Nghịch lý chi trả của người Việt

BÍCH HỒNG| 12/03/2016 06:36

Nghịch lý chi trả sẽ được san phẳng khi nền kinh tế phát triển, thu nhập bình quân của người Việt tăng lên. Tuy nhiên, ứng xử với đồng tiền luôn là văn hóa cần quan tâm.

Nghịch lý chi trả của người Việt

Những ngày Tết Bính Thân vừa qua, Phú Yên lần đầu thấy hiệu ứng của "hoa vàng và cỏ xanh" với lượng khách du Xuân tăng đột biến. 

Đọc E-paper

Dòng người từ Bắc vào, từ Nam ra ngang qua Phú Yên đều tranh thủ ghé thăm những địa danh nổi tiếng, và cuối cùng tất cả đều khen cảnh đẹp nhưng chê những nhà quản lý tồi!

Trả 10 ngàn đồng cho chiếc vé tham quan nhưng hàng trăm ý kiến trên các mạng xã hội chê bai Phú Yên đã đổ bê tông hàng tay vịn trên đường xuống Gành Đá Đĩa thay vì nên làm bằng gỗ hoặc tre nứa. Người khác than phiền không có nhà vệ sinh hoặc phiên chợ ẩm thực, nơi bán hàng lưu niệm... Rất nhiều đòi hỏi với chiếc vé tham quan 10 ngàn đồng.

Câu chuyện này làm tôi nhớ lại năm đầu tiên Đà Nẵng bán vé xem cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế. Trước đó, cả dân địa phương và khách du lịch đều được xem miễn phí. Khỏi nói, dư luận đã sốc như thế nào khi nghe phải mua vé từ 200 - 300 ngàn đồng để xem pháo hoa giữa trời.

Dư luận ồn ào rồi cũng lắng xuống khi tận mắt nhìn thấy trong lễ hội pháo hoa quốc tế, khán giả được ngồi xem cận cảnh pháo hoa với đầy đủ hiệu ứng nhờ nghệ thuật sử dụng âm thanh, ánh sáng, và tuyệt vời nhất là được bảo vệ an toàn giữa đám đông hàng chục ngàn người. Cuối cùng dư luận hiểu ra, phải trả tiền thì mới được tận hưởng một sản phẩm tốt. Những người không mua vé vẫn có thể đến xem ở các khu vực lân cận, nhưng rõ ràng không thể tận hưởng trọn vẹn nghệ thuật.

Những gì tôi đã thấy tại khu thắng cảnh thiên nhiên động Thiên Đường cũng vậy. Khu này được chính quyền giao cho một tập đoàn đầu tư khai thác, từ dịch vụ đến chiếu sáng nghệ thuật hoàn hảo. Và tại đây đã xảy ra nhiều cuộc tranh cãi về giá vé giữa người dân địa phương và Ban quản lý. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với việc mỗi khách tham quan Khu du lịch Bà Nà phải mua vé vào cửa 500 ngàn đồng.

Đầu tư đón khách du lịch nội địa chắc chắn khó hơn đón du khách nước ngoài, bởi khả năng chi trả của khách nội địa thấp nhưng họ lại đòi hỏi rất cao về dịch vụ. Thế nhưng, các nhà sản xuất Việt thường có quan điểm quảng cáo rất sai lầm về "hàng tốt - giá rẻ”, làm cho người tiêu dùng, du khách luôn có cảm giác bị lừa khi sử dụng dịch vụ hoặc mua hàng.

Quan điểm sai lầm về "hàng tốt - giá rẻ” tuy có ve vuốt người tiêu dùng hiện nay với khả năng chi trả thấp, nhưng sẽ tạo ra một thế hệ tiêu dùng không hiểu rõ giá trị của đồng tiền mình tiêu xài. Từ đó dẫn đến không hiểu rõ giá trị của sản phẩm cũng như dịch vụ, tạo nên cái yếu kém của người tiêu dùng: người sẵn sàng xài hàng phá giá, người khác coi đồng tiền quá lớn dẫn đến thái độ vô văn hóa trong ứng xử khi sử dụng dịch vụ, tạo ra hiệu ứng tẩy chay khách hàng Việt ở một số điểm mua sắm dành cho khách du lịch.

Nghịch lý chi trả này dần dần sẽ được san phẳng khi nền kinh tế phát triển, thu nhập bình quân của người Việt tăng lên. Tuy nhiên, ứng xử với đồng tiền luôn là văn hóa cần quan tâm.

Chính các doanh nghiệp cùng văn hóa bán hàng và phục vụ sẽ đóng góp phần lớn vào cách ứng xử và chi trả của người tiêu dùng. Xin đừng "huyễn hoặc" người tiêu dùng với cam kết "hàng tốt - giá rẻ” không tưởng, để họ quay lại kết tội mình "dối lừa", tạo thêm không khí ngột ngạt trong xã hội!

>Tản mạn thành phố du lịch Nha Trang

>Giới trẻ và văn hóa hưởng thụ

>Du lịch Trung Quốc: Đi một ngày đàng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghịch lý chi trả của người Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO