Đông, Tây, Nam, Bắc, bát bộ kim cang (tám vị Hộ Pháp), tượng Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, tượng Văn Thù, Phổ Hiền.

Hai bên tả hữu là các tượng Thập nhị Duyên Giác (12 vị đại bồ tát), mỗi tượng cao 3 mét, bằng gỗ mít sơn son thiếp vàng, hai bên vách chánh điện có 3.000 phù điêu các vị Phật. Tất cả được chạm nổi vào tường sáng rực rỡ.

Tầng dưới của chánh điện là Đại bi đường thờ Quan Thế Âm Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn mà theo cách gọi dân dã là Phật nghìn mắt nghìn tay, tạc theo phong cách Việt Nam, cao trên 7 mét, hai bên là Hộ Pháp cao 3 mét, ba pho tượng được chạm khắc bằng gỗ.

Một công trình khác nữa là ngôi bảo tháp thờ Xá Lợi chín tầng cao 72 mét, bên trong bảo tháp là bốn vị Thiên thủ Thiên nhãn cao 8,8 mét và ngang hơn 3 mét được chạm khắc rất tinh tế, sống động từng chi tiết, bằng gỗ mít. Sau gần 20 năm, những nghệ nhân làng Đồng Kỵ vẫn tiếp tục vào đây làm việc, và sẽ để lại đây cả ngàn bức tượng hoặc phù điêu.

Mười năm trước chúng tôi gặp cậu bé Lâm học nghề ở đây. Con nhà nghèo, theo các thợ cả từ Bắc vào, ăn cơm chay, ngồi tạc tượng, 10 năm sau Lâm đã đi nhiều nơi hành nghề, nhưng đã nhiều dịp quay lại chùa Minh Thành để góp bàn tay tài hoa tạo tác những bức tượng La Hán sơn son thếp vàng theo truyền thống.

Và không biết sự giác ngộ, hay kiến trúc nghệ thuật, hay cuộc sống mỗi lúc thêm xô bồ mà ngôi chùa cũng dần đông khách thập phương hơn. Chùa đông hay vắng không quan trọng. Tôi hiểu rằng tôn giáo giúp con người vững chãi hơn trong cuộc sống, trong những khuất nẻo mưu sinh, trong những yên bình về nẻo thiện. Minh Thành là ngôi chùa lớn nhất Tây Nguyên không chỉ về quy mô xây dựng và giá trị nghệ thuật.

Ở trung tâm một vùng đất sôi động về phát triển kinh tế, có vị trí địa - chính trị quan trọng, những nền văn hóa khác biệt, những tôn giáo phát triển bên cạnh nhau, với kinh kệ và hoa sen, nó làm cho phố núi Pleiku thêm bình yên và nhiều bản sắc.

>Trường dạy nghề trong ngôi chùa cổ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngôi chùa ở phố núi Pleiku
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO